08:30 20/01/2024

S&P 500 lập kỷ lục, giá dầu tăng tuần này

Bình Minh

Cột mốc mà S&P 500 thiết lập vào ngày thứ Sáu là một sự xác nhận rằng thị trường đã chính thức nối lại trạng thái thị trường đầu cơ giá lên (bull market) bắt đầu vào tháng 10/2022...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: CNBC.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: CNBC.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (19/1), với chỉ số S&P 500 đóng cửa ở mức cao nhất mọi thời đại, khi nhà đầu tư mua cổ phiếu trở lại sau một đợt sụt giảm ngắn. Giá dầu thô giảm nhưng hoàn tất một tuần tăng, do mối lo về căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông lấn át mối lo về triển vọng kinh tế Trung Quốc và toàn cầu.

Chốt phiên, S&P 500 - thước đo rộng nhất của chứng khoán Mỹ, tăng 1,23%, chốt ở 4.839,81 điểm, phá vỡ cả kỷ lục nội phiên và kỷ lục chốt phiên thiết lập vào tháng 1/2022.

Chỉ số Dow Jones tăng 359,19 điểm, tương đương tăng 1,05%, đạt 37.863,8 điểm. Thước đo blue-chip với 30 cổ phiếu thành viên này đã lập kỷ lục vào cuối năm ngoái.

Chỉ số Nasdaq tăng 1,7%, đóng cửa ở mức 15.310,97 điểm.

Với phiên tăng này, cả ba chỉ số đều đạt trạng thái “xanh” nếu tính từ đầu năm. Sau khi giảm 19% trong năm 2022, S&P 500 đã bùng nổ trở lại trong năm 2023 với mức tăng cả năm đạt 24% nhờ nền kinh tế tránh được một cuộc suy thoái tưởng chừng như chắc chắn sẽ xảy ra và lạm phát giảm về ngưỡng cho phép Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tamk dừng tăng lãi suất.

Đợt tăng mạnh vào quý 4/2023 đã đưa S&P 500 lên gần sát mức kỷ lục, nhưng vẫn chưa thiết lập được kỷ lục mới. Khi bước sang năm 2024, xung lực tăng đuối dần khi nhà đầu tư hiện thực hoá lợi nhuận ở những cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn như Apple. Mấy ngày gần đây, nhu cầu mua cổ phiếu Big Tech đã quay trở lại.

Cột mốc mà S&P 500 thiết lập vào ngày thứ Sáu là một sự xác nhận rằng thị trường đã chính thức nối lại trạng thái thị trường đầu cơ giá lên (bull market) bắt đầu vào tháng 10/2022, thay vì chỉ là một sự phục hồi trong trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống (bear market). Kể từ mức đáy thiết lập vào thời điểm đó, S&P 500 đến nay đã tăng hơn 35%.

“Trong tâm trí của nhà đầu tư, các công ty dẫn đầu về trí tuệ nhân tạo (AI) hoặc có sản phẩm khác biệt trong lĩnh vực công nghệ đang có lợi thế rất lớn trên thị trường. Đó là xu hướng đã duy trì trong phần lớn thời gian của năm ngoái và sang năm nay”, nhà quản lý danh mục Matt Stucky của công ty Northwestern Mutual Wealth Management nhận định với hãng tin CNBC.

Nhóm cổ phiếu công nghệ trong S&P 500 tăng 2,35% trong phiên ngày thứ Sáu và tăng 4% trong tuần này, trở thành nhóm mạnh nhất trong 11 nhóm cổ phiếu ngành thuộc chỉ số.

Ông Stucky cho rằng liệu thị trường có duy trì được xung lực tăng trong năm 2024 hay không “sẽ tuỳ thuộc vào việc liệu Fed có thể đưa nền kinh tế Mỹ hạ cánh mềm hay không”. Ông lưu ý rằng động lực tăng trưởng của S&P 500 trong năm 2023 có liên quan nhiều đến hệ số giá/lợi nhuận (P/E) hơn là lợi nhuận.

“P/E thường tăng sau khi kinh tế giảm tốc, vì nhà đầu tư kỳ vọng kinh tế phục hồi. Nếu sự phục hồi đó không trở thành hiện thực, nhà đầu tư sẽ đặt câu hỏi liệu mức hệ số đó có duy trì được không, hoặc có tăng cao hơn được không”, ông Stucky nói thêm.

Kết quả cuộc khảo sát người tiêu dùng của Đại học Michigan công bố ngày thứ Sáu cho thấy người tiêu dùng Mỹ đang trở nên lạc quan hơn về nền kinh tế và lạm phát. Chỉ số niềm tin tiêu dùng tăng 21,4% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức cao nhất kể từ tháng 7/2021.

Dữ liệu này là sự tiếp nối các chỉ số kinh tế khả quan gần đây của Mỹ, làm suy yếu khả năng Fed giảm lãi suất ngay từ tháng 3. Tuy nhiên, các số liệu tốt hơn dự báo cũng mang lại sự đảm bảo rằng nền kinh tế sẽ không rơi vào suy thoái, ít nhất là trước mắt.

“Các số liệu kinh tế đang mạnh và lạm phát hơi nhỉnh hơn so với kỳ vọng. Nếu không có gì thay đổi lớn từ nay đến tháng 3, tôi thấy chẳng có lý do gì để Fed giảm lãi suất vào tháng 3 cả”, chiến lược gia Ross Mayfield của công ty Baird nhận định với hãng tin Reuters.

Vào cuối phiên, các nhà giao dịch đặt cược khả năng 46,2% Fed tăng lãi suất vào tháng 3, giảm từ mức 56% của phiên trước và hơn 80% vào đầu tuần này.

Giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 0,54 USD/thùng, còn 78,56 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,67 USD/thùng, chốt ở 73,41 USD/thùng.

Cả tuần, giá dầu Brent tăng 0,5% và giá dầu WTI tăng hơn 1%.

Tuần này, triển vọng ảm đạm về kinh tế Trung Quốc gây áp lực giảm lên giá dầu. Tuy nhiên, căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông đã giữ vai trò nâng đỡ giá “vàng đen”.

Ở dải Gaza, chiến sự leo thang khi lực lượng Israel đẩy mạnh cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu Hamas ở miền Nam. Trong tuần, Mỹ đã tiến hành các cuộc không kích mới nhằm chống lại việc phiến quân Houthi tấn công tàu chở hàng trên Biển Đỏ.

Ngoài ra, giá dầu tuần này còn tăng do thời tiết lạnh giá ở Mỹ khiến hoạt động khai thác dầu ở bang North Dakota - một bang sản xuất dầu chính của nước này - bị gián đoạn.