16:34 10/10/2022

SeABank hái quả ngọt nhờ chiến lược phát triển bền vững

Thu Hà

Sự bứt tốc của SeABank thể hiện rõ ràng hơn trong 5 năm trở lại đây 2018 - 2022. Theo đó, tổng tài sản SeABank liên tục tăng trưởng từ gần 141 nghìn tỷ đồng lên 229 nghìn tỷ đồng, quy mô vốn điều lệ tăng mạnh từ 7.688 tỷ đồng lên gần 19.809 tỷ đồng trong giai đoạn 2018 - 2022...

Những năm gần đây, SeABank đã có sự bứt tốc ngoạn mục, các chỉ số hiệu suất sinh lời của vốn chủ sở hữu bình quân (ROE), tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR)… liên tục được cải thiện theo hướng bền vững. Đây là thành quả của định hướng đặt mục tiêu tăng trưởng cùng với việc đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.

CHỌN TĂNG TRƯỞNG BỀN VỮNG

Thành lập từ những năm 90, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Nam Á (SeABank, mã chứng khoán: SSB) từng bước chuyển mình mạnh mẽ, từ việc thay đổi bộ nhận diện thương hiệu mới, chuyển đổi mô hình hoạt động từ bán buôn sang bán lẻ cho đến việc không ngừng hoàn thiện mô hình tổ chức, kiện toàn bộ máy nhân sự, ứng dụng công nghệ trong hoạt động.

Sự bứt tốc của SeABank thể hiện rõ ràng hơn trong 5 năm trở lại đây 2018 - 2022. Theo đó, tổng tài sản SeABank liên tục tăng trưởng từ gần 141 nghìn tỷ đồng lên 229 nghìn tỷ đồng, quy mô vốn điều lệ tăng mạnh từ 7.688 tỷ đồng lên gần 19.809 tỷ đồng trong giai đoạn 2018 - 2022.

Cùng với đó, lợi nhuận của ngân hàng liên tục có sự tăng trưởng theo cấp số nhân qua từng năm, đồng thời mạng lưới hoạt động của SeABank cũng được mở rộng lên thành gần 180 điểm giao dịch tại 29 tỉnh thành phố, lượng khách hàng tăng trưởng nhanh chóng lên mức hơn 2 triệu khách với chiến lược tập trung vào bán lẻ (cho vay khách hàng cá nhân và các doanh nghiệp vừa và nhỏ).

Đây là thành quả của việc lựa chọn chiến lược phát triển bền vững. Chiến lược này càng trở nên hiệu quả khi thị trường xảy ra biến động thì hoạt động kinh doanh của SeABank vẫn tăng trưởng đều. Nhìn vào những chỉ số ROE, CIR,…, chúng ta sẽ thấy rõ điều đó.

Một chỉ số quan trọng khẳng định mức độ hiệu quả trong vận hành của ngân hàng là tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR). Tỷ lệ CIR của SeABank giảm dần qua các năm, cụ thể từ hơn 58% của năm 2018 đã giảm mạnh xuống còn 36% cuối năm 2021 và tiếp tục giảm trong 6 tháng đầu năm 2022 về mức 30,35%. Điều này đồng nghĩa với việc SeABank kiểm soát tốt được chi phí hoạt động, từ đó tăng nguồn thu cho ngân hàng.

Tỷ lệ CIR của SeABank trong 6 tháng đầu năm 2022 ở mức 30,35%.
Tỷ lệ CIR của SeABank trong 6 tháng đầu năm 2022 ở mức 30,35%.

Sự phát triển bền vững của SeABank còn thể hiện rõ ở tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROE). Chỉ số này trong năm 2019 là 12%, đạt 16,12% năm 2021 và vượt mức 21% trong 6 tháng đầu năm 2022. Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ xấu luôn được duy trì ở dưới mức cho phép và có chiều hướng giảm, từ 1,65% tại thời điểm 31/12/2021 xuống còn 1,6% tại thời điểm 30/6/2022.

Cùng với việc cải thiện các chỉ số, SeABank ưu tiên chuẩn hóa quản trị rủi ro theo các tiêu chuẩn quốc tế để tạo ra tấm đệm dự phòng cho ngân hàng trước những cú sốc của thị trường. Rõ nhất là việc SeABank hoàn thành trước thời hạn cả 3 trụ cột của Basel II vào năm 2020 và đến đầu năm 2022, ngân hàng này đã công bố triển khai áp dụng các chuẩn mực Basel III vào hoạt động kinh doanh cũng như hoạt động quản trị rủi ro của Ngân hàng. Bên cạnh đó, SeABank cũng được tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s xếp hạng tín nhiệm B1 trong 4 năm liên tiếp (2019-2022) với triển vọng phát triển Tích cực.

BÁM SÁT 5 TRỤ CỘT CỐT LÕI

Sức mạnh của SeABank được tạo ra từ sự kiên định theo đuổi chiến lược phát triển bền vững gắn liền với 5 trụ cột cốt lõi, đó là Quản trị rủi ro, Đầu tư công nghệ, Phát triển khách hàng, Phát triển nhân sự và Văn hóa tổ chức. Đây cũng được xem là “kim chỉ nam” cho mọi hoạt động của ngân hàng trong giai đoạn 2021-2025.

Tiếp tục hành trình số hóa với sự chuyển đổi mạnh mẽ về công nghệ, đưa trí tuệ nhân tạo thông minh (AI) vào ứng dụng trong ngân hàng số SeAMobile/SeANet, sử dụng điện toán đám mây để lưu trữ và bảo mật thông tin khách hàng…, SeABank vẫn sẽ ưu tiên nguồn lực đẩy nhanh số hóa hoạt động, số hóa sản phẩm dịch vụ hướng tới tối ưu hóa hành trình trải nghiệm của khách hàng. Bước đi này sẽ giúp Ngân hàng tiệm cận gần hơn với từng tệp khách hàng, hướng đến mục tiêu phục vụ 10 triệu khách hàng vào năm 2026.

SeABank có sự chuyển đổi mạnh mẽ về công nghệ hướng tới tối ưu hóa hành trình trải nghiệm của khách hàng.
SeABank có sự chuyển đổi mạnh mẽ về công nghệ hướng tới tối ưu hóa hành trình trải nghiệm của khách hàng.

Hoạt động quản trị rủi ro cũng được SeABank chú trọng theo hướng đầu tư vào hệ thống công nghệ để tăng cường tính tự động hóa, đáp ứng các bộ tiêu chuẩn quản trị rủi ro cao nhất như Basel II, Basel III… tạo nền tảng vững chắc để SeABank nâng cao được vị thế và uy tín, từ đó có thể dễ dàng tiếp cận thị trường vốn quốc tế.

Xác định nguồn nhân lực là yếu tố then chốt để phát triển nội lực vững mạnh, SeABank đã và đang đẩy mạnh hợp tác với các đối tác lớn như Talentnet - Mercer, Crestcom Việt Nam và iChange Center… nhằm hoàn thiện các chính sách lương thưởng, khung đo lường năng lực, xây dựng các chương trình đào tạo và phát triển năng lực cho các cấp lãnh đạo, quản lý và nhân viên, chung tay phát triển ngân hàng dựa trên các giá trị cốt lõi và bền vững.

SeABank còn dành nhiều chính sách đãi ngộ cho cán bộ nhân viên, tạo ra nhiều sân chơi bổ ích hướng tới xây dựng môi trường làm việc gắn kết, chuyên nghiệp, nhân văn như chính sách bảo hiểm chăm sóc sức khỏe toàn diện PVICare cho CBNV và người thân; chương trình vinh danh cán bộ nhân viên SeAProud… cùng nhiều hoạt động gắn kết nội bộ như Team Building, Hội thao SeASport, giải chạy thường niên SeARun cũng như các hoạt động an sinh xã hội được tổ chức thường niên…

Có thể thấy, SeABank hiện là một trong những ngân hàng có sự hài hòa về phát triển ổn định, khả năng sinh lời và chất lượng tài sản và nằm trong Top 500 ngân hàng lớn và mạnh nhất Châu Á Thái Bình Dương. Với một chiến lược tổng thể đã được vạch ra, chắc chắn SeABank sẽ còn gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong thời gian tới.