11:16 03/06/2022

Sớm có phương án xử lý dứt điểm 7 trạm BOT "treo" nhiều bất cập

Anh Tú

Bộ Giao thông vận tải đang khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành rà soát các nội dung liên quan, đưa ra giải pháp xử lý chưa được pháp luật quy định để xử lý dứt điểm 7 trạm thu phí BOT "treo" cần xử lý...

Dự án BOT cầu Bình Lợi với tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng đang trong "thế kẹt" cần sớm gỡ vướng.
Dự án BOT cầu Bình Lợi với tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng đang trong "thế kẹt" cần sớm gỡ vướng.

Bộ Giao thông vận tải vừa có công văn số 5352/BGTVT–VP gửi Văn phòng Chính phủ về việc chuẩn bị phục vụ giải trình và trả lời chất vấn của lãnh đạo Chính phủ tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Tuần tới, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể là người chịu trách nhiệm trả lời chính ở nhóm thuộc lĩnh vực giao thông vận tải.

Nội dung trả lời về tiến độ, chất lượng và công tác phòng, chống thất thoát, lãng phí trong việc triển khai các dự án, công trình giao thông trọng điểm quốc gia, hệ thống đường cao tốc. Công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm chất lượng các công trình giao thông được đầu tư từ ngân sách nhà nước.

Đáng chú ý, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cũng sẽ trả lời chất vấn liên quan đến thực trạng và giải pháp xử lý các tồn đọng trong đầu tư, khai thác, kinh doanh các dự án giao thông theo hình thức BOT.

Theo Bộ Giao thông vận tải, triển khai Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 ngày 21/10/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết số 83/NQ-CP ngày 26/6/2018 của Chính phủ, từ năm 2018, Bộ Giao thông vận tải nỗ lực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và nhà đầu tư thống nhất giải pháp xử lý 14 trạm thu phí, dự án BOT có bất cập, tạo sự đồng thuận để thu phí ổn định theo hợp đồng dự án.

 

Tính đến thời điểm hiện tại, còn 7 trạm thu phí, dự án BOT có vướng mắc, bất cập liên quan đến những nguyên nhân khách quan, là sự kiện bất khả kháng theo quy định của hợp đồng BOT, cần sử dụng vốn nhà nước để xử lý các trạm này.

Bộ Giao thông vận tải cho rằng, việc chưa được thu phí hoặc đã thu phí nhưng bị sụt giảm doanh thu chủ yếu xuất phát từ những nguyên nhân khách quan, không thể lường trước như là sự kiện bất khả kháng hoặc do thay đổi chính sách pháp luật từ phía cơ quan Nhà nước.

Nếu các dự án BOT không được xử lý sẽ phá vỡ phương án tài chính, phát sinh nợ xấu, ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ cũng như môi trường thu hút đầu tư tư nhân vào hạ tầng giao thông.

Đối với vấn đề này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và các địa phương tập trung xử lý, giải quyết triệt để những vướng mắc, bất cập này nhằm bảo đảm quyền lợi, lợi ích các bên theo quy định hợp đồng ký. Đồng thời, tạo điều kiện khơi thông và thu hút nguồn lực xã hội phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó có giao thông.

Bộ Giao thông vận tải cho biết, đây cũng là nội dung nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân.

Đến nay, các bộ, ngành và địa phương đều cơ bản thống nhất về giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại các trạm thu phí, dự án BOT một số nội dung liên quan đến giải pháp xử lý chưa được pháp luật quy định như sử dụng vốn đầu tư công để thanh toán và chấm dứt hợp đồng trước thời hạn; bổ sung vốn nhà nước hỗ trợ trong giai đoạn khai thác nhằm thay thế quyền thu phí tại trạm có bất cập và nguồn vốn để xử lý việc này.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đang khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành rà soát các nội dung liên quan, đặc biệt là cơ sở pháp lý, các quy định pháp luật. Đồng thời, nghiên cứu đề xuất nguồn vốn phù hợp để hoàn thiện báo cáo trình Chính phủ cho ý kiến trước khi báo cáo Quốc hội xem xét thông qua dự kiến tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

7 trạm thu phí thuộc các dự án BOT đang được đề xuất xử lý gồm: Trạm thu phí La Sơn - Túy Loan (dự án xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả); trạm thu phí Bỉm Sơn (hoàn vốn cho đường vành đai phía Tây thành phố Thanh Hóa đoạn Km0 - Km6); trạm thu phí Km1747 (dự án BOT đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh); trạm thu phí T2 (dự án BOT cải tạo, nâng cấp quốc lộ 91).

Trạm thu phí Quốc lộ 3 (dự án BOT xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới và cải tạo, nâng cấp quốc lộ 3 đoạn Km75 - Km100); trạm thu phí cầu Thái Hà thuộc dự án BOT đầu tư xây dựng công trình cầu Thái Hà vượt sông Hồng trên đường nối hai tỉnh Thái Bình và Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; dự án cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu đường sắt Bình Lợi tới cảng Bến Súc theo hình thức hợp đồng BOT.