16:14 01/07/2011

Sau hạn rút tín dụng phi sản xuất: Lo tổ kiến ở chân đê…

Minh Đức

Hạn rút tín dụng phi sản xuất xuống 22% đã hết. Liệu các trường hợp bị xử phạt có tạo nên một tổ kiến ở chân đê hệ thống?

Lo lắng đặt ra ở đây là, nếu có 5, 6 hay 10, thậm chí có thể cao hơn, số ngân hàng bị phạt tăng gấp đôi tỷ lệ dự trữ bắt buộc, một tổ kiến ở chân đê thanh khoản hệ thống có bị tạo ra hay không?
Lo lắng đặt ra ở đây là, nếu có 5, 6 hay 10, thậm chí có thể cao hơn, số ngân hàng bị phạt tăng gấp đôi tỷ lệ dự trữ bắt buộc, một tổ kiến ở chân đê thanh khoản hệ thống có bị tạo ra hay không?
Hôm nay (1/7), hạn rút tín dụng phi sản xuất xuống 22% đã hết. Liệu các trường hợp bị xử phạt có tạo nên một tổ kiến ở chân đê hệ thống?

Đến cuối chiều nay vẫn chưa có thông tin mới về kết quả các tổ chức tín dụng thực hiện rút tỷ trọng tín dụng phi sản xuất xuống 22% tổng dư nợ theo hạn 30/6.

Theo tìm hiểu của VnEconomy, có thể việc tổng kết đợt 1 trong lộ trình rút tỷ trọng này xuống 16% vào cuối năm 2011 phải chờ ít nhất một tuần nữa. Hoặc, dự kiến tại buổi họp báo về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 cuối chiều nay lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ đưa ra một số thông tin sơ bộ.

Còn theo thông tin từ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu tại buổi gặp mặt báo chí vừa qua, đến cuối tháng 5/2011 vẫn còn 18 ngân hàng có dư nợ phi sản xuất trên 22%, trong đó 9 đơn vị trên 30%.

Hạn 30/6 đã qua, nhiều khả năng sẽ có không ít thành viên không kịp rút về mốc 22% đó. Mối quan tâm lúc này là dư chấn của việc xử lý những trường hợp đó đối với hoạt động của hệ thống.

Theo Chỉ thị số 01/2011/CT-NHNN, những trường hợp không đảm bảo đúng lộ trình giảm tỷ trọng tín dụng phi sản xuất sẽ bị hạn chế mở rộng kinh doanh, đặc biệt là bị áp gấp đôi tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong kỳ liền tiếp. Tỷ lệ đó sẽ được trả về mức hiện hành đến thời điểm nào đảm bảo được mốc 22% đó (trước 31/12/2011).

Với mỗi tổ chức tín dụng riêng lẻ, việc tăng gấp đôi tỷ lệ dự trữ bắt buộc có thể là cái giá “rẻ” hơn chi phí gấp rút thu hồi nợ và những rủi ro, va chạm quan hệ khách hàng… liên quan. Nhưng, với một nhóm các tổ chức tín dụng cùng bị phạt, ảnh hưởng của nó sẽ không gói gọn trong phạm vi của một cá thể nữa.

Lo lắng đặt ra ở đây là, nếu có 5, 6 hay 10, thậm chí có thể cao hơn, số ngân hàng bị phạt tăng gấp đôi tỷ lệ dự trữ bắt buộc, một tổ kiến ở chân đê thanh khoản hệ thống có bị tạo ra hay không? Nếu có quy mô của nó như thế nào?

Hiện tại, tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi VND từ không kỳ hạn đến dưới 12 tháng là 3%, kỳ hạn dài hơn là 1%; tương ứng với ngoại tệ là 7% và 5%. Việc phạt tăng gấp đôi với nhóm đó là một tác động đáng kể.

Gần đây, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu nhiều lần đưa ra quan điểm rằng, do hệ thống các tổ chức tín dụng hiện không đồng đều nên việc tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc (xét trong một giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát) sẽ gây tác động rộng lớn. Tại buổi gặp mặt báo chí nói trên, ông cũng nói rằng đó là một “biện pháp bạo lực” để nhấn mạnh mức độ tác động của nó đối với các thành viên nói riêng và thị trường nói chung.

Nhưng từ tháng 7 này, sẽ có những trường hợp phải “thi hành án” với tỷ lệ dữ trữ bắt buộc tăng gấp đôi. Hiện chưa rõ số lượng cụ thể những trường hợp này, cũng như tên tuổi cụ thể để xác định quy mô ảnh hưởng có thể tạo ra “tổ kiến” đó như thế nào.

Dĩ nhiên, vẫn còn một khả năng là tất cả các tổ chức tín dụng đều về đích 22% thành công và đúng hẹn. Nhưng khả năng này là rất nhỏ.