S&P 500 và Nasdaq giảm điểm, kết thúc chuỗi 4 phiên tăng liên tiếp
Các cổ phiếu công nghệ lớn bị bán mạnh gây sức ép lên toàn thị trường, khiến S&P 500 và Nasdaq không duy trì được chuỗi phiên tăng
Hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq của thị trường chứng khoán Mỹ cùng giảm điểm nhẹ trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, khi các cổ phiếu công nghệ lớn bị bán mạnh gây sức ép lên toàn thị trường.
Theo trang Market Watch, các nhà đầu tư đang thận trọng trước cuộc họp thượng đỉnh của nhóm 7 nền công nghiệp phát triển (G7) đang diễn ra ở Canada.
Giá dầu Brent tăng giúp các cổ phiếu năng lượng tăng điểm, trong khi cổ phiếu các hãng sản xuất cáp quang và con chip tăng mạnh nhờ tin Chính phủ Mỹ đã đạt thỏa thuận dỡ lệnh trừng phạt đối với công ty thiết bị viễn thông Trung Quốc ZTE.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 0,4%, đạt 25.241,41 điểm. S&P 500 giảm 0,1%, còn 2.770,37 điểm, khép lại chuỗi 4 phiên tăng liên tiếp. Nasdaq hạ 0,7%, còn 7.635 điểm, sau 3 phiên liên tục lập kỷ lục từ đầu tuần.
Gây áp lực giảm lớn nhất cho Nasdaq phiên này phải kể đến những cổ phiếu như Facebook giảm 1,65%; Microsoft giảm 1,6%; Alphabet giảm 1,2%; Intel giảm 2%.
Giới phân tích nói rằng phiên giảm ngày thứ Năm của các cổ phiếu công nghệ lớn không gây bất ngờ, bởi nhiều cổ phiếu trong số này đã đạt mức giá kỷ lục thời gian gần đây.
"Việc cổ phiếu công nghệ bị bán mạnh hôm nay có vẻ do yếu tố kỹ thuật, bởi những cổ phiếu này đã tăng nhiều trong những phiên trước, nhiều cổ phiếu đã lập kỷ lục giá", chiến lược gia Quincy Krosby của Prudential Financial phát biểu.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng giảm theo lợi suất trái phiế kho bạc Mỹ. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã lên gần 3% vào đầu phiên, nhưng đến buổi chiều tụt xuống 2,909%.
Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra tại Canada được dự báo sẽ phô bày căng thẳng thương mại giữa Mỹ với Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy và Nhật Bản. "Mọi năm, hội nghị G7 hầu như không tác động gì đến thị trường, nhưng năm nay thì khác bởi vấn đề thương mại", ông Krosby nói.
Hội nghị kéo dài 2 ngày này sẽ là lần đầu tiên các nhà lãnh đạo thế giới gặp trực tiếp ông Trump kể từ khi Mỹ áp thuế lên thép và nhôm nhập khẩu từ Canada, Mexico và Liên minh châu Âu (EU) vào tuần trước. Tất cả 6 nước trong G7 hiện đều bị Mỹ áp thuế này.
Kinh tế Mỹ tiếp tục phát đi những thông tin tốt, hỗ trợ tâm lý thị trường. Tuy nhiên, việc nền kinh tế tăng trưởng tốt cũng củng cố khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) duy trì tăng lãi suất - một nhân tố có thể tác động bất lợi đến thị trường chứng khoán.
Số liệu do Bộ Lao động Mỹ công bố hôm qua cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần dầu giảm nhẹ trong tuần này, đồng nghĩa với mức độ sa thải lao động ở Mỹ đang gần mức thấp nhất 50 năm.
Cùng với đó, số liệu từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cho thấy tài sản của các hộ gia đình Mỹ trong quý 1 năm nay đã lần đầu tiên vượt 100 nghìn tỷ USD.