06:00 07/11/2021

Sau những thách thức từ Covid-19, tương lai của Việt Nam vẫn tươi sáng

Vũ Phong

Việt Nam đã tận dụng các cơ hội thương mại toàn cầu để tạo cho mình vị thế ngày càng lớn mạnh trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời xây dựng một nền kinh tế trong nước phát triển bền vững...

Bất chấp tất cả những thách thức từ dịch Covid-19 đã diễn ra gần đây, giới chuyên gia vẫn giữ quan điểm rằng, tương lai của Việt Nam vẫn tươi sáng. Đặc biệt, khi dịch bệnh qua đi, sẽ có rất nhiều cơ hội dành cho những doanh nghiệp đã được chuẩn bị tốt.

KỲ VỌNG VÀO ĐÀ TĂNG TRƯỞNG CUỐI NĂM 2022

Mới đây, chia sẻ kết quả khảo sát trực tuyến của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cùng VnExpress, ông Trương Gia Bình, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính, Trưởng ban, cho biết, đang có gần 16% doanh nghiệp phải đóng cửa do không có doanh thu và vốn lưu động, gần 35,5% doanh nghiệp tham gia khảo sát phải tạm ngừng hoạt động với lý do đứt gãy chuỗi cung ứng, hầu hết doanh nghiệp thiếu lao động do người lao động di cư về quê.

Trong bối cảnh đó, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa vẫn duy trì tốc độ tăng cao, đạt 483 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước, vốn đầu tư FDI đăng ký mới vẫn tăng đáng kể và tăng trưởng GDP dương trong 9 tháng năm 2021 đã góp phần tạo nên một triển vọng tươi sáng hơn cho nền kinh tế Việt Nam.

Thậm chí, kể từ khi Chính phủ thay đổi chính sách về Covid-19 từ tháng 10/2021, nền kinh tế đã nhanh chóng mở cửa trở lại và quá trình chuyển đổi sang kỹ thuật số đã bắt đầu. Hiện tại, chính phủ đang lên kế hoạch cho một gói hỗ trợ mới để phục hồi kinh tế, đồng thời cũng đã áp dụng công nghệ trong việc kiểm soát Covid-19. “Dự kiến ​​sẽ có nhiều giải pháp hơn nữa, ứng dụng AI và công nghệ sẽ hỗ trợ kiểm soát tình hình và phục hồi kinh tế nhanh chóng trong thời gian sớm nhất”, ông Trương Gia Bình nói.

Không chỉ khu vực kinh tế tư nhân trong nước, các nhà đầu tư nước ngoài dù cũng gặp rất nhiều khó khăn nhưng họ đều đặt rất nhiều kỳ vọng vào đà tăng trưởng trở lại của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

Tại hội thảo trực tuyến “Ngày Việt Nam – Mở cửa Cơ hội Kinh doanh” do HSBC tổ chức vừa qua, ông Alain Cany, Chủ tịch Eurocham Việt Nam đánh giá, mặc dù kinh tế Việt Nam hiện đang dần mở cửa trở lại, các lĩnh vực đầu tiên phải đóng cửa như du lịch, khách sạn, tổ chức sự kiện... vẫn bị kiểm soát chặt chẽ, điều này khiến người tiêu dùng e ngại hơn, ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị. 

Đồng thời, một số công ty sử dụng nhiều lao động đã giảm quy mô sản xuất do làn sóng thứ tư của Covid-19 có thể phải đối mặt với những thách thức mới trong việc tuyển dụng và đào tạo nhân sự.

Tuy nhiên, ông Cany cũng chỉ ra rằng một số lĩnh vực vẫn được hưởng lợi trong đại dịch như thương mại điện tử với mức tăng trưởng 18%, đạt doanh thu hơn 11 tỷ USD vào năm 2020. Thị trường này sẽ tiếp tục phát triển khi người tiêu dùng ngày càng quen với việc mua sắm hàng hóa và dịch vụ trực tuyến. Mặt khác, nhờ các hiệp định thương mại tự do Việt Nam tham gia, sản xuất và xuất khẩu hải sản, cà phê, quần áo, giày dép, thiết bị cơ khí cũng sẽ sớm phục hồi.

Nhìn chung, nhờ các yếu tố cơ bản vững chắc, ông Cany dự báo: "Nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi dần dần trong ít nhất 6 tháng tới cho đến khi đà tăng trưởng mạnh hơn vào nửa cuối năm 2022. Các nhà máy tại các khu công nghiệp phía Nam có thể phục hồi chậm hơn so với những khu vực khác do tình trạng phong tỏa kéo dài".

Bổ sung cho kỳ vọng vào đà tăng trưởng của Việt Nam ở nửa cuối năm 2022, ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia chỉ ra rằng Việt Nam đã tạo ra sự ổn định về kinh tế vĩ mô và xã hội. Đây là điều sẽ khuyến khích đầu tư nước ngoài nhiều hơn khi các nhà đầu tư luôn yêu thích những môi trường an toàn, có thể dự đoán được. Những lợi thế khác của Việt Nam chính là câu chuyện về tăng trưởng kinh tế và mức độ tương tác của chính phủ với cộng đồng toàn cầu.

Còn theo ông Frederic Neumann, Đồng Giám đốc Khối Nghiên cứu Kinh tế Châu Á, thuộc Khối Nghiên cứu Kinh tế Toàn cầu của HSBC, Việt Nam sẽ ít bị ảnh hưởng từ việc Fed tăng lãi suất nhờ các yếu tố cơ bản mạnh mẽ và nền kinh tế với trọng tâm xuất khẩu.

Thêm vào đó, sự thiếu hụt năng lượng có thể tạm thời khiến lạm phát tăng ở các nền kinh tế mà dầu đóng vai trò quan trọng như Việt Nam. "Tuy vậy, theo ông Neumann, tình hình sẽ ổn định hơn vào nửa cuối năm 2022", ông Neumann nhấn mạnh.

NẮM BẮT CƠ HỘI VÀ XU HƯỚNG MỚI

Thông qua những diễn biến thời gian gần đây, giới chuyên gia cho rằng, dường như nền kinh tế Việt Nam đã tìm ra cách để thoát khỏi những ngày u tối. Theo đó, đây là thời gian để các lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện quá trình chuyển đổi và có những trọng tâm mới đã bắt đầu.

Sau cuộc khảo sát các Giám đốc điều hành do KPMG thực hiện từ tháng 4/2020 đến tháng 4/2021, ông Warrick Cleine cho biết niềm tin của các lãnh đạo doanh nghiệp đã hồi phục và họ tin tưởng nhiều hơn vào sự trở lại của trạng thái bình thường.

Một thay đổi khác được ghi nhận là tư duy của các lãnh đạo doanh nghiệp. Cụ thể, từ việc chỉ tập trung vào sức khỏe và sự an toàn của nhân viên, cũng như sự sống còn của doanh nghiệp, giờ đây, các lãnh đạo doanh nghiệp đã trở lại với tư duy phát triển, trong khi một số người cũng đã bắt đầu tập trung vào các cơ hội tăng trưởng tự thân.

Để nắm bắt cơ hội và xu hướng mới trong thời gian tới, ông Alain Cany đề nghị các doanh nghiệp nước ngoài tiếp tục đặt Việt Nam trong tầm ngắm lên kế hoạch đầu tư. Với phân khúc người tiêu dùng trung lưu ngày càng tăng, dự kiến sẽ chiếm hơn một nửa dân số vào cuối thập kỷ này, Việt Nam sở hữu một thị trường tăng trưởng đầy hứa hẹn cho các doanh nghiệp nước ngoài trong nhiều lĩnh vực, từ nhập khẩu ô tô đến giáo dục tư nhân.

“Các doanh nghiệp nên tận dụng lợi thế của các hiệp định FTA mà Việt Nam đã tham gia và hãy xem M&A là một phương thức phổ biến để thâm nhập thị trường trong nước và xây dựng quan hệ với các nhà cung cấp và đối tác tiềm năng”, ông Alain Cany nhấn mạnh.

Ngoài ra, các chuyên gia còn đưa ra khuyến nghị cho các doanh nghiệp trong nước như nên chuyển đổi sang phát triển bền vững, tích cực chuẩn bị cho làn sóng kỹ thuật số mới... Đặc biệt, giảm chi phí logistics và tăng năng lực cạnh tranh trong sản xuất là cách nhanh nhất để các doanh nghiệp tiếp cận xu hướng phát triển bất động sản công nghiệp và logistics.

Về phía Chính phủ, ông Vũ Văn Chung, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư Nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, chia sẻ: "Việt Nam chủ trương thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết sẽ cùng đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài triển khai các hoạt động đầu tư kinh doanh hiệu quả, thành công và lâu dài tại Việt Nam".