14:13 08/11/2019

Sếp công ty Đường sắt: Cần cấm kinh doanh du lịch ven đường tàu

AN NHIÊN

Để đảm bảo an toàn chính quyền cần nghiêm cấm không kinh doanh du lịch trong hành lang đường sắt đang hoạt động

Để đảm bảo an toàn chính quyền cần nghiêm cấm không kinh doanh du lịch trong hành lang đường sắt đang hoạt động.
Để đảm bảo an toàn chính quyền cần nghiêm cấm không kinh doanh du lịch trong hành lang đường sắt đang hoạt động.

Như VnEconomy đưa tin, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình vừa giao Bộ Giao thông Vận tải và UBND thành phố Hà Nội xem xét, xử lý đơn kiến nghị của người dân tại Chắn 5 Trần Phú theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tuyệt đối trật tự, an toàn giao thông đường sắt.

Phó thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng nghiên cứu giải pháp lâu dài thực hiện di dời, tái định cư các hộ sinh sống, kinh doanh trong khu vực hành lang an toàn giao thông đường sắt, bảo đảm tuân thủ quy định của Luật đường sắt và ổn định đời sống, cũng như hoạt động kinh doanh lâu dài cho người dân.

Xung quanh vấn đề này, ông Đoàn Duy Hoạch, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, cho biết, doanh nghiệp đã nhận chỉ đạo của Phó thủ tướng về việc xem xét, xử lý đơn kiến nghị của người dân tại khu "phố cà phê đường tàu" theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tuyệt đối trật tự, an toàn giao thông đường sắt.

"Việc xử lý như nào thì chúng tôi sẽ thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải. Hiện tại, chúng tôi vẫn đề nghị phía Hà Nội và các lực lượng đảm bảo an toàn hành lang đường sắt ở bất cứ nơi đâu chứ không chỉ riêng Hà Nội. Đường sắt đang hoạt động thì phải có hành lang an toàn, trong luật và các Nghị định đã có hết rồi. Ngoài ra, Cục Đường sắt Việt Nam cũng đã có đề án lập lại trật tự hành lang an toàn đường sắt", ông Đoàn Duy Hoạch khẳng định.

Cũng theo ông Hoạch, nhiều năm trước đã có một số vụ trật bánh tàu trong trung tâm Hà Nội khiến một số người chết và bị thương. Do đó, để đảm bảo an toàn thì chính quyền cần nghiêm cấm không kinh doanh du lịch trong hành lang đường sắt đang hoạt động. Hà Nội cũng đã quy hoạch khu vực tham quan tại vòng cầu đường sắt phố Phùng Hưng hay ga Long Biên để phục vụ du khách, không nên hoạt động tự phát.

Về phía Bộ Giao thông Vận tải, đơn vị này cho biết, Bộ đã nhiều lần đưa ra xin ý kiến để xử lý đối với những hộ dân sinh sống trong khu vực hành lang an toàn giao thông đường sắt. Tuy nhiên, do vấp phải một số khó khăn trong việc giải tỏa, quy hoạch các công trình liên quan.

Nhiều trường hợp các hộ đã sinh sống tại đây trước khi đường tàu xuất hiện, một số khác do sự quản lý còn lỏng lẻo của chính quyền sở tại, cố tình lấn chiếm vào hành lang an toàn giao thông đường sắt nên đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thể đưa ra phương án cụ thể.

Về lâu dài để đảm bảo an toàn hành lang an toàn giao thông đường sắt cũng như an toàn của người dân thì chắc chắn sẽ phải di dời, giải tỏa các hộ dân trong phạm vi trên. 

Trước mắt, Bộ sẽ cùng các đơn vị chức năng sẽ tiến hành tăng cường công tác kiểm giới, tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm an toàn giao thông đường sắt đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm. 

Cũng theo Bộ Giao thông Vận tải, trong 9 tháng đầu năm 2019, tình hình vi phạm trật tự an toàn giao thông đường sắt trên địa bàn các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng của Hà Nội đã và đang diễn biến phức tạp như: người dân và du khách hiếu kỳ (đặc biệt là người nước ngoài) tụ tập đông người để chụp ảnh, đứng, ngồi uống cà phê trong lòng đường sắt.

Bên cạnh đó, các hộ dân hiện đang kinh doanh trong khu vực tiếp giáp dọc theo đường sắt có hành vi họp chợ, kê bàn ghế buôn bán phục vụ du khách trong lòng đường sắt, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông đường sắt tại các khu vực này.

Trước tình hình trên, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản gửi UBND thành phố Hà Nội và các đơn vị liên quan đề nghị khẩn trương giải tán các tụ điểm chụp ảnh, ngồi uống cà phê trong lòng đường sắt chạy qua các quận nội thành Hà Nội.