04:00 10/12/2007

“Sẽ có chỉ tiêu năng suất một số ngành kinh tế mũi nhọn”

Anh Quân

Hỏi chuyện ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Năng suất Việt Nam (Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng)

"Khi doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, cũng đồng nghĩa phải tiếp cận với vấn đề năng suất."
"Khi doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, cũng đồng nghĩa phải tiếp cận với vấn đề năng suất."
Hỏi chuyện ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Năng suất Việt Nam (Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng).

Thưa ông, Trung tâm Năng suất và Chương trình Thương hiệu Quốc gia mới ký biên bản ghi nhớ về việc hợp tác của hai bên. Vậy mục đích của việc hợp tác là gì và những hoạt động cụ thể trong năm tới?

Trung tâm sẽ tham gia đánh giá năng suất các doanh nghiệp trong Chương trình Thương hiệu Quốc gia, giúp các doanh nghiệp tìm ra “điểm yếu” và giải quyết các vấn đề doanh nghiệp gặp phải trong quản lý, điều hành. Qua đó nâng cao năng suất, chất lượng cho sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp.

Về tầm nhìn dài hạn, hai bên sẽ hợp tác thúc đẩy phong trào năng suất, chất lượng trong cộng đồng doanh nghiệp. Trong năm 2008, hai bên sẽ khởi động chương trình hợp tác bằng việc xây dựng chỉ tiêu năng suất của một số ngành kinh tế mũi nhọn (Vietnam Productivity Index), làm cơ sở để các doanh nghiệp đối chiếu và so sánh.

Nhưng năng suất là sản xuất nhanh hơn, ra nhiều sản phẩm hơn, trong khi thương hiệu lại đề cao chất lượng và giá thành hạ. Liệu có sự đối chọi trong khi kết hợp với nhau?

Theo quan niệm cũ, năng suất lao động được tính bằng hiện vật, bằng tổng giá trị sản phẩm, hoặc tổng doanh thu. Nếu như vậy, doanh nghiệp theo đuổi chất lượng sản phẩm có thể làm giảm năng suất. Tuy nhiên, theo cách tiếp cận hiện nay, năng suất là thước đo hiệu quả cuối cùng của doanh nghiệp.

Ví dụ, mô hình 50 triệu đồng/ha mà phải chi phí tới 40 triệu đồng/ha thì không còn nhiều ý nghĩa. Quan trọng là làm cách nào để thu về giá trị lớn nhất, trong khi sử dụng những nguồn lực có sẵn.

Giá trị hiệu quả mới là điều các “ông chủ” doanh nghiệp hướng tới. Không thể nói đến năng suất khi sản phẩm làm ra có tỷ lệ sai hỏng cao, hoặc bị khách hàng trả lại. Với cách hiểu như vậy, chất lượng là yếu tố góp phần nâng cao năng suất.

Khi doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, cũng đồng nghĩa phải tiếp cận với vấn đề năng suất. Nếu doanh nghiệp đầu tư cho thương hiệu mà năng suất chất lượng không tương xứng thì không thể đảm bảo phát triển bền vững.

Xin ông nói rõ hơn về chỉ tiêu năng suất (Vietnam Productivity Index) đã nêu ở trên?

Chỉ tiêu năng suất đã được một số nước trên thế giới sử dụng để so sánh, đánh giá năng suất của nền kinh tế, của ngành, lĩnh vực và doanh nghiệp với chỉ số tương ứng của các nước khác. Chỉ số này giúp Chính phủ, lãnh đạo ngành, doanh nghiệp thấy được các hạn chế của quá trình sản xuất, từ đó đi tìm các biện pháp điều chỉnh phù hợp.

Ở Việt Nam, chúng ta mới chỉ có con số so sánh năng suất lao động trong nước với một số nước khác. Báo cáo nghiên cứu các chỉ tiêu năng suất giai đoạn 2001-2005 cho thấy, năng suất lao động tại Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước phát triển như Hoa Kỳ, Singapore và cả các nước trong khu vực.

Theo báo cáo này, năng suất lao động của Việt Nam bằng 1,6% của Hoa Kỳ, so với Singapore bằng 2,35%, với Thái Lan bằng 28,73% và so với Indonesia cũng chỉ bằng 63,37%.

Với Vietnam Productivity Index, chúng ta sẽ biết được thực chất vấn đề năng suất và có chiến lược nâng cao năng suất, chất lượng. Sự quan tâm đến vấn đề này tăng lên sẽ tạo ra phong trào hướng đến năng suất, chất lượng trong cộng đồng doanh nghiệp.

Việt Nam có chi phí lao động thấp, nhưng một số ngành thường lấy giá thế giới để so sánh và đề nghị Chính phủ cho tăng giá bán sản phẩm. Liệu chỉ tiêu này có thể làm “lộ mặt” những ngành quản lý kém?

Việc tính toán các chỉ tiêu này căn cứ vào số liệu được Tổng cục Thống kê công bố. Báo cáo sẽ không kết luận ngành nào, doanh nghiệp nào năng suất thấp hay quản lý kém. Bản thân số liệu sẽ cho biết điều đó.