Số ca nhiễm toàn cầu vượt 1.000, CDC Mỹ nâng mức cảnh báo với bệnh đậu mùa khỉ
Ban đầu, trên website của mình, CDC khuyến nghị du khách đeo khẩu trang để tránh làm lây lan đậu mùa khỉ nhưng sau đó đã gỡ bỏ khuyến nghị này...
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật (CDC) của Mỹ vừa nâng mức cảnh báo đối với bệnh đậu mùa khỉ lên cấp độ 2, theo đó khuyến cao người dân “thực hiện các biện pháp phòng ngừa tăng cường” để kiềm chế sự lây lan. Mức cảnh báo cao nhất là cấp độ 3, trong đó khuyến nghị hạn chế đi lại nếu không cần thiết.
Động thái này được đưa ra trong bối cảnh số ca nhiễm virus đậu mùa khỉ trên toàn cầu đã vượt 1.000 và xuất hiện tại 29 quốc gia thường không có bệnh này trong tháng qua.
Dù CDC nói rằng rủi ro của đậu mùa khỉ với cộng đồng vẫn ở mức thấp, việc nâng mức cảnh báo nhằm khuyến nghị người dân tránh tiếp xúc gần với người bị nhiễm bệnh, bao gồm những người bị tổn thương trên da hoặc ở bộ phận sinh dục, cũng như động vật bị bệnh hoặc chết.
Cơ quan này cũng kêu gọi những người có triệu chứng nhiễm virus như phát ban, tổn thương da không rõ nguyên nhân, tránh tiếp xúc với người khác và liên hệ với cơ quan y tế để được hướng dẫn chăm sóc sức khỏe.
Ban đầu, trên website của mình, CDC khuyến nghị du khách đeo khẩu trang để tránh làm lây lan đậu mùa khỉ nhưng sau đó đã gỡ bỏ khuyến nghị này.
Đậu mùa khỉ là bệnh hiếm gặp do nhiễm virus đậu mùa khỉ gây ra với các triệu chứng bao gồm phát ban, sốt, nhức đầu, đau cơ, sưng tấy và đau lưng. Đây là bệnh lưu hành (endemic) thường xuất hiện ở các quốc gia Trung và Tây Phi. Tuy nhiên, trong đợt bùng phát gần đây, đậu mùa khỉ đã có mặt ở Bắc Mỹ, châu Âu và Australia, gây hoang mang cho các chuyên gia y tế và làm dấy lên lo lắng trong cộng đồng.
Theo CDC Mỹ, tính tới ngày 6/6, toàn cầu ghi nhận 1.019 ca đậu mùa khỉ tại 29 quốc gia. Đến nay, Anh là nơi có nhiều ca nhiễm nhất với 302 người được xác nhận hoặc nghi nhiễm. Theo sau là Tây Ban Nha với 198 ca, Bồ Đào Nha và Canada với lần lượt 153 và 80 ca.
Các chuyên gia y tế đang gấp rút tìm kiếm manh mối về nguồn gốc của sự bùng phát này. Trước đây, các ca nhiễm thường có liên quan tới những người từng đi qua các quốc gia có bệnh lưu hành. Trưởng nhóm kỹ thuật về bệnh đậu khỉ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuần trước cho biết virus đậu mùa khỉ có thể đã lây lan mà không bị phát hiện tại nhiều quốc gia không có bệnh lưu hành trong “vài tuần, vài tháng hoặc có thể vài năm” qua.
Đến nay, đợt bùng phát hiện tại được cho là bắt nguồn từ một chủng virus đậu mùa khỉ ở Tây Phi, gây ra triệu chứng ít nghiêm trọng hơn so với các biến chủng khác và có tỷ lệ tử vong là 1%.
Tuy nhiên, CDC Mỹ cuối tuần trước nói rằng có ít nhất 2 biến chủng đậu mùa khỉ khác biệt về mặt di truyền đang lưu hành ở nước này. Điều này khiến các chuyên gia y tế càng thêm bối rối. Đến nay, Mỹ đã ghi nhận tổng cộng 30 ca nhiễm đậu mùa khỉ.
Dù hầu hết các ca nhiễm đậu mùa khỉ đều có triệu chứng nhẹ và thường khỏi trong 2-4 tuần, cơ quan chức năng của Mỹ đầu tuần này cho biết sẽ tiêm khoảng 36.000 liều vaccine phù hợp cho những người có nguy cơ lây nhiễm cao. Một số quốc gia châu Âu, bao gồm Anh và Tây Ban Nha, cũng đã công bố các biện pháp tương tự để ngăn chặn sự lây lan của virus này.
Theo CDC Mỹ, đậu mùa khỉ không được xem là bệnh lây lan qua đường tình dục, dù phần lớn các ca nhiễm được ghi nhận đến nay đều lây qua đường này, đặc biệt là ở những người có quan hệ đồng giới nam.