Sơ hở trong chính sách bị lợi dụng triệt để tạo các “nhóm lợi ích”
Tội phạm và vi phạm pháp luật về kinh tế, tham nhũng, theo Bộ trưởng Bộ Công an vẫn diễn ra phức tạp
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ sáu, sáng 13/11 Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày báo cáo của Chính phủ về tình hình, kết quả công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật năm 2018.
Theo đánh gía của Chính phủ, năm 2018 các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước, đẩy mạnh phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ, tấn công trấn áp tội phạm. Qua đó đã góp phần bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia, làm thất bại nhiều âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; xử lý kịp thời các vụ việc phức tạp liên quan đến biểu tình, gây rối, khủng bố, phá hoại.
Hạn chế oan sai, bức cung, nhục hình
Kết quả cụ thể, đấu tranh làm giảm 2,72% số vụ phạm pháp hình sự, tỷ lệ điều tra, khám phá đạt 81,33% (vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra); án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt 88,53%; giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố đạt 87,2%; triệt phá 3.580 băng, nhóm tội phạm hình sự các loại; bắt, vận động đầu thú, thanh loại 6.360 đối tượng truy nã, trong đó có 1.389 đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm.
Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về kinh tế, tham nhũng đạt nhiều kết quả rõ nét, nhất là trong điều tra các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn, dư luận xã hội quan tâm, tỷ lệ thu hồi tài sản được nâng lên.
Công tác đấu tranh với tội phạm ma túy đạt nhiều kết quả nổi bật, đã đánh đúng, đánh trúng nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn, xuyên quốc gia, thu giữ lượng lớn ma túy các loại, nhất là triệt phá được tụ điểm phức tạp về ma túy tại xã Loóng Luông, Vân Hồ, Mộc Châu, Sơn La, tạo chuyển biến căn bản tình hình tại địa bàn này.
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, chất lượng công tác điều tra tội phạm tiếp tục được nâng lên, chấp hành pháp luật trong hoạt động điều tra được bảo đảm, có sự giám sát của Viện Kiểm sát, hạn chế được tình trạng oan, sai, bức cung, nhục hình.
Kết quả trên được Bộ trưởng nhấn mạnh là rất tích cực, trong điều kiện năm 2018 số tin báo, tố giác tội phạm và số vụ án thụ lý đều tăng so với cùng kỳ năm trước, nhưng số cán bộ không tăng.
Cường độ bạo lực gia tăng
Mặc dù đạt nhiều kết quả, song Chính phủ nhận định tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật vẫn diễn biến phức tạp.
Đáng lưu ý là các tổ chức phản động lưu vong tiếp tục tăng cường hoạt động chống phá Đảng và Nhà nước với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, thâm độc, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền xuyên tạc tạo sự hoài nghi, gây ra tâm trạng bức xúc trong một bộ phận quần chúng nhân dân, từ đó kích động tập trung đông người gây rối, leo thang các hoạt động bạo lực, khủng bố phá hoại. Tình hình an ninh mạng, an ninh chính trị nội bộ, an ninh văn hóa - tư tưởng, an ninh kinh tế, an ninh xã hội, an ninh các vùng chiến lược còn tiềm ẩn nhiều phức tạp.
Người đứng đầu ngành công an đánh giá, tội phạm, vi phạm pháp luật về trật tự xã hội tuy giảm 2,72% về số vụ, nhưng tính chất vẫn nghiêm trọng, cường độ bạo lực gia tăng. Hoạt động của các băng, ổ nhóm tội phạm có sự đan xen, gắn kết chặt chẽ giữa các lĩnh vực, triệt để lợi dụng danh nghĩa các doanh nghiệp để hoạt động phạm tội, nhất là liên quan đến lĩnh vực "tín dụng đen", kéo theo tình trạng siết nợ, đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật... tại nhiều địa phương.
Tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội, bạo hành, xâm hại trẻ em có chiều hướng gia tăng. Tội phạm cướp, cướp giật, trộm cắp tài sản chiếm tỷ lệ cao, thủ đoạn tinh vi, tính chất manh động.
Tội phạm và vi phạm pháp luật về kinh tế, tham nhũng, theo Bộ trưởng vẫn diễn ra phức tạp, nhất là "tham nhũng vặt" trong khu vực hành chính, dịch vụ công. Qua các vụ án đã xử lý cho thấy, các đối tượng triệt để lợi dụng những sơ hở trong cơ chế, chính sách để thông đồng tạo ra các "nhóm lợi ích" nhằm thâu tóm đất công, cho vay sai nguyên tắc, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng,
Chính phủ cũng đánh giá, vi phạm pháp luật về môi trường vẫn diễn ra phổ biến, nhất là lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm; quản lý, xử lý chất thải nguy hại, nước thải công nghiệp; nhập khẩu phế liệu; khai thác cát, sỏi trái phép; vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ rừng...
Tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn ra với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, nhất là làm giả thẻ thanh toán dịch vụ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mua bán tiền ảo; cờ bạc, cá độ bóng đá trên mạng Internet thiệt hại lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Hoạt động của tội phạm ma tuý diễn ra nghiêm trọng và thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn, tuyến vận chuyển. Xu hướng mua bán, vận chuyển, sử dụng ma túy tổng hợp gia tăng, xuất hiện nhiều dạng ma túy mới đang thu hút giới trẻ sử dụng, gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng...báo cáo nêu rõ.