Sếp quỹ phòng hộ nào kiếm “đậm” nhất trong năm 2021?
Một nhà quản lý quỹ phòng hộ ít tên tuổi đã “bỏ túi” 2 tỷ USD trong năm 2021. Ông tránh việc sử dụng đòn bẩy mạnh tay như nhiều nhà quản lý quỹ phòng hộ khác, thiên về bán khống và không ngại “chơi lớn” với một khoản đầu tư nào đó và nắm giữ lâu dài nhất có thể...
Một nhà quản lý quỹ phòng hộ ít tên tuổi đã “bỏ túi” 2 tỷ USD trong năm 2021, trở thành một trong những người kiếm đậm nhất trong làng quỹ phòng hộ (hedge fund) năm ngoái, bất chấp sự biến động mạnh của thị trường.
Theo hãng tin Bloomberg, nhân vật này là Karthik Sarma, người đứng đầu công ty quản lý quỹ phòng hộ SRS Investment Management có trụ sở đặt tại New York, Mỹ. Khoản thu nhập ước tính 2 tỷ USD mà ông Sarma đạt được trong năm 2021 chủ yếu nhờ việc SRS đã đặt cược suốt 11 năm vào cổ phiếu của Avis Budget Group Inc., một công ty cung cấp dịch vụ cho thuê ô tô ở Mỹ. Trong năm ngoái, cổ phiếu này tăng 456%.
Không giống như nhiều nhà quản lý quỹ phòng hộ khác làm việc ở Manhattan, New York, ông Sarma có phong cách giản dị. Khi đại dịch Covid-19 xảy đến, ông không trú ẩn ở những nơi giành cho giới giàu như Hamptons, Palm Beach hay Aspen, mà thay vào đó chuyển tới sống cùng gia đình em gái trong một ngôi nhà khiêm tốn ở khu dân cư trung lưu thuộc ngoại ô New Jersey.
Ông Sarma, 47 tuổi, cũng điều hành công ty của mình theo một cách khác. Ông tránh việc sử dụng đòn bẩy mạnh tay như nhiều nhà quản lý quỹ phòng hộ khác, thiên về bán khống (short) và không ngại “chơi lớn” với một khoản đầu tư nào đó và nắm giữ lâu dài nhất có thể.
Chiến lược này mang lại hiệu quả khi ông lọt vào nhóm đầu bảng những nhà quản lý quỹ phòng hộ có thu nhập “khủng” nhất trong năm 2021. Vị trí của ông chỉ sau hai gương mặt tên tuổi là Ken Griffin của Citadel và Chris Hohn của TCI Fund Management.
SRS nắm cổ phần khoảng 50% trong Avis. Với mức tăng gần 5 lần của cổ phiếu Avis, không có gì khó hiểu khi giá trị tài sản ròng của ông Sarma tăng gấp gần 3 lần trong năm 2021, đạt 3 tỷ USD – theo dữ liệu của Bloomberg. Cùng với đó, các nhà đầu tư rót vốn vào quỹ chủ lực của SRS cũng được nhận mức lãi 35%.
Đây là một kết quả ấn tượng, xét tới việc SRS chỉ nắm 8 tỷ USD tài sản, so với mức hơn 40 tỷ USD của Citadel và TCI.
Sếp cũ của ông Sarma là ông Chase Coleman – nhà sáng lập Tiger Global Management – rớt khỏi top 15 nhà quản lý quỹ phòng hộ kiếm nhiều nhất năm 2021 do quỹ của ông chao đảo vì sự biến động của thị trường chứng khoán Mỹ trong hai tháng cuối năm. Dù vậy, bộ phận đầu tư cổ phần tư nhân của Tiger Global vẫn ăn nên làm ra, giúp hấp thụ bớt cú sốc ở mảng quỹ phòng hộ.
Nhiều nhà quản lý quỹ nổi tiếng khác không có mặt trong top 15 bao gồm Adreas Halvorsen của Viking Global Investor và Gabe Plotkin của Melvin Capital Management. Quỹ phòng hộ của hai vị này đều có năm thua lỗ tồi tệ nhất lịch sử trong năm ngoái.
Trong đó, Melvin khốn đốn vì bán khống GameStop – cổ phiếu tăng bùng nổ trong cơn sốt cổ phiếu meme. Ông Halvorsen thì thừa nhận với nhà đầu tư rằng Viking đã có những khoản đặt cược tồi vì đánh giá không đúng về ảnh hưởng của đại dịch.
Năm 2021 là một năm khó khăn đối với nhiều nhà quản lý quỹ phòng hộ, khi vấn đề lạm phát và chính sách tiền tệ gây biến động trên thị trường cổ phiếu và trái phiếu. Sự biến động này trái ngược với đà tăng mạnh của thị trường trong năm 2020 đưa các “ông trùm” quỹ phòng hỗ gặt hái lợi nhuận lớn chưa từng thấy. Cả năm 2021, top 15 nhà quản lý quỹ phòng hộ kiếm nhiều nhất “bỏ túi” 15,8 tỷ USD, so với mức 23 tỷ USD của top 15 trong năm 2020.
Nhưng cũng chính biến động này của thị trường mang lại cơ hội để một số nhà quản lý quỹ phòng hộ khác xuất hiện trong top 15 lần đầu tiên, như Steven Scholfeld, Richard Mashaal và Dan Loeb của Third Point.
Công ty Senvest Capital của Mashaal lãi 123 triệu USD riêng trong tháng 1/2021 nhờ đầu cơ giá lên GameStop – cổ phiếu tăng 1.625% trong tháng đó. Senvest đã bán hết GameStop trước khi cổ phiếu này lao dốc chóng mặt trong tháng 2.
Công ty Schonfeld Strategic Advisors của ông Schofeld hiện quản lý số tài sản 11 tỷ USD. Cổ phần lớn của ông trong công ty, cộng thêm mức lợi nhuận hai con số, giúp ông kiếm được khoảng 300 triệu USD trong năm 2021.
Ông Sarma, người từ Ấn Độ đến Mỹ để học lấy bằng thạc sỹ tại Đại học Princeton, đã gia nhập Tiger Global chỉ vài tháng sau khi công ty quản lý quỹ này ra mắt vào năm 2001. 5 năm sau đó, ông rời Tiger Global và mở SRS. Từ năm 2007 đến nay, SRS đạt lợi nhuận bình quân mỗi năm 12%, cao hơn mức tăng bình quân mỗi năm 11% của chỉ số S&P 500.
Ông Sarma thường nắm khoảng 25 cổ phiếu mà ông dự báo tăng giá (long) và 35 cổ phiếu mà ông dự báo giảm giá (short). Avis là một trong những cổ phiếu mà ông đã nắm giữ lâu nhất và ông cũng là một thành viên hội đồng quản trị của công ty cho thuê xe này.
Cổ phiếu Avis đã giảm 15% trong tháng 1 vừa qua, nhưng quỹ chính của SRS chỉ giảm 4,5% trong tháng, vẫn tốt hơn so với chỉ số S&P 500 và nhiều quỹ phòng hộ khác.