22:04 23/09/2019

Sếp ngân hàng UBS: “Vẫn có khả năng Mỹ-Trung đạt thỏa thuận thương mại”

An Huy

Chủ tịch ngân hàng lớn nhất Thụy Sỹ tin rằng Mỹ và Trung Quốc vẫn có thể đi đến một giải pháp chấm dứt thương chiến

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp ở Florida, tháng 4/2017 - Ảnh: Gettty/CNBC.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp ở Florida, tháng 4/2017 - Ảnh: Gettty/CNBC.

Cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc luôn có những diễn biến khó lường, nhưng vẫn có khả năng trong dài hạn hai nước sẽ đi đến một giải pháp cho những bất đồng hiện nay - Chủ tịch ngân hàng lớn nhất Thụy Sỹ UBS, ông Axel Weber, nhận định trong một cuộc trao đổi với hãng tin CNBC.

Các diễn biến của thương chiến Mỹ-Trung đã trở thành tâm điểm chú ý của giới đầu tư toàn cầu trong hơn một năm trở lại đây. Mọi thăng trầm của cuộc chiến này đều khiến thị trường tài chính thế giới lên xuống theo.

Hôm thứ Sáu, sau khi có tin phái đoàn đàm phán Trung Quốc bất ngờ hủy chuyến thăm nông trại Mỹ và lên đường về nước sớm, thị trường chứng khoán Mỹ đã giảm điểm.

"Các bạn nên nhìn nhận thấu đáo vấn đề vì cuộc đàm phán luôn có những diễn biến tốt và xấu, luôn có nhiều sự biến động từ cả hai phía", ông Weber nói.

"Điều mà chúng tôi quan tâm là những diễn biến mang tính dài hạn, và cho dù hai bên đang có sự bất đồng lớn ở thời điểm hiện tại, tôi vẫn cho là có cơ hội cho một giải pháp. Và khả năng tìm ra giải pháp nằm ở thực tế là thương mại mang lại lợi ích rất thật sự cho cả hai phía", ông Weber nhấn mạnh.

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã gây xói mòn niềm tin của giới kinh doanh toàn cầu và được xem là nhân tố rủi ro lớn nhất mà nền kinh tế thế giới phải đối mặt hiện nay. Chẳng hạn, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo thương chiến sẽ khiến kinh tế toàn cầu mất 0,8% sản lượng trong năm 2020, thậm chí tiếp tục hao hụt sản lượng trong những năm tiếp sau đó.

Cả Mỹ và Trung Quốc đều không tránh được những ảnh hưởng tiêu cực mà thương chiến gây ra cho nền kinh tế mỗi nước, và đó là một trong những nhân tố buộc hai bên phải quay trở lại bàn đàm phán, ông Weber nhận định.

Chủ tịch UBS dự báo trước mắt, hai nước có thể đạt một thỏa thuận hạn chế, giải quyết một số vấn đề nhất định, còn những vấn đề gai góc sẽ được tạm gác lại sau.

Ngoài ảnh hưởng đối với tăng trưởng kinh tế, một số chuyên gia cảnh báo rằng chiến tranh thương mại Mỹ-Trung có thể chia cắt thế giới công nghệ ra làm đôi.

Tuy nhiên, ông Weber nói sự chia cắt như vậy đã tồn tại ngay từ đầu, trong đó Trung Quốc phát triển những nền tảng công nghệ tương tự như các nền tảng của Mỹ, chẳng hạn như mạng xã hội WeChat và hãng thương mại điện tử Alibaba là sự tương đồng với Facebook và Amazon.

Ông Weber cho rằng thương chiến có vẻ làm trầm trọng thêm sự chia cắt này. "Chẳng ai kỳ vọng người tiêu dùng Trung Quốc sẽ bỏ dùng nền tảng của họ để chuyển sang các nền tảng của Mỹ", ông nói. "Bởi vậy, chúng ta không đối mặt với một thực tế mới, mà đang đối mặt với một hệ thống lưỡng cực. Tôi không cho rằng hai cực này sẽ hòa nhập làm một".