Sáp nhập 2 hãng hàng không lớn nhất Hàn Quốc trong thương vụ 1,6 tỷ USD
Thương vụ sáp nhập này sẽ tạo ra hãng hàng không thuộc top 10 thế giới tính theo số lượng máy bay
Theo Bloomberg, Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc (KDB) ngày 16/11 cho biết sẽ đầu tư 800 tỷ Won (hơn 721 triệu USD) cho Hanjin Kal - công ty mẹ của Korean Air Lines - để công ty này rót vào Korean Air. Sau đó, Korean Air sẽ phát hành thêm cổ phiếu và dùng số tiền huy động được để mua lại mua hãng hàng không đối thủ Asiana Airlines.
Cụ thể, Korean Air sẽ mua lại 30,77% cổ phần của Asiana Airlines từ các chủ nợ của hãng này - trong đó chủ nợ lớn nhất là KDB. Thương vụ này ước tính trị giá 1,6 tỷ USD. Korean Air hiện là hãng hàng không lớn thứ 18 trên thế giới và lớn nhất tại Hàn Quốc.
"Chúng tôi nhận ra rằng nếu không tái cơ cấu thì không chắc hay hãng bay hàng đầu Hàn Quốc này có thể tiếp tục tồn tại sau khi đại dịch Covid-19 qua đi", thông cáo của KDB có đoạn viết. "Thương vụ này sẽ tạo ra một trong 10 hãng hàng không lớn nhất thế giới tính theo số lượng máy bay".
Hanjin KAL dự kiến sẽ gửi ý định thư cho KDB trong tuần này để triển khai thương vụ.
Công bố của KDB được đưa ra 2 tháng sau khi thương vụ thâu tóm trị giá 2,2 tỷ USD giữa Kumho Industrial - công ty mẹ của Asiana Airlines - và hãng xây dựng Hyundai Development Company (HDC) sụp đổ. Hồi tháng 9, HDC từ chối mua lại Asiana do dịch bệnh khiến khiến ngành hàng không tê liệt. Do đó, KDB phải tìm kiếm một kế hoạch khác.
"Giờ đây, điều quan trọng nhất với các hãng hàng không Hàn Quốc là tái cơ cấu mạng lưới để tồn tại", Um Kyung-a, nhà phân tích của Shinyoung Securities Co. có trụ sở tại Seoul, nhận định.
Theo nhà phân tích Lee Han-joon của KTB Investment & Securities, thương vụ trên là tin tốt với Asiana Airlines. Còn Korean Air được hưởng lợi khi loại được đối thủ cạnh tranh là hãng hàng không lớn thứ hai Hàn Quốc. Bên cạnh đó, thương vụ sáp nhập này cũng sẽ có tác động tích cực với ngành hàng không Hàn Quốc trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đẩy các hãng bay toàn cầu rơi vào khủng hoảng.
Nhiều hãng hàng không lớn tại châu Á như Singapore Airlines lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng khi báo lỗ ròng 1,7 tỷ USD và doanh thu sụt 81% trong quý 3/2020. Hãng này đang phải cắt giảm 20% nhân sự và phát hành chứng quyền, vay vốn để cầm cự. Trong khi đó, Thai Airways của Thái Lan cũng đang rao bán khoảng hơn 30 máy bay Boeing và Airbus nhằm tái cơ cấu khối nợ tương đương 11,4 tỷ USD.
Trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Asiana Airlines - ra đời năm 1988 - có đường bay tới 61 thành phố tại 21 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hãng này cũng sở hữu hai hãng hàng không giá rẻ Air Seoul và Air Busan. 6 tháng đầu năm nay, Asiana Airlines báo lỗ 268 tỷ Won (gần 242 triệu USD), trong khi nợ lên tới 11.500 tỷ Won (10,3 tỷ USD).
Tin tức về vụ sáp nhập giúp giá cổ phiếu của Asiana Airlines tăng tới 28,7% trong phiên giao dịch sáng 16/11. Còn giá cổ phiếu Korean Air và Hanjin Kal lần lượt tăng 8,4% và 3%.