09:46 20/04/2013

S&P 500 có tuần tồi tệ nhất trong năm

Thanh Hải

Tính chung cả tuần, cả hai chỉ số S&P 500 và Dow Jones đều giảm 2,1%, trong khi Nasdaq Composite hao hụt tới 2,7%

Nguyên nhân chính dẫn tới sự biến động dữ dội của các chỉ số chứng khoán
 Mỹ trong tuần là tình trạng tăng trưởng giảm tốc tại Trung Quốc và việc giá vàng lao dốc mạnh - Ảnh: Getty.<br>
Nguyên nhân chính dẫn tới sự biến động dữ dội của các chỉ số chứng khoán Mỹ trong tuần là tình trạng tăng trưởng giảm tốc tại Trung Quốc và việc giá vàng lao dốc mạnh - Ảnh: Getty.<br>
Mặc dù đảo chiều tăng nhẹ trong phiên giao dịch cuối tuần (19/4), song do 2 phiên giảm sốc trong tuần, nên tựu chung 5 ngày giao dịch vừa qua, chứng khoán Mỹ đã trượt mạnh, đánh dấu tuần giao dịch tệ nhất trong năm.

Lợi nhuận của Google và một số công ty khác đã giúp nâng bật nhóm cổ phiếu công nghệ, đẩy chỉ số Nasdaq Composite tăng hơn 1% trong phiên 19/4, nhưng lại không đủ lực giúp chỉ số S&P 500 giành lại những gì đã hao hụt trước đó. Giá cổ phiếu của người khổng lồ Google tăng vọt 4,4% lên mức 799,87 USD.

Ở chiều ngược lại, giá cổ phiếu của tập đoàn công nghệ IBM đã giảm mạnh tới 8,3%, xuống còn có 190 USD. Cuối phiên giao dịch liền trước (18/4), tập đoàn công nghệ nổi tiếng thế giới này đã công bố kết quả kinh doanh quý vừa qua không đạt kỳ vọng của giới phân tích, khiến nhà đầu tư Phố Wall thất vọng.

Chốt phiên giao dịch, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng được 10,37 điểm, tương ứng với mức 0,07%, lên 14.547,51 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng được 13,64 điểm, tương ứng với mức 0,88%, lên chốt ở 1.555,25 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite vọt mạnh 39,69 điểm, tương ứng với 1,25%, lên mức 3.206,06 điểm.

Khối lượng giao dịch toàn thị trường ở mức thấp nhất trong tuần này, với khoảng 6,4 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng trên cả 3 sàn giao dịch New York, American và Nasdaq. Số lượng này tương đương với mức trung bình hàng ngày trong năm. Tỷ lệ cổ phiếu tăng/ giảm ở sàn New York là 11/4, sàn Nasdaq là 17/8.

Tuần này đánh dấu sự biến động lớn trên thị trường, với việc chỉ số S&P 500 giảm mạnh 2,3% trong ngày 15/4, ngày giao dịch tệ nhất của chỉ số này kể từ phiên 7/11/2012 cho tới nay. Mặc dù giới đầu tư cho rằng, sự điều chỉnh là tất yếu do thị trường đã thăng hoa suốt một thời gian dài, song mức giảm vẫn gây sốc.

Tính chung cả tuần, chỉ số chứng khoán này giảm 2,1%, nhưng đã vượt lên trên đường trung bình động trong vòng 50 ngày. Chỉ số Dow Jones cũng giảm 2,1% trong tuần, dù rất nỗ lực giành lại số điểm đã mất trong ngày giao dịch 19/4. Chỉ số Nasdaq Composite cũng bị hao hụt tới 2,7% sau 5 ngày giao dịch vừa qua.

Nguyên nhân chính dẫn tới sự biến động dữ dội của các chỉ số chứng khoán Mỹ trong tuần là tình trạng tăng trưởng giảm tốc tại Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và việc giá vàng lao dốc mạnh. Tuy nhiên, tính từ đầu năm tới nay, Dow Jones vẫn đang tăng 11,01%, S&P 500 tăng 9,05% và Nasdaq tiến 6,18%.

Thị trườngChỉ sốĐóng cửa+/- (điểm)+/- (%)
MỹDow Jones14.547,51+10,37+0,07
S&P 5001.555,25+13,64+0,88
Nasdaq3.206,06+39,69+1,25
AnhFTSE 1006.286,59+42,92+0,69
PhápCAC 403.651,96+52,60+1,46
ĐứcDAX7.459,96-13,77-0,18
Nhật BảnNikkei 22513.316,48+96,41+0,73
Hồng KôngHang Seng22.013,57+501,05+2,33
Trung QuốcShanghai Composite2.244,64+47,06+2,14
Đài LoanTaiwan Weighted7.930,80+139,45+1,79
Hàn QuốcKOSPI Composite1.906,75+6,69+0,35
SingaporeStraits Times3.294,05-2,32-0,07
Nguồn: CNBC, Market Watch.