22:48 11/06/2012

Sóng chưa lặng với Sudico

Anh Minh

Tòa án đã yêu cầu Sudico phải dừng việc tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2012, dự kiến diễn ra vào ngày 30/6 tới

Hành trình của Sudico đã không được “lặng sóng” ngay cả khi tuyên bố “tổ chức thành công” đại hội cổ đông bất thường hôm 16/4 vừa qua.
Hành trình của Sudico đã không được “lặng sóng” ngay cả khi tuyên bố “tổ chức thành công” đại hội cổ đông bất thường hôm 16/4 vừa qua.
Tòa án đã yêu cầu Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (Sudico) phải dừng việc tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2012, dự kiến diễn ra vào ngày 30/6 tới.

Người đứng tên trong đơn yêu cầu Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu việc dừng đại hội là ông Chu Quang Tú, thường trú tại Bắc Giang và bà Phạm Thị Hương Giang, thường trú tại Hà Nội. Ngày gửi đơn đi là ngày 15/5/2012 và theo Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội thì sau khi xem xét đơn, cơ quan này nhận thấy cần thiết phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự.

Quyết định cũng nói việc “áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời” là có hiệu lực ngay và đương sự có quyền khiếu nại trong thời hạn 3 ngày kể từ khi nhận được quyết định.

Như vậy là đúng như dự báo của VnEconomy, hành trình của Sudico đã không được “lặng sóng” ngay cả khi tuyên bố “tổ chức thành công” đại hội cổ đông bất thường hôm 16/4 vừa qua.

Tại đại hội này, việc “hợp thức hóa” các quyết định liên quan đến nhân sự mà trên thực tế Tập đoàn Sông Đà, cổ đông chi phối trong Sudico, đã quyết định trước đó đã hoàn tất với tỷ lệ phiếu biểu quyết áp đảo.

Theo đó, đại hội đã biểu quyết thông qua việc miễn nhiệm tư cách thành viên Hội đồng Quản trị của ông Phan Ngọc Diệp và bầu ông Hồ Sỹ Hùng, người đại diện phần vốn của Sông Đà tại Sudico làm thành viên thay thế ông Phan Ngọc Diệp và bầu ông Hồ Sỹ Hùng làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sudico.

Tuy nhiên, ngay trong đại hội, đã có nhiều ý kiến thắc mắc về tính pháp lý của đại hội cổ đông vì trước khi đại hội diễn ra, ông Phan Ngọc Diệp đã có đơn gửi Thủ tướng Chính phủ phản ánh, kiến nghị một số vấn đề liên quan đến tập đoàn Sông Đà và việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Tổng giám đốc, đồng thời cho rằng đại hội đồng cổ đông bất thường được tổ chức không đúng với quy định của Luật Doanh nghiệp và điều lệ của Sudico.

Tiếp đó, ngày 13/4/2012, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 2529/VPCP-KNTN đề nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo Tập đoàn Sông Đà xử lý nội dụng đơn phản ánh của ông Phan Ngọc Diệp theo đúng quy định của pháp luật và thông báo Văn phòng Chính phủ biết kết quả.

Ngay tại đại hội, một số cổ đông đã lên tiếng phản đối các nội dung của đại hội. Ông Hồ Sỹ Hùng, với tư cách là người điều hành đại hội đã ba lần cắt ngang phần phát biểu của một cổ đông nữ với nội dung phản đối việc tổ chức đại hội.

Ngay chiều nay, một số công ty chứng khoán đã có bình luận về quyết định mới đây của Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội.

Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) cho rằng quyết định trên chỉ mang tính chất tạm thời trong khi chờ điều tra thêm.

“Về mặt lý thuyết, SJS (mã chứng khoán của Sudico) có thể yêu cầu tòa án giải thích cơ sở của quyết định trên và nếu SJS thua kiện và Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội kết luận đại hội cổ đông bất thường đã được tổ chức không đúng pháp luật, thì công ty vẫn có kháng kiện lên tòa án cấp cao hơn. Và bên nguyên đơn cũng có thể kháng kiện lên tòa án cấp cao hơn nếu thua kiện. Do đó, quá trình giải quyết có thể sẽ mất nhiều thời gian do có thể sẽ phải mất 1 năm sau khi Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội tiếp nhận vụ kiện từ bên nguyên đơn để bắt đầu xét xử. Và điều này có thể sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động của SJS”, bản tin của công ty này phân tích.

HSC cũng cho rằng có thể HĐQT Sudico sẽ bị cuốn vào một vụ kiện kéo dài và khi đó các ngân hàng và trái chủ có thể sẽ nâng mức rủi ro tín dụng đối với công ty. Các nhà đầu tư cũng có lý do để lo lắng vì “nội vụ của công ty đã trở nên rối ren và điều này khiến cổ phiếu SJS khó có thể được coi là một cổ phiếu để đầu tư ngoại trừ các nhà đầu tư ngắn hạn có thể chấp nhận rủi ro cao".

HSC cũng cho hay tại thời điểm cuối quý 1/2012, nợ ngắn hạn của Sudico tổng cộng là 212 tỷ đồng. Sudico cũng có tổng cộng 1.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn vào quý 3/2012. Có khả năng các ngân hàng sẽ cho phép công ty đảo nợ ngắn hạn nhưng sẽ yêu cầu tăng thêm tài sản thế chấp. Tuy nhiên, khó có thể đoán được động thái của các trái chủ nắm giữ trái phiếu của SJS.