09:52 30/07/2010

“Sẽ kiểm toán Vinashin nếu cấp trên yêu cầu”

Bảo Anh

Đại diện Kiểm toán Nhà nước nói về việc kiểm toán Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy (Vinashin)

Phó tổng Kiểm toán Nhà nước Lê Minh Khái - Ảnh: Bảo Anh.
Phó tổng Kiểm toán Nhà nước Lê Minh Khái - Ảnh: Bảo Anh.
Nếu cấp trên yêu cầu, Kiểm toán Nhà nước sẽ bắt tay ngay vào kiểm toán Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy (Vinashin), dù đơn vị này không có trong kế hoạch kiểm toán năm nay.

Đó là khẳng định của Phó tổng kiểm toán Nhà nước Lê Minh Khái tại buổi họp báo công bố kết quả kiểm toán năm 2009, diễn ra ngày 29/7, xung quanh một số vấn đề liên quan đến Vinashin cũng như hiệu quả hoạt động của một số tập đoàn, tổng công ty trong thời gian qua.

Thưa ông, trong báo cáo kết quả kiểm toán năm 2009, đánh giá của Kiểm toán Nhà nước về hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước vẫn có tình trạng “chung chung” mà chưa có những kết luận hay so sánh, kiến nghị cụ thể đối với từng tổng công ty lớn?

Đây là báo cáo tổng hợp của 31 tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước. Hơn nữa, báo cáo công bố với báo chí chỉ là báo cáo tóm tắt nên không thể công bố chi tiết hết được.

Trong trường hợp Quốc hội có yêu cầu một nội dung cụ thể thì chúng tôi sẽ cung cấp đầy đủ, chi tiết của từng đơn vị.

Còn đánh giá về tính hiệu quả hay không thì báo cáo của chúng tôi cũng đã nêu rõ. 88% doanh nghiệp có lãi cho thấy phần lớn doanh nghiệp nhà nước được kiểm toán hoạt động hiệu quả. Lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp này/chủ sở hữu cao cũng cho thấy điều này.

Các đơn vị làm ăn lỗ chúng tôi cũng đã có danh sách gửi đến các bộ, ngành và bản thân các đơn vị này.

Mới biết đến nợ của Vinashin qua báo chí

Vừa qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương có yêu cầu các đợn vị liên quan (trong đó có Kiểm toán Nhà nước) đánh giá lại tình hình tài chính của Vinashin. Vậy liệu Kiểm toán Nhà nước có tiến hành kiểm toán tập đoàn này trong năm nay?

Trước đây, khi Vinashin còn là tổng công ty thì chúng tôi đã có kiểm toán doanh nghiệp này vào năm 2006. Sau đó, khi lên tập đoàn thì quy mô của doanh nghiệp này đã thay đổi rất nhiều. Chính vì vậy, tần suất giữa các lần kiểm toán các toán tập đoàn thông thường là phải từ 5 năm trở lên, trong khi Vinashin mới kiểm toán năm 2006.

Bên cạnh đó, mặc dù trong kế hoạch kiểm toán năm 2009 chúng tôi có đưa Vinashin vào, song khi đó Thanh tra Chính phủ cũng lên kế hoạch thanh tra nên sau đó chúng tôi đã loại doanh nghiệp này ra để tránh chồng chéo. Hoàn toàn không có chuyện chúng tối không đưa doanh nghiệp này vào danh sách kiểm toán.

Hiện Vinashin không có trong kế hoạch kiểm toán năm nay, song nếu có yêu cầu của cấp trên, chúng tôi sẵn sàng vào cuộc.

Tại sao phải chờ đến 5 năm Kiểm toán Nhà nước mới tiến hành kiểm toán các tập đoàn kinh tế, khi mà vai trò của các tập đoàn đối với nền kinh tế là rất lớn và những hoạt động của họ cũng biến động liên tục?

Thực tế thì Kiểm toán Nhà nước mới thành lập được hơn 15 năm nay, đang vừa hoạt động, vừa xây dựng nên lực lượng cũng rất hạn chế. Ngay cả tần suất kiểm toán 5 năm nhiều khi chúng tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Nhưng quan điểm của chúng tôi là dù làm ít nhưng phải hiệu quả, chính xác, tuyệt đối không làm sơ sài, chạy theo số lượng.

Hiện chiến lược kiểm toán đến 2020 đang được chúng tôi xây dựng và có thể đến thời điểm đó sẽ khắc phục được vấn đề này.

Dưới góc độ chuyên môn, ông đánh giá thế nào về khoản nợ lên tới 80.000 tỷ đồng của Vinashin?

Thực tế như tôi đã nói, Vinashin không nằm trong danh sách kiểm toán năm nay nên chúng tôi không có khảo sát. Hơn nữa, báo cáo tài chính bắt buộc của tập đoàn này gửi cho chúng tôi cũng không có.

Chỉ khi nào chúng tôi có trong kế hoạch thì mới giao cho các đơn vị chuyên trách đến để thu thập số liệu để nắm thông tin, thì lúc ấy mới có thể khẳng định được.

Khoản nợ 80.000 tỷ đồng thì chúng tôi cũng chỉ được biết đến qua báo chí. Thực tế chúng tôi không được cung cấp. Chúng tôi chưa thể đánh giá được vì khoản nợ nó sẽ liên quan đến nguồn vốn, vay, tài sản... thậm chí nếu có làm thì phải chọn mẫu đáp ứng được tương đối thì mới đánh giá chính xác được.
 
Cần xem lại khoản lỗ của VNSteel

Vừa qua, sau khi mời kiểm toán độc lập, khoản lỗ của Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) trong năm 2009 đã thay đổi từ 950 tỷ đồng, xuống chỉ còn hơn 400 tỷ. Kiểm toán Nhà nước bình luận gì về điều này và tại sao lại không trực tiếp tham gia kiểm toán đơn vị này?

Về nguyên tắc, để kiểm toán các đơn vị nào luôn được chúng tôi xây dựng theo một quy trình lập rất chặt chẽ. Bắt đầu từ xây dựng kế hoạch, trình các bộ ngành, Tổng kiểm toán Nhà nước xem xét phê duyệt... trước khi tiến hành hoàn chỉnh để xin ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội phê duyệt.

Trong kế hoạch kiểm toán năm 2009 của chúng tôi không có Tổng công ty Thép Việt Nam nên chúng tôi không nắm rõ cũng như không thể bình luận gì cụ thể về vấn đề tài chính và kết quả hoạt động của doanh nghiệp này.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, nếu thực tế đúng như phóng viên cung cấp thì cần phải xem xét lại vì đây là chênh lệch quá lớn.

Sẽ tham mưu vụ “khách sạn trong công viên”

Liên quan đến việc bồi thường cho chủ đầu tư dự án khách sạn trong công viên Thống Nhất (Hà Nội). Tại sao Kiểm toán Nhà nước lại từ chối đề nghị vào cuộc của UBND Hà Nội?

Nếu đề nghị này được đưa ra từ đầu năm nay, trước khi chúng tôi xây dựng kế hoạch thì có thể chúng tôi sẽ tiếp nhận.

Thực tế thì chúng tôi cũng không phải từ chối hẳn, nhưng vì điều kiện, năng lực, thời gian không cho phép nên chúng tôi không thể tham gia được.

Mặc dù, Kiểm toán Nhà nước có đề nghị Hà Nội chọn kiểm toán độc lập nhưng chúng tôi vẫn sẽ tham mưu cho UBND Hà Nội để xác định chính xác quyền lợi và nghĩa vụ của các bên.