Sắp có câu trả lời về gỡ vướng cho hàng loạt dự án
89 dự án bất động sản tại một số địa phương đã được Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ rà soát, phân loại vướng mắc trong quá trình đầu tư. Những vướng mắc nào thuộc thẩm quyền giải quyết của chính quyền địa phương, Tổ công tác đã tổng hợp, gửi về các địa phương để thúc đẩy giải quyết…
Tại cuộc họp báo về hoạt động của ngành xây dựng diễn ra cuối tuần qua, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, người được phân công làm Tổ phó Tổ công tác của Chính phủ, cho biết dự kiến ngay trong tháng 1 này, sẽ có câu trả lời cho những vướng mắc tại hàng loạt dự án bất động sản. "Chúng tôi đã gặp gỡ, trao đổi, nắm bắt khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản. Các vướng mắc chủ yếu liên quan đến vấn đề đất đai, thủ tục đầu tư, quy hoạch, cấp giấy chứng nhận, huy động nguồn vốn…
TRÁCH NHIỆM KHÔNG NHỎ THUỘC VỀ DOANH NGHIỆP
Nhận định rõ những khó khăn, vướng mắc đó, Tổ công tác đã đưa ra những giải pháp xử lý các nhóm vấn đề. Nhóm vấn đề nào thuộc thẩm quyền của Tổ công tác thì Tổ trực tiếp hướng dẫn điều chỉnh ngay. Với những vấn đề vượt thẩm quyền, Tổ công tác sẽ trình lên xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Thứ trưởng Sinh, ngoài những vướng mắc về pháp lý liên quan đến đất đai, điều chỉnh quy hoạch…, doanh nghiệp còn phải đối mặt khó khăn về nguồn vốn. Cùng một thời điểm, nhiều doanh nghiệp đến hạn phải trả nợ tín dụng, thanh toán trái phiếu… trong khi không huy động được dòng tiền. Thiếu vốn nên một số doanh nghiệp đã dừng thực hiện dự án, nhiều doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng phải cho công nhân nghỉ việc.
Vì thế, bên cạnh làm việc với các địa phương, doanh nghiệp, thúc đẩy chính quyền địa phương thực hiện thủ tục hành chính nhanh gọn, Tổ công tác đã kiến nghị Chính phủ làm việc với Ngân hàng Nhà nước tháo gỡ khó khăn về tín dụng. Thủ tướng cũng đã chỉ đạo Ngân hàng nhà nước nới room tín dụng; ban hành Nghị định 65 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế…
“Tuy nhiên, qua làm việc chúng tôi cũng thấy rằng bên cạnh vướng mắc về cơ chế thì bối cảnh khó khăn hiện nay còn có trách nhiệm không nhỏ thuộc về các doanh nghiệp", Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nói. Có những giai đoạn thị trường tốt, tích cực, không ít doanh nghiệp đã đầu tư dàn trải, thực hiện cùng lúc nhiều dự án. Chính vì thế, họ tự tạo khó khăn cho mình khi không thể cân đối được nguồn vốn lúc thị trường đình trệ. Bởi vậy, các doanh nghiệp cần nhìn lại mình, và thực hiện rà soát, cơ cấu lại sản phẩm bất động sản, cơ cấu lại dự án, chỉ tập trung thực hiện các dự án đang triển khai để có đủ điều kiện bán hàng mới tạo được dòng tiền. Vốn vay cho dự án nào phải thực hiện đúng cho dự án đó...
Riêng một số dự án đang chậm tiến độ do nằm trong kết luận thanh tra, kiểm tra hoặc kết luận bản án, Tổ công tác sẽ tiếp tục làm việc với các địa phương thúc đẩy triển khai, tránh lãng phí nguồn lực.
TĂNG CUNG NHÀ Ở XÃ HỘI, GÓP PHẦN KÉO GIẢM GIÁ NHÀ Ở
Đề cập đến giá nhà, lãnh đạo Bộ Xây dựng thừa nhận giá nhà đang neo ở mức cao, vượt quá khả năng tài chính của đại đa số người dân lao động, đồng thời thị trường có dấu hiệu lệch pha cung cầu. Trong đó, thiếu trầm trọng nhà giá rẻ và nhà ở xã hội. Trước thực tế này, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ Đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội từ nay đến 2030 (dựa trên nhu cầu của các địa phương). Đây là một trong những giải pháp vừa tạo chỗ ở cho người dân có thu nhập thấp, vừa giúp kéo giảm giá nhà ở thông qua tăng nguồn cung trên thị trường.
Song theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản Vương Anh Dũng, dự kiến vẫn có nhiều khó khăn khác nhau trong triển khai đề án này. Bộ sẽ nghiên cứu, ban hành hướng dẫn trình tự thủ tục, đầu tư xây dựng một cách cụ thể, đầy đủ. Với những vướng mắc về cơ chế chính sách, thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ cũng đã tham mưu sửa đổi theo hướng ưu đãi trong hoạt động đầu tư, đối tượng thụ hưởng; giá bán… để tạo thuận lợi nhất, nhằm triển khai các dự án nhà ở xã hội một cách nhanh nhất.
“Với một số vướng mắc trong quy định của Luật (thuộc thẩm quyền Quốc Hội), chúng tôi cũng đã kiến nghị sửa Luật Nhà ở, trong đó có việc dành quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội. Cụ thể là đề xuất sửa Luật theo hướng giao UBND địa phương trong quá trình lập quy hoạch phải bố trí đất dành cho phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu tại địa phương mình”, ông Vương Anh Dũng cho biết.
Trong 2023, Thanh tra Bộ Xây dựng sẽ tiến hành thanh tra quản lý nhà nước ngành xây dựng tại một số lĩnh vực nổi cộm như: hoạt động kinh doanh bất động sản; xây dựng đồng bộ hạ tầng… ở một số khu đô thị lớn tại 7 địa phương: Thái Bình, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Sóc Trăng…
Phó tránh Thanh tra Bộ Xây dựng Chu Hồng Uy.