Sau bầu cử, chính trường Thái Lan càng ngổn ngang hơn
Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên ở Thái Lan sau đảo chính 2014 đã chứng tỏ sự phức tạp ngay từ đầu
Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên ở Thái Lan sau đảo chính 2014 đã chứng tỏ sự phức tạp ngay từ đầu.
Sau bầu cử, tình hình thậm chí còn ngổn ngang hơn những gì mà giới quan sát dự báo trước đó, mở đường cho những bất ổn mới nổi lên sau 5 năm cầm quyền của Chính phủ quân sự - hãng tin Bloomberg cho hay.
Tình thế giằng co
Hơn một ngày sau khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa, các quan chức thuộc Ủy ban Bầu cử Thái Lan đối mặt lời kêu gọi từ chức do liên tục trì hoãn công bố kết quả chính thức. Nhiều sai phạm về quy chế bầu cử cũng bị phát hiện, trong đó có việc một ứng cử viên chứng kiến tổng số phiếu bầu nhận được sụt giảm 80% tại một thời điểm trong quá trình kiểm phiếu. Phải một giờ sau đó, số phiếu của ứng cử viên này mới được Ủy ban Bầu cử đính chính.
Theo một số thông tin hạn chế được đưa ra, các đồng minh của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra sẽ giành nhiều ghế nhất trong Quốc hội Thái Lan, tiếp theo là Palang Pracharath, chính đảng được quân đội Thái Lan hậu thuẫn. Cả hai phe hiện đang chạy đua lôi kéo đồng minh để giành đa số trong Hạ viện gồm 500 ghế.
Tuy nhiên, ưu thế đang có phần nghiêng về phe quân đội, bởi Thượng viện gồm 250 là do quân đội chọn ra.
Một liên minh kiểm soát từ 376 ghế trong Quốc hội có quyền chọn Thủ tướng. Với 250 ghế đã nắm ở Thượng viện, phe quân đội chỉ cần có thêm 126 ghế ở Thượng viện là đã có thể chọn Thủ tướng, và nhiều khả năng đó sẽ là đương kim Thủ tướng Prayuth Chan-Ocha.
Tuy nhiên, mọi chuyện cũng không hoàn toàn dễ dàng đối với ông Prayuth. Nếu ông tiếp tục giữ ghế Thủ tướng là không nắm đa số ở Hạ viện, phe đồng minh Thaksin có thể tổ chức một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm và cách chức ông. Trong trường hợp đó, một cuộc bầu cử khác sẽ phải được tổ chức, hoặc cũng có thể là một cuộc đảo chính nữa.
Đối với phe quân đội, chấp nhận thất bại không phải là điều dễ dàng. Sau khi lật đổ chính phủ của cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra, em gái ông Thaksin, vào năm 2014, quân đội Thái Lan đã soạn thảo một Hiến pháp mới nhằm phá vỡ ảnh hưởng của nhà Thaksin trên chính trường Thái Lan.
Chính phủ quân đội sau đó thậm chí còn học heo các chính sách dân túy của ông Thaksin, những chính sách đã giúp ông giành sự ủng hộ của đông đảo tầng lớp dân nghèo ở vùng Bắc và Đông Bắc Thái Lan. Trong lần bầu cử này, đảng Palang Pracharath đã hứa tăng lương tối thiểu thêm 30%, giảm thuế, và trợ giá cho các nông sản gồm cao su, gạo và mía đường.
Phe quân đội vẫn sẽ nắm quyền?
Cho dù phe quân đội có không giành được đa số ghế ở Hạ viện, điều đó cũng không có nghĩa là họ sẽ mất quyền lực. Họ đang nắm trong tay một loạt công cụ để đảm bảo quyền lực của mình, mà một trong số đó là Thượng viện do quân đội bổ nhiệm.
Trong một bài viết trên tờ New York Times hôm thứ Hai, ông Thaksin - người đang sống lưu vong ở nước ngoài - cho rằng cuộc bầu cử diễn ra ngày 24/3 đã bị thao túng. Chỉ ra một loạt sai phạm trong cuộc bầu cử, ông Thaksin cảnh báo rằng quân đội Thái Lan có thể tìm cách mua chuộc các đảng nhỏ hơn, hoặc giải tán các chính đảng ủng hộ dân chủ.
Ông Thaksin có lý do cho sự hoài nghi của ông. Bản thân ông hoặc đồng minh đã giành chiến thắng trong bất kỳ lần bầu cử nào ở Thái Lan trong 2 thập kỷ qua, chỉ để rồi cuối cùng bị quân đội lật đổ hoặc tòa án phế truất.
Trong những năm qua, tòa án Thái Lan đã giải tán 3 chính đảng thân ông Thaksin, gần đây nhất là đảng Thai Raska Chart bị giải tán ngay trước thềm cuộc bầu cử.
Một đảng ủng hộ dân chủ khác, có tên Tiến về tương lai (Future Forward), thì đang đối mặt nhiều thách thức pháp lý do bị cáo buộc vi phạm luật tội phạm mạng của Thái Lan vì chỉ trích chính quyền quân sự trên mạng Internet. Đảng này đạt kết quả tốt tới mức đáng ngạc nhiên trong cuộc bầu cử ngày Chủ nhật.
Trước mắt, ít khả năng Thái Lan phải đối mặt với các cuộc biểu tình đường phố quy mô lớn trước lễ đăng quang của nhà vua Maha Vajiralongkorn dự kiến diễn ra vào đầu tháng 5. Tuy nhiên, sau khi Ủy ban Bầu cử Thái Lan chính thức phê chuẩn kết quả bầu cử, dự kiến trước ngày 9/5, thì điều gì cũng có thể xảy ra.
Một thập kỷ trước, biểu tình đã bùng lên ở Thái Lan ngay trong dịp nước này đăng cai một hội nghị thượng đỉnh khu vực, sau khi một đảng thân ông Thaksin bị giải tán. Đây là điều mà quân đội Thái Lan không muốn tái diễn, bởi nước này đang hy vọng sẽ đón tiếp nhiều nhà lãnh đạo thế giới đến thăm trong năm nay, trong đó có Tổng thống Mỹ Donald Trump.
"Tôi không cho rằng một chính phủ liên minh của phe thân Thaksin có thể sẽ kéo dài 2 năm", Phó giáo sư Punchada Sirivunnabood thuộc Đại học Mahidol nhận định. "Những chia rẽ cũ vẫn tồn tại, chỉ là dưới dạng mới mà thôi".