09:23 04/08/2009

Sẽ kiểm soát khí thải mô tô, xe máy

Tịnh Trí

Các loại xe máy đã sử dụng trên 10 năm bắt buộc phải kiểm tra lượng khí thải ra môi trường

Chủ xe máy không kiểm tra khí thải định kỳ có thể bị phạt đến 300.000 đồng/ lần.
Chủ xe máy không kiểm tra khí thải định kỳ có thể bị phạt đến 300.000 đồng/ lần.
Bộ Giao thông Vận tải, Cục Đăng kiểm Việt Nam vừa tổ chức lấy ý kiến nhằm hoàn thiện Dự thảo Đề án kiểm soát khí thải mô tô, xe máy tại các tỉnh, thành phố lớn trước khi trình Chính phủ.

Theo đó, các loại xe máy đã sử dụng trên 10 năm bắt buộc phải kiểm tra lượng khí thải ra môi trường. Nếu các chủ phương tiện không thực hiện kiểm tra khí thải định kỳ, có thể bị phạt tới 300.000 đồng/lần.

Ông Lê Anh Tú, Phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết: Đề án này còn mới mẻ ở Việt Nam, nhưng tại một số quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực đã áp dụng từ lâu như: Thái Lan, Ấn Độ, Đài Loan... Bước đầu, Việt Nam sẽ thí điểm áp dụng với loại xe máy từ 10 năm trở lên (tính từ ngày đăng ký hoạt động) ở thành phố trực thuộc trung ương. Sau đó sẽ tiếp tục thí điểm tới các thành phố loại một, loại hai và tới vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa...

Một năm kiểm tra khí thải xe máy một lần

Cũng trong cuộc họp lần này, Cục Đăng kiểm cho biết sẽ thí điểm thực hiện Đề án kiểm soát khí thải ô tô, xe máy trong vòng một năm trước khi triển khai, đồng thời đề xuất việc kiểm định mô tô, xe máy sẽ thực hiện mỗi năm một lần. Đối với các thiết bị đo đạc, kiểm tra khí thải Nhà nước sẽ làm trước, sau đó mới xã hội hoá. Bởi lẽ, các loại thiết bị đo khí thải xe máy cũng nhỏ gọn, có thể xách tay, chiếm diện tích chỉ từ 2 - 3 m2; trong khi đó, diện tích để có thể kiểm tra được xe máy chỉ cần vào khoảng 10 m2.

Tại một số nước đã thực hiện mô hình này, người ta thường kết hợp việc kiểm tra khí thải tại các cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng xe máy (được ủy quyền của nhà sản xuất, có tư cách pháp nhân, cơ sở vật chất, thiết bị đủ tiêu chuẩn, nhân công được đào tạo cấp chứng chỉ...), các trung tâm đăng kiểm. Hiện nay, Việt Nam vẫn chưa sản xuất được thiết bị đo này, tuy nhiên giá nhập khẩu cũng chỉ vào khoảng khoảng từ 15.000- 20.000 USD/thiết bị.

Ông Lê Anh Tú cũng cho biết thêm về nồng độ khí Oxidecarbon (CO) và hydrocarbon (HC) sẽ được tính theo phần trăm thể tích. Dự kiến, với xe có động cơ bốn kỳ là 6% CO; 2.000 PPM (phần triệu) hydrocarbon. Kết quả sẽ được máy tính in ra và dán tem lên xe đạt chuẩn. Ở Việt Nam, vì mô hình mới triển khai nên không thể áp đặt chỉ số cao hơn so với các nước.

Tuy nhiên, tại Thái Lan và Đài Loan, chuẩn khí thải bắt buộc thấp hơn, CO là 3,5 %, hydrocarbon là 1.200 PPM, có ý kiến cho rằng, chất lượng nhiên liệu tại Việt Nam kém hơn nhiều nước nên việc kiểm tra nồng độ khí thải cũng có những sai lệch chuẩn nhất định.

Về vấn đề này, đại diện Cục Đăng kiểm lý giải rằng, hiện tại, chất lượng xăng Việt Nam chỉ tương đương với chuẩn của Philippines, Indonesia nhưng thua Thái Lan, Đài Loan, Singapore (và đương nhiên thua xa các nước như Nhật, Mỹ và các nước châu Âu). Tuy nhiên, nhìn chung, vẫn đủ điều kiện hoạt động đối với xe cơ giới.

Xử phạt xe máy không kiểm tra định kỳ

Cũng tại cuộc họp lần này, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã đề xuất quy chế phạt đối với các xe máy vi phạm lỗi không kiểm tra khí thải định kỳ. Theo đó, các chủ mô tô, xe máy không thực hiện kiểm tra khí thải định kỳ nếu bị phát hiện trong khi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ có thể bị phạt tới 300.000 đồng/lần.

Còn với các phương tiện có mức phát thải vượt quá tiêu chuẩn cho phép khi lưu thông trên đường, nếu bị lực lượng cảnh sát môi trường phối hợp với Cảnh sát giao thông phát hiện (khi kiểm tra khí thải lưu động), có thể bị xử phạt tới 200.000 đồng/lần. Đề án này sẽ được trình Chính phủ và dự kiến sẽ nhanh chóng được thực hiện ngay trong năm 2010.

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu Đề án áp dụng ngay sau 1 năm đối với các loại xe máy đã sử dụng trên 10 năm; tiếp đến năm thứ 2, sẽ thực hiện kiểm soát khí thải bắt buộc với loại xe sử dụng trên 7 năm. Sau 3 năm sẽ kiểm soát khí thải bắt buộc với các xe sử dụng trên ba năm. Như vậy, điều này sẽ gây nhiều xáo trộn trong đời sống của người dân.

Bởi lẽ, hiện nay, nhiều trường hợp sử dụng các loại xe máy trên 10 năm đều rơi vào những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hoặc thu nhập thấp. Trong khi đó, nếu phải sửa chữa nhiều bộ phận trên xe để đảm bảo yêu cầu về lượng khí thải thì sẽ tốn kém, còn nếu không sửa, lại bị phạt nặng.

Theo ông Trịnh Ngọc Giao, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, dự báo năm 2010, lượng xe máy lưu hành trong cả nước sẽ lên tới 24 triệu xe, đến năm 2015, ước tính 31 triệu xe. Như vậy, việc kiểm tra khí thải xe máy sẽ đem lại nhiều lợi ích tại các thành phố lớn nhằm: giảm khí thải trong không khí, bảo vệ môi trường; điều chỉnh khí thải để tiết kiệm nhiên liệu; kiểm tra, bảo dưỡng sẽ tăng độ bền cho xe; mở dịch vụ kiểm tra sẽ tạo thêm nhiều công ăn việc làm.

Tuy nhiên, để đề án thực sự phát huy hiệu quả, các cơ quan chức năng nên áp dụng từng bước, từng phần, hoặc xây dựng cơ chế hướng dẫn, hỗ trợ đối với những hộ nghèo, đối tượng xe ôm, gia đình khó khăn. Như vậy, đề án mới thực sự đem lại “không khí sạch” cho xã hội và môi trường.