12:40 18/11/2020

SoftBank dự trữ 80 tỷ USD tiền mặt phòng "kịch bản xấu" giữa đại dịch

Ngọc Trang

Masayoshi Son, ông chủ SoftBank, cho biết tiền mặt rất quan trọng trong cuộc khủng hoảng như hiện nay

Tỷ phú Masayoshi Son - Ảnh: Nikkei Asia.
Tỷ phú Masayoshi Son - Ảnh: Nikkei Asia.

Theo Nikkei Asia, từ đầu năm đến nay, tập đoàn Nhật Bản SoftBank Group liên tục bán tài sản từ cổ phần tại Alibaba cho tới T-Mobile, thu về khối tiền mặt lên tới 80 tỷ USD. Masayoshi Son, CEO kiêm chủ tịch của SoftBank, cho biết đây là khoản tiền dùng để dự phòng cho "kịch bản xấu nhất" giữa đại dịch Covid-19. 

"Tôi thấy nhiều khả năng xảy ra khủng hoảng kinh tế. Chúng tôi đã đầu tư vào rất nhiều startup, vì vậy, tôi lo rằng nhiều công ty trong số đó không thể vượt qua đại dịch", tỷ phú Masayoshi Son cho biết tại một hội nghị thượng đỉnh được tổ chức trực tuyến tại New York ngày 17/11. 

Son cũng cho biết bản thân SoftBank có đủ tài sản, nhưng "tiền mặt rất quan trọng trong cuộc khủng hoảng như thế này", giúp công ty có thể hành động khi thấy cơ hội đầu tư mới cũng như "bảo vệ" công ty. 

Dù gần đây thế giới ghi nhận nhiều đột phá trong thử nghiệm vắc-xin và điều trị Covid-19, Son cho biết ông cảm thấy "bi quan" về tình hình đại dịch trong ngắn hạn. 

"Trong vòng 2-3 tháng tới, thảm họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào", Son nhận định. "Vì vậy, chúng tôi phải chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất". 

Son cho biết đầu năm nay, ông đặt mục tiêu thanh khoản nội bộ cho SoftBank Group là 41 tỷ USD và giờ đây đã đạt được gấp đôi mục tiêu đó. 

Từ đầu năm đến nay, SoftBank thu về 14 tỷ USD nhờ việc bán 10% cổ phần mà công ty đang nắm giữ tại hãng thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba, 20 tỷ USD nhờ bán cổ phần tại T-Mobile. Công ty này cũng đạt được thỏa thuận bán hãng chíp Arm - có trụ sở tại Anh - cho công ty Mỹ Nvidia với giá 40 tỷ USD. 

SoftBank nổi tiếng với quỹ đầu tư Vision Fund 100 tỷ USD và đã rót vốn mạnh vào hàng loạt startup công nghệ từ hãng gọi xe Mỹ Uber cho tới chuỗi khách sạn Oyo của Ấn Độ. Tuy nhiên, công ty này đã phải điều chỉnh chiến lược kinh doanh kể cả trước khi đại dịch bùng phát. 

Sau thương vụ IPO sụp đổ của WeWork - một trong những startup được Vision Fund rót vốn nhiều nhất - vào năm ngoái, Son thừa nhận rằng ông đã có "nhận định tồi tệ về khoản đầu tư này". Tại hội nghị ở New York, Son khẳng định ông sẽ "chấp nhận sự ngu ngốc của bản thân" và "học hỏi thật nhanh để không mắc sai lầm tương tự". 

Dù vậy, Son vẫn dành lời khen ngợi cho Adam Neumann - đồng sáng lập, cựu CEO của WeWork. "Neumann là người thông minh. Tôi nghĩ anh ấy cũng thừa nhận mình mắc vài sai lầm. Anh ấy có năng lực tốt, có khả năng thuyết phục mọi người và là một nhà lãnh đạo tuyệt vời. Con người ai cũng mắc lỗi cả". 

Sau khi thay đổi chiến lược, Vision Fund bắt đầu thực hiện các khoản đầu tư nhỏ hơn, âm thầm mua cổ phiếu của những hãng công nghệ nổi tiếng hơn như Amazon và Netflix.

Khi được hỏi về việc sẽ sử dụng 80 tỷ USD như thế nào, Son cho biết "nếu có thể đầu tư vào các công ty phát triển trí tuệ nhân tạo, tôi sẽ đầu tư quyết liệt". Ông cho rằng suy thoái kinh tế có thể giúp giá cổ phần của các công ty rẻ hơn bởi thời điểm này giới startup không dễ huy động vốn.