16:00 05/10/2018

Sẽ nâng điều kiện công ty đại chúng về quy mô và số cổ đông

Duyên Duyên

Bộ Tài chính cho rằng, việc nâng quy mô và số lượng cổ đông của công ty đại chúng là phù hợp với thông lệ quốc tế

Dự thảo Luật cũng có những quy định mới về hồ sơ công ty đại chúng, theo hướng chặt chẽ hơn.
Dự thảo Luật cũng có những quy định mới về hồ sơ công ty đại chúng, theo hướng chặt chẽ hơn.

Công ty đại chúng sẽ phải có vốn điều lệ đã góp từ 30 tỷ đồng và có tối thiểu 20% vốn điều lệ đã góp do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông sở hữu từ 1% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết nắm giữ.

Đây là quy định mới do Bộ Tài chính đề xuất tại dự thảo Luật Chứng khoán vừa được đơn vị này công bố lấy ý kiến.

Theo đó, Bộ Tài chính cho biết nhằm nâng cao chất lượng, bảo đảm quy mô và tính đại chúng của công ty, từ đó cải thiện chất lượng hàng hóa trên thị trường chứng khoán, dự thảo Luật nâng điều kiện công ty đại chúng về vốn điều lệ.

Cụ thể, công ty đại chúng phải có vốn điều lệ đã góp từ 30 tỷ đồng, cao hơn 20 tỷ đồng so với Luật hiện hành. Đồng thời sửa đổi, bổ sung điều kiện về số lượng, cơ cấu cổ đông.

Theo đó, công ty phải có tối thiểu 20% vốn điều lệ đã góp do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông sở hữu từ 1% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết nắm giữ.

"Quy định này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế. Công ty đại chúng ở các nước thường có quy mô và số lượng cổ đông lớn, như tại Mỹ, công ty có tổng tài sản hơn 10 triệu USD, tương đương 220 tỷ đồng, tối thiểu 500 cổ đông được xem là công ty đại chúng. Tại Nhật Bản, công ty đại chúng phải có vốn điều lệ 500 triệu Yên, tương đương với 100 tỷ đồng. Tại Singapore, Hồng Kông, điều kiện công ty đại chúng là phải có tối thiểu 50 cổ đông", Bộ Tài chính lập luận.

Cơ quan này cho rằng, việc rà soát lại, thay đổi điều kiện về vốn của công ty đại chúng so với chính sách đề xuất tại đề nghị xây dựng Luật Chứng khoán sửa đổi (chính sách đề nghị là 50 tỷ đồng) là để bảo đảm phù hợp hơn với quy mô thị trường, phù hợp với tiêu chuẩn niêm yết của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội hiện nay.

Bên cạnh đó, việc sửa đổi cũng tránh gây xáo trộn thị trường và bảo đảm tính khả thi trong thực hiện mục tiêu chính sách. Theo đó, hiện tại trong số 1.954 công ty đại chúng, có 81,6% công ty đại chúng có mức vốn điều lệ từ 30 tỷ đồng trở lên, 69% có mức vốn điều lệ từ 50 tỷ đồng trở lên.

Ngoài ra, dự thảo Luật cũng có những quy định mới về hồ sơ công ty đại chúng, theo hướng chặt chẽ hơn.

Cụ thể, yêu cầu bắt buộc phải có trong hồ sơ công ty đại chúng là bản công bố thông tin về công ty đại chúng; Báo cáo tài chính kỳ kế toán gần nhất của công ty cổ phần được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập.

Về quyền và nghĩa vụ của công ty đại chúng, dự thảo Luật Chứng khoán kế thừa các quyền và nghĩa vụ của công ty đại chúng về đăng ký công ty đại chúng, công bố thông tin… quy định tại Luật Chứng khoán hiện hành; đồng thời bổ sung nghĩa vụ công ty đại chúng phải đưa cổ phiếu vào giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán.

Đối với chào mua công khai, dự thảo quy định thống nhất chủ thể chào mua công khai, sửa đổi các mốc sở hữu cụ thể phải chào mua công khai; trường hợp không phải chào mua công khai được Đại hội đồng cổ đông thông qua phải quy định rõ đối tượng chuyển nhượng, nhận chuyển nhượng để bảo đảm chặt chẽ, công khai, minh bạch, nhằm ngăn ngừa việc thâu tóm không công bằng.

Bổ sung một số trường hợp không phải chào mua công khai như tổ chức, cá nhân tham gia các đợt đấu giá chứng khoán chào bán ra công chúng; các đợt chào bán khi chuyển nhượng vốn nhà nước/vốn của doanh nghiệp nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp khác; tổ chức, cá nhân sở hữu cổ phiếu từ hoạt động chia, tách, sáp nhập và hợp nhất doanh nghiệp.

Về công ty đại chúng mua lại cổ phiếu của chính mình, dự thảo sửa đổi theo hướng thống nhất với với quy định tại Điều 131 Luật Doanh nghiệp. Theo đó, công ty mua lại cổ phiếu của chính mình phải làm thủ tục giảm vốn điều lệ tương ứng với tổng giá trị mệnh giá các cổ phiếu được công ty mua lại.

Đối với việc hủy tư cách công ty đại chúng, Bộ Tài chính bổ sung, luật hóa quy định hủy tư cách công ty đại chúng để khắc phục tình trạng bất cập trong quy định hiện hành, cụ thể là không có cơ chế hủy tư cách công ty đại chúng trong trường hợp công ty đã chào bán cổ phiếu ra công chúng nhưng không đủ tiêu chí về vốn điều lệ và cơ cấu cổ đông của công ty đại chúng theo quy định.

Ngoài ra, dự thảo cũng sửa đổi một số quy định về nguyên tắc quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng cho phù hợp với nguyên tắc quản trị công ty của Tổ chức hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), giao Chính phủ quy định chi tiết.