21:05 30/12/2020

Sẽ tiếp tục nới lỏng tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng năm 2021?

Đào Hưng

Ngân hàng Nhà nước vẫn đang điều hành cẩn trọng và các yếu tố kinh tế vĩ mô được đánh giá sẽ chuyển biến tích cực trong năm tới

Năm 2020, Việt Nam đã thành công ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 trong khi vẫn duy trì tăng trưởng kinh tế khả quan. Tuy nhiên, sang năm 2021, đâu sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế?

TRIỂN VỌNG VÀ ĐỘNG LỰC CHO NĂM 2021

Trong báo cáo sơ lược về triển vọng vĩ mô và thị trường Việt Nam năm 2021 vừa công bố, Công ty Chứng khoán SSI dự báo rằng tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam sẽ ổn định khoảng 6,5% so với năm trước. Tăng trưởng sẽ bắt đầu tăng tốc từ quý 2/2021 và giữ đà đến năm 2022, mức tăng khoảng hơn 7%.

SSI nhấn mạnh nhiều sự chú ý đang được hướng đến những sự kiện quan trọng nhất sẽ diễn ra trong năm 2021, đó là Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII diễn ra vào tháng 1, sau đó là bầu cử Quốc hội khóa mới vào tháng 5. Đây cũng là năm đầu tiên của kế hoạch 5 năm mới giai đoạn 2021-2025. Trong kế hoạch 5 năm tới, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5-7%.

"Kế hoạch 5 năm sẽ có 2 giai đoạn 2021-2022 (giai đoạn phục hồi) và 2023-2025 (giai đoạn tăng tốc). Do vậy, đối với năm 2021, Chính phủ vẫn tiếp tục việc nới lỏng chính sách tiền tệ và thực hiện chính sách tài khóa mở rộng. Thâm hụt ngân sách sẽ tiếp tục ở mức cao, kể cả theo số tuyệt đối do GDP theo giá hiện hành được điều chỉnh tăng", chuyên gia của SSI cho hay.

Sẽ tiếp tục nới lỏng tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng năm 2021? - Ảnh 1.

SSI còn cho rằng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2021 sẽ được hỗ trợ từ việc nền kinh tế toàn cầu phục hồi, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang trở thành trung tâm có tầm quan trọng hơn trong hệ sinh thái công nghiệp chế biến chế tạo.

Cụ thể, trong quý 4/2020, chỉ số sản xuất công nghiệp (IPP) tăng 6,3% so với cùng kỳ (riêng tháng 12 tăng 9,5% so với cùng kỳ), trong khi ngành sản xuất đạt tăng trưởng đáng kể ở mức 9% so với cùng kỳ. Điều này xác nhận cho sự phục hồi về mặt sản xuất đã quay trở lại mức trước khi có dịch Covid.

Ngoài ra, dù nhiều công ty cho biết các khách hàng của họ đã hoãn kế hoạch đầu tư vào Việt Nam trong năm nay do hạn chế đi lại nhưng dòng vốn FDI đăng ký trong năm 2020 chỉ giảm 8,7% so với cùng kỳ (tổng vốn FDI đăng ký khoảng 21 tỷ USD theo giá trị tuyệt đối). Vì vậy, điều này khiến triển vọng cho năm 2021 đầy hứa hẹn về dòng vốn FDI khi tăng trưởng đầu tư công quay lại mức tăng trưởng bình thường.

Các Hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA hay RCEP sẽ có tác động mạnh mẽ hơn và tiêu dùng nội địa sẽ phục hồi từ năm 2021 cũng được nhận định sẽ là động lực tăng trưởng cho kinh tế Việt Nam trong năm sau.

TIẾP TỤC NỚI LỎNG TIỀN TỆ?

Đáng chú ý, cũng tại báo cáo trên của SSI, nhóm nghiên cứu đánh giá rất cao vai trò của Ngân hàng Nhà nước cũng như chính sách tiền tệ trong tăng trưởng kinh tế năm 2021.

Theo báo cáo ghi nhận, ước tính tăng trưởng GDP danh nghĩa năm 2020 có thể đạt khoảng 4,24% và tăng trưởng cung tiền M2 là 15%. Trong khi vào năm 2019 GDP tăng 9,4% và M2 tăng 14,8%.

Nhóm nghiên cứu cho biết, chênh lệch ngày càng tăng giữa tăng trưởng GDP danh nghĩa và cung tiền M2 là do đại dịch Covid-19 và những tác động nghiêm trọng của nó đến sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Sẽ tiếp tục nới lỏng tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng năm 2021? - Ảnh 2.

Nguồn SSI.

Tại 9 tháng đầu năm 2020, M2 tăng 8,63%. Chính phủ ước tính dự trữ ngoại hối cuối 2020 đạt 100 tỷ đồng nghĩa với 22 tỷ USD được Ngân hàng nhà nước mua thêm trong năm 2020, tương tự như năm 2019.

Mặt khác, giá trị huy động ròng từ thị trường OMO gần như bằng 0 cả năm 2020. Nhìn chung, giá trị bơm tiền ròng từ Ngân hàng Nhà nước có thể tăng 13% so với cùng kỳ trong năm 2020.

Tuy nhiên, do tăng trưởng tín dụng 11 tháng đầu năm khá yếu, thanh khoản trở nên dồi dào. 

Trong bối cảnh tiêu dùng và đầu tư tư nhân giảm, tiền gửi ngân hàng đã chuyển sang trái phiếu doanh nghiệp (khối lượng phát hành 9 tháng đầu năm tăng 79% so với cùng kỳ) và có thể là thị trường chứng khoán (giá trị giao dịch ngày tăng 41% trong 11 tháng đầu năm 2020 so với trung bình năm 2019, trong khi nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 704 triệu USD).

“Năm 2021, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chính sách nới lỏng trong bối cảnh các ngân hàng trung ương khác cũng thực hiện chiến lược tương tự và đồng USD có thể tiếp tục giảm giá”, nhóm nghiên cứu tại SSI dự báo.

Song, chính sách ngoại hối vào năm 2021 có thể thay đổi sau khi Bộ Tài chính Mỹ xác định Việt Nam thao túng tiền tệ. Đây có thể là yếu tố xúc tác chính để Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh "không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng" vào định hướng chính sách.

"Do đó, chúng tôi kỳ vọng đồng VND có thể tăng giá tương ứng với các chuyển biến tích cực của các yếu tố kinh tế vĩ mô của năm 2021. Trong khi đó, lãi suất có thể thoát đáy vào giữa năm 2021 do tăng trưởng tín dụng mạnh hơn và kinh tế phục hồi", báo cáo của SSI nêu rõ.

Sẽ tiếp tục nới lỏng tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng năm 2021? - Ảnh 3.

Lãi suất chính sách ghi nhận thấp kỷ lục vào năm 2020.

Cùng quan điểm, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng cho rằng lập trường nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục trong năm 2021 nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ gia đình gặp khó khăn kéo dài do đại dịch.

Đồng thời, tăng trưởng tín dụng sẽ tăng lên 12% đến 13% cùng với sự cải thiện của niềm tin kinh doanh và các hoạt động kinh tế.

“Chúng tôi nhận thấy khả năng tiếp tục cắt giảm chính sách lãi suất là thấp. Bên cạnh đó, tiền đồng sẽ tiếp tục ổn định so với USD vào năm 2021 do kỳ vọng USD tiếp tục yếu đi”, VDSC nhận định.