Fed và Ukraine: Hai nhân tố có thể gây sóng gió thị trường tài chính toàn cầu tuần này
Thị trường tài chính Mỹ và thế giới có thể biến động mạnh trong tuần này, khi nhà đầu tư vừa dõi theo những diễn biến mới về căng thẳng giữa Nga và Ukraine vừa tiếp tục cuộc tranh luận về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể nâng lãi suất nhanh như thế nào...
Phố Wall đã chao đảo trong tuần trước và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng vọt sau báo cáo hôm thứ Năm cho thấy lạm phát ở Mỹ tăng mạnh nhất 40 năm trong tháng 1 vừa qua. Mức tăng 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã đảo lộn nhiều dự báo trước đó về tốc độ tăng lãi suất của Fed.
Hôm thứ Sáu, thị trường có thêm một phiên hoảng loạn khi Nhà Trắng cảnh báo rằng Nga có thể tấn công Ukraine ngay trong lúc đang diễn ra Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022. Cả Mỹ và Anh đều kêu gọi công dân của nước mình rời khỏi Ukraine sớm nhất có thể.
“Tôi cho rằng Fed sẽ khiến thị trường cảm thấy bất an, và câu chuyện Ukraine sẽ bổ sung thêm cho sự bất an đó”, Giám đốc đầu tư (CIO) Peter Boockvar của Bleakley Advisory Group nhận định. “Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 4/2021 đang dần khép lại, và các vấn đề vĩ mô đang quay trở lại chi phối thị trường”.
Chứng khoán Mỹ đã bán tháo trong hai phiên ngày thứ Năm và thứ Sáu, khiến chỉ số S&P 500 sụt 1,8% trong cả tuần.
“Cho tới nay, mối lo lớn nhất của thị trường nằm ở vấn đề chính sách tiền tệ. Vấn đề Ukraine đặt ra một mối bấp bênh mới”, chiến lược gia trưởng Marc Chandler của Bannockburn Global Forex phát biểu. “Đồng USD đang tăng giá mạnh, giá dầu leo thang, và cổ phiếu bán tháo… Mọi người đang cảm thấy lo lắng khi bước vào tuần giao dịch mới”.
Theo ông Boockvar, căng thẳng Nga-Ukraine có thể làm phức tạp thêm triển vọng chính sách tiền tệ của Fed. Một cuộc tấn công – nếu xảy ra – sẽ khiến lạm phát trên toàn cầu đã nóng càng thêm nóng.
“Điều đó sẽ đặt ra thách thức đối với Fed vì giá của các mặt hàng như dầu thô, lúa mì, phân bón… sẽ bị đẩy lên cao hơn nữa. Fed sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong nhiệm vụ chống lạm phát. Fed không thể lùi được. Họ không thể lấy địa chính trị ra làm lý do để không tăng lãi suất”, ông Boockvar phát biểu. Ông nói thêm rằng nếu lo lắng về tác động kinh tế, Fed có thể tăng lãi suất chậm lại.
Sau báo cáo lạm phát tháng 1 của Mỹ, nhiều chuyên gia đã tăng kỳ vọng Fed nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 3. Một số nhà dự báo, như ngân hàng Goldman Sachs, nhận định tiến độ tăng lãi suất của Fed sẽ được đẩy nhanh, có thể với 7 lần nâng trong năm nay.
“Tôi nghĩ mức độ biến động của thị trường sẽ tiếp tục ở mức cao, vì chúng ta đang trải qua sự dịch chuyển từ một Fed mềm mỏng hơn sang một Fed cứng rắn hơn”, chiến lược gia cấp cao Patrick Palfrey thuộc Credit Suisse phát biểu. “Thị trường còn chưa biết Fed sẽ cứng rắn đến mức nào, và cho tới khi chúng ta biết chắc đường đi của lãi suất sẽ ra sao, tôi cho rằng sự biến động sẽ ở mức cao. Điều đó sẽ càng đúng hơn đối với những cổ phiếu có mức định giá lớn”.
Biên bản cuộc họp tháng 1 của Fed sẽ được công bố vào ngày thứ Tư tuần này. Nhà đầu tư sẽ nghiền ngẫm biên bản để tìm ra những tín hiệu mới về kế hoạch tăng lãi suất, đánh giá về lạm phát, và ý định về bảng cân đối kế toán của Fed.
Ngoài ra, trong tuần này cũng có thêm dữ liệu lạm phát quan trọng được công bố, và đó là báo cáo chỉ số giá nhà sản xuất (CPI) vào hôm thứ Ba. Lạm phát cao có thể ảnh hưởng bất lợi đến tâm lý người tiêu dùng – một lực lượng chủ chốt của nền kinh tế Mỹ. Đó là lý do vì sao báo cáo bán lẻ tháng 1 công bố vào ngày thứ Tư cũng sẽ là một thống kê quan trọng trong tuần này.
“Nhà đầu tư đến lúc này đã có thể yên tâm khi thấy tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp vẫn cao. Vấn đề là trong một vài quý tới đây, doanh nghiệp có thể tiếp tục đẩy sự tăng giá về phía người tiêu dùng hay không”, ông Palfrey phát biểu.
Cũng theo ông Palfrey, thị trường sẽ chờ những phát biểu những rõ ràng hơn từ các quan chức Fed. Đến hiện tại, Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis, ông James Bullard, là quan chức Fed duy nhất ủng hộ bước nhảy lãi suất 0,5%. Một số vị khác như Chủ tịch Loretta Mester của Fed chi nhánh Cleveland nói không muốn lãi suất tăng quá 0,25 điểm phần trăm mỗi lần nâng. Chủ tịch Fed Jerome Powell để ngỏ cánh cửa nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong một lần, nhưng không nói rõ ông có muốn vậy hay không.
Theo chiến lược gia trưởng Liz Ann Sonders của Charles Schwab, một số nhà đầu tư đang đặt câu hỏi liệu sự biến động của thị trường có thể khiến Fed phải giãn kế hoạch tăng lãi suất, và bà không đồng tình với quan điểm này.
“Fed đang rất quyết tâm, và đúng là họ phải như vậy… Fed đang thừa nhận rằng họ chậm so với lạm phát. Họ đã để cho lạm phát đi quá xa. Tôi cho rằng Fed không còn nghĩ lạm phát sẽ tự lùi nữa”, bà Sonders phát biểu.
Do trái phiếu bị bán tháo, lợi suất tăng mạnh trong tuần trước. Phiên ngày thứ Sáu, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm có lúc tăng lên mức 2,06%. Sau khi có tin về căng thẳng Nga-Ukraine leo thang, nhà đầu tư lại mua trái phiếu để phòng ngừa rủi ro, khiến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn này giảm về ngưỡng 1,93%.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm chốt tuần ở 1,63%, từ mức 1,32% vào đầu tuần.