14:29 14/01/2016

“Sấy khô” những nỗi bực mình…

PV

“Sấy khô” những nỗi bực mình… - Ảnh 1

Về cơ bản, trên thị trường hiện nay có hai dạng máy sấy quần áo là: máy sấy chuyên dụng (có hình dáng giống máy giặt với lồng quay ngang) và tủ sấy (giống tủ vải treo quần áo hình chữ nhật hoặc hình ống trụ). Thoạt nghe, chắc chắn mọi người sẽ nghĩ ngay rằng máy sấy chuyên dụng (từ đây xin gọi tắt là máy sấy) sẽ “ăn đứt” các loại tủ sấy quần áo về mọi mặt. Xong trên thực tế thì lại không hẳn vậy. Và vì thế nên cuộc chiến phân định ưu thế giữa máy sấy và tủ sấy cho đến giờ vẫn chưa thể ngã ngũ. Sự chọn lựa cuối cùng vẫn phải dựa theo điều kiện sử dụng riêng của mỗi gia đình. Nên chọn máy sấy khi… Bạn yêu thích những tiện nghi do công nghệ đem lại: Với chiếc máy sấy, bạn sẽ thấy việc giặt giũ quần áo trở nên nhàn nhã hơn rất nhiều. Sẽ không còn cảnh bạn phải phơi từng chiếc quần áo lên mắc áo, chờ đợi quần áo khô (trong tâm trạng luôn phải canh chừng sợ mưa tạt ướt đồ hay gió to làm bay mất đồ khi thời tiết không thuận lợi…), rồi lại lấy từng chiếc mắc áo xuống khỏi dây phơi, dỡ đồ rồi mới được gấp cất, lại còn rất dễ… “phát khùng” vì đống mắc áo luôn muốn vướng vào nhau rất mất thời gian gỡ… Khi sử dụng máy sấy, tất cả những gì bạn cần chỉ là lấy quần áo ra khỏi máy giặt, giũ nhẹ (nếu bạn đủ… siêng) cho quần áo bớt nhăn sau khi sấy rồi cho chúng vào máy sấy, bấm nút đặt chế độ và bỏ đó, sau 1 – 2 tiếng là đã có những bộ đồ khô thơm, mềm mại có thể gấp cất lập tức. Với những chiếc máy sấy, quần áo của bạn sẽ không còn bị khô cứng, không lo bị bám bụi như khi phơi nắng, mà rất bông xốp, mềm mịn, vẫn rất thơm tho và còn có thể phẳng phiu như vừa được là hơi nếu bạn dùng những loại máy sấy cao cấp.

“Sấy khô” những nỗi bực mình… - Ảnh 2

Nhà bạn có diện tích nhỏ, thiếu chỗ phơi đồ và thiếu chỗ để đồ: Những chiếc tủ sấy tuy thường được quảng cáo là có thể gấp gọn, cất đi khi không cần dùng nên tiết kiệm diện tích sử dụng song trên thực tế, chúng vẫn đòi hỏi bạn phải dành thêm một khoảng không nhất định để đặt chúng (sẽ là khá cồng kềnh nếu nhà bạn nhỏ, chật) mỗi khi dùng và cất chúng đi sau đó. Ngoài ra, bạn sẽ mất thêm khá nhiều thời gian để lắp đặt hay xếp gọn chúng cho mỗi lần dùng nên cũng không thật sự tiện lợi. Trong khi đó, những chiếc máy sấy thường có kích thước tương đương hoặc nhỏ hơn chiếc máy giặt của bạn. Khi lắp đặt, bạn có thể sắp xếp để đặt hoặc treo chúng ngay trên máy giặt của mình nên thực sự không tốn diện tích như bạn nghĩ. Điều đó sẽ khiến bạn cảm thấy thoải mái, thuận tiện hơn khi sử dụng máy sấy về lâu về dài. Ngoài ra, chúng còn giúp bạn tiết kiệm được thêm phần khoảng không luôn phải dành cho việc phơi đồ của bạn. Gia đình bạn có… điều kiện kinh tế: Tuy có nhiều ưu điểm nổi trội nhưng máy sấy lại cũng có hạn chế lớn về giá thành đầu tư cũng như chi phí vận hành hàng tháng. Để mua một chiếc máy sấy loại phổ thông, ở mức đầu tư trung bình, bạn sẽ cần khoảng 6 – 7 triệu đồng/máy trong khi với tủ sấy, bạn chỉ cần mất khoảng trung bình là 900.000đ – 1.000.000đ/máy. Bên cạnh đó, tiền điện hàng tháng để vận hành máy sấy cũng thường cao hơn. Vì công suất tiêu thụ điện của máy sấy khi vận hành luôn cao hơn hẳn so với tủ sấy (khoảng 2.000W so với 1.000W), trong khi thời gian sấy thì lại không hẳn ngắn hơn. Khi đã dùng máy sấy, thường thì bạn sẽ không còn thích phải phơi cho quần áo khô se bớt rồi mới sấy để giảm thời gian sấy, mà sẽ cho quần áo vào sấy trực tiếp ngay sau khi giặt (thường là 60 – 90 phút/quy trình). Trong khi đó, với tủ sấy, bạn có thể phơi chúng vào giá phơi của tủ sấy cho khô se bớt rồi sau đó mớt bật máy sấy cho quần áo khô kiệt. Đó là lý do mà tủ sấy có thể sấy khô cùng lượng và loại quần áo chỉ trong khoảng 30 – 45 phút.

“Sấy khô” những nỗi bực mình… - Ảnh 3

Bạn là người cực kì cẩn thận: Khi sử dụng máy sấy, bạn cần đặc biệt lưu ý đến việc phân loại quần áo và chọn lựa chế độ sấy. Bởi nếu không làm đúng cách, quần áo của bạn có thể bị co rút (trở nên ngắn và nhỏ hơn kích cỡ bạn đang mặc nhiều lần), bị hư hỏng luôn (vì có nhiều loại quần áo không được dùng trong máy sấy) hoặc khô nhăn đến mức rất khó là ủi. Trong khi đó, các kí hiệu phân loại đồ được giặt sấy trên nhãn mác quần áo thì không phải ai cũng biết… xem. Nên chọn tủ sấy khi… Gia đình bạn không dư giả về kinh tế: Ưu thế đầu tiên của tủ sấy đó là giá thành đầu tư. Chỉ cần khoảng 1.000.000đ – 1.500.000đ là bạn đã bạn có được một chiếc tủ sấy loại tốt để sử dụng. Tuy giá rẻ hơn máy sấy nhiều lần nhưng trên thực tế sử dụng, tủ sấy vẫn đem lại hiệu quả sấy cao khi bạn đã phơi đồ cho ráo rồi mới sấy. Hơn thế, công suất của các loại tủ sấy nhìn chung chỉ khoảng từ 900 – 1.200W nên cũng tiết kiệm tiền điện hơn so với máy sấy mỗi khi dùng (với điền kiện bạn cần phơi quần áo cho ráo bớt ẩm trước khi sấy).

“Sấy khô” những nỗi bực mình… - Ảnh 4

Bạn ưu tiên sự đơn giản, dễ sử dụng: Bởi cách sử dụng tủ sấy nhìn chung không khác biệt mấy so với phương thức phơi quần áo thông thường mà bạn vẫn biết, ngoại trừ là việc bạn sẽ phơi trong tủ vải dù chứ không phải phơi ngoài trời. Khi dùng tủ sấy, bạn không cần tốn quá nhiều công sức và… “trí tuệ” để phân loại quần áo vì cơ chế phơi trong tủ sấy cũng giống việc phơi nắng, bạn chỉ cần phân loại vải có thể hay không thể phơi nắng. Bạn có thể tận dụng tính đa năng của tủ vải: Khác với máy sấy, khi không dùng để sấy quần áo, bạn có thể dùng tủ sấy như một chiếc giá phơi đồ, tủ cất quần áo hoặc thậm chí là một chiếc máy sưởi.

“Sấy khô” những nỗi bực mình… - Ảnh 5

Nhà bạn có không gian để phơi đồ cách xa chỗ chơi đùa, sinh hoạt của trẻ nhỏ: Bởi sự bất tiện của tủ sấy là nên tránh để trẻ nhỏ lại gần tủ khi tủ sấy đang hoạt động. Nhiệt độ cao xung quanh khu vực tủ sấy có thể làm trẻ bị bỏng, trẻ có thể xô đổ tủ (vì là tủ vải nên không chắc chắn)…

Đức Hiền