10:04 18/10/2007

Sẽ có thương hiệu Việt chuyên “săn đầu người”

PricewaterhouseCoopers Việt Nam vừa quyết định trao quyền điều hành bộ phận tuyển dụng cho một nhân viên người Việt

"Theo tinh thần của các qui định về kiểm toán độc lập, hễ khách hàng nào mà PwC làm kiểm toán thì không được làm tuyển dụng".
"Theo tinh thần của các qui định về kiểm toán độc lập, hễ khách hàng nào mà PwC làm kiểm toán thì không được làm tuyển dụng".
Công ty tư vấn kiểm toán PricewaterhouseCoopers Việt Nam (PwC) vừa quyết định ngừng hoạt động bộ phận tuyển dụng nhân sự và trao quyền điều hành bộ phận này cho một nhân viên người Việt.

Dưới đây là cuộc trao đổi của báo giới với ông Ian Lydall, Tổng giám đốc Công ty tư vấn kiểm toán PricewaterhouseCoopers Việt Nam về vấn đề này.

Bộ phận tuyển dụng nhân sự của PwC đang ăn nên làm ra và đóng góp rất nhiều vào thành công chung của toàn công ty. Vì sao phải nói lời chia tay vào lúc này, thưa ông?

PwC buộc phải đóng hoàn toàn dịch vụ cung ứng nhân sự kể từ ngày 31/10. Nguyên nhân do có sự mâu thuẫn về lợi ích khi Tập đoàn PwC toàn cầu phát triển song song dịch vụ kiểm toán và dịch vụ tuyển dụng nhân sự.

Theo tinh thần của các qui định về kiểm toán độc lập, hễ khách hàng nào mà PwC làm kiểm toán thì không được làm tuyển dụng. Điều này có nghĩa bộ phận tuyển dụng của chúng tôi sẽ mất nhiều cơ hội được hợp tác với các khách hàng lớn. Nếu bộ phận này tách khỏi PwC, họ sẽ không còn gặp phải rào cản như thế này nữa.

Trước PwC, Công ty Tư vấn kiểm toán Ernst & Young Việt Nam đã bán bộ phận tuyển dụng cao cấp cho Navigos Group. Sao ông không chọn con đường này?

Có một vài công ty tuyển dụng đã tiếp xúc với PwC đề nghị mua lại. Nếu chúng tôi chào bán, chắc sẽ có nhiều đơn vị quan tâm. Nhưng trước khi quyết định số phận của bộ phận này, tôi nghĩ cần phải hỏi ý kiến của những người đang làm việc ở đó.

Và tôi đã mời cô Tiêu Yến Trinh, người đứng đầu bộ phận này, lên để lắng nghe. PwC có 370 cán bộ nhân viên người Việt, và Trinh là một trong số những người tôi trân trọng vì sự năng động, cống hiến hết mình và cam kết lâu dài với công việc.

Câu trả lời của cô Tiêu Yến Trinh là...

Trinh đã có 12 năm làm việc và dẫn dắt bộ phận này. Nếu Trinh “đi theo” người mua mà chúng tôi chọn, cô ấy sẽ có cơ hội điều hành văn phòng của họ tại Việt Nam. Nhưng Trinh nói cô muốn được “ra riêng”, được thành lập doanh nghiệp của mình, và hầu hết các nhân viên hiện thời làm việc trong bộ phận này sẽ tham gia làm việc cùng Trinh trong công ty mới.

Đó là một ước mơ chính đáng, vì suy cho cùng, giá trị của bộ phận tuyển dụng chính là nằm ở đội ngũ. Nếu tôi bán nó cho ai đó mà không kèm theo đội ngũ, chắc chắn họ cũng không thể nào thành công. Vì vậy, trao lại toàn quyền điều hành dịch vụ này là điều tốt nhất mà PwC có thể làm cho Trinh và những cộng sự của cô ấy.

Lãnh đạo Tập đoàn PwC có ý kiến gì về việc này, thưa ông?

Trước khi đi đến quyết định này, mọi việc chúng tôi đều báo cáo về lãnh đạo PwC trong khu vực và đã được họ xem xét chấp thuận.

Nhưng một bộ phận tuyển dụng thuộc PwC sẽ có giá trị hoàn toàn khác với một công ty mới thành lập, dẫu rằng cũng dựa trên cùng một nền tảng?

Tất nhiên, tôi có nói với Trinh về những thách thức mà cô sẽ gặp phải nếu muốn khởi sự doanh nghiệp, nhưng người quyết định cuối cùng vẫn là cô ấy. Chẳng hạn lúc trước Trinh chỉ biết nhận lương, nay với vai trò người chủ cô sẽ là người chi trả lương. Trinh cũng phải làm những thứ mà trước đây cô không phải lo nghĩ gì cả.

Ông sẽ nói gì với khách hàng và các ứng viên trong cơ sở dữ liệu của PwC về việc ngừng hoạt động bộ phận này?

Sau khi Trinh nhận được giấy phép thành lập công ty mới, chúng tôi tiến hành các bước kế tiếp. PwC đã gửi thư thông báo đến các công ty khách hàng, họ có quyền quyết định nên tiếp tục hợp đồng trên cơ sở chuyển giao về cho công ty này hay không. PwC cũng đã hỏi ý kiến tất cả ứng viên về việc họ có chấp nhận để lại dữ liệu cá nhân hay không.

* Tiêu Yến Trinh bắt đầu làm việc tại PwC năm 1996 và được đánh giá cao về khả năng tổ chức công việc sau khi tham gia chương trình tuyển chọn sinh viên cho công ty.

Giữa năm 1998, cô được thăng chức vượt cấp trở thành tư vấn viên cao cấp cho bộ phận tư vấn nhân sự. Ba năm sau, Trinh được đề bạt vào vị trí phó phòng tư vấn nhân sự và được giao phụ trách toàn bộ lĩnh vực kinh doanh “săn đầu người”. Chức vụ quản lý chung bộ phận này, thường là độc quyền của người nước ngoài, cũng được chuyển giao cho Trinh vào tháng 7-2003.

Trinh tâm sự: “Sau khi biết PwC chính thức dừng bộ phận tư vấn nhân sự, tôi có nhiều lần gặp tổng giám đốc để trình bày về những ước mơ của mình. Tôi nghĩ nếu ủng hộ PwC bán bộ phận này đi, lương của tôi có thể sẽ cao hơn, nhưng cái cảm giác tự mình và các đồng nghiệp xây dựng một thương hiệu Việt trong ngành “săn đầu người” là thứ không ai trả cho mình được. Sau hai tuần thảo luận, chúng tôi đi đến thống nhất và đưa ra các kế hoạch thực hiện trong vòng sáu tháng”.

“Tài sản” mà Trinh nhận được bao gồm tất cả cơ sở dữ liệu, qui trình hệ thống và phương pháp làm việc để thực hiện dịch vụ tuyển dụng và tư vấn nhân sự...