07:46 22/07/2025

S&P 500 và Nasdaq lập kỷ lục, giá dầu giảm nhẹ bất chấp gói trừng phạt mới của EU

Ngọc Trang

Trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (21/7), S&P 500 và Nasdaq ghi nhận mức điểm đóng cửa cao chưa từng thấy nhờ cổ phiếu Alphabet và một loạt mã vốn hóa lớn khác tăng giá mạnh trước thềm báo cáo kết quả kinh doanh...

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters
Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters

Giới đầu tư cũng tỏ ra lạc quan các thỏa thuận giữa Mỹ và các đối tác thương mại có thể được công bố trong tuần này.

Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 tăng 0,14%, chốt ở mức 6.305,6 điểm. Chỉ số Nasdaq đóng cửa ở mức 20.974,18 điểm, tương đương mức tăng 0,38%. Trong khi đó, chỉ số công nghiệp Dow Jones kết phiên ở mức 44.323,07 điểm, tương đương giảm 0,04%.

Giá cổ phiếu của Alphabet, công ty mẹ của Google, tăng mạnh 2,7% nhờ triển vọng lạc quan của báo cáo kết quả kinh doanh quý hai dự kiến được công bố vào thứ Tư tuần này. Alphabet và hãng xe điện Tesla sẽ là hai công ty đầu tiên trong nhóm 7 cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn nhất tại Mỹ (Magnificent Seven) - một nhóm gồm cả Apple, Microsoft, Amazon, Meta và Nvidia - công bố kết quả kinh doanh.

S&P 500 và Nasdaq đều được nâng đỡ nhờ đà tăng của các mã trong Magnificent Seven, với Apple tăng 0,62%, Amazon tăng 1,43%. Cổ phiếu công ty viễn thông Verizon tăng hơn 4% sau khi nâng dự báo lợi nhuận cả năm.

Theo dự báo các nhà phân tích được hãng tin Reuters khảo sát, các công ty trong chỉ số S&P 500 sẽ báo cáo mức lợi nhuận tăng bình quân 6,7% trong quý hai và phần lớn sự tăng trưởng đến từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.

“Đến nay, các công ty đã công bố kết quả kinh doanh nhìn chung đều đạt mức bằng hoặc vượt dự báo. Chúng tôi chưa ghi nhận bất kỳ sự sụt giảm lợi nhuận nào của doanh nghiệp hay sự suy yếu trong tiêu dùng”, ông Tom Hainlin, chiến lược gia về đầu tư quốc gia tại công ty tư vấn U.S. Bank Wealth Management, bang Minneapolis, Mỹ, nhận định.

Tính từ đầu năm tới nay, chỉ số S&P 500 đã tăng khoảng 7%, còn Nasdaq tăng gần 9% trong bối cảnh nhà đầu tư lạc quan rằng thiệt hại đối với nền kinh tế Mỹ do thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ không lớn như nhiều người lo sợ.

Theo dự kiến, từ ngày 1/8 tới, thuế quan đối ứng mà ông Trump công bố hồi đầu tháng 4 sẽ có hiệu lực sau thời gian tạm hoãn, với mức thuế quan được điều chỉnh tùy vào kết quả đàm phán của Washington với các đối tác thương mại.

Ngày Chủ Nhật (20/7), Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick cho biết ông tự tin rằng Washington có thể đạt được một thỏa thuận thương mại với Liên minh châu Âu (EU), kể cả khi các nước thành viên của khối này đang tính tới các biện pháp trả đũa để đề phòng trường hợp hai bên không tìm được tiếng nói chung.

Hơn một tuần trước, ông Trump dọa sẽ áp thuế quan 30% với hàng hóa nhập khẩu từ EU và Mexico, đồng thời gửi thư cho nhiều đối tác thương mại khác, bao gồm Canada, Nhật Bản và Brazil để thông báo về mức thuế quan dao động từ 20-50%.

Ngoài vấn đề thương mại, nhà đầu tư cũng đang đổ dồn quan tâm vào báo cáo thất nghiệp và báo cáo hoạt động kinh doanh tháng 7 dự kiến được công bố vào thứ Năm tuần này.

Thị trường cũng sẽ theo dõi sát sao bài phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell ngày thứ Ba (22/7) để tìm kiếm những tín hiệu về thời điểm cơ quan này có thể hạ lãi suất, đặc biệt là sau tín hiệu trái chiều về lạm phát tuần trước.

Theo công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, thị trường gần như đã loại bỏ khả năng có một đợt hạ lãi suất trong tháng 7 và đặt cược khả năng hơn 50% Fed hạ lãi suất trong cuộc họp chính sách vào tháng 9.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu chốt phiên thứ Hai giảm nhẹ trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt mới nhất của EU nhằm vào dầu Nga được dự báo sẽ không ảnh hưởng nhiều tới nguồn cung.

Hợp đồng tương lai dầu thô Brent giảm 7 cent, tương đương 0,1%, còn 69,21 USD/thùng. Trong khi đó, dầu WTI giảm 14 cent, tương đương 0,2%, còn 67,2 USD/thùng.

Thứ Sáu tuần trước (18/7), EU thông qua gói trừng phạt thứ 18 nhằm vào Nga do cuộc chiến ở Ukraine. Gói trừng phạt này cũng bao gồm biện pháp nhằm vào Nayara Energy - công ty Ấn Độ được cho là đã xuất khẩu các sản phẩm được tinh chế từ dầu thô Nga.

“Thị trường đang cho rằng nguồn cung dầu Nga sẽ vẫn tìm được đường ra thị trường theo cách này hay cách khác. Không có gì đáng lo lắng quá mức”, ông John Kilduff đến từ công ty Again Capital tại New York, nhận xét.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 18/6 cho biết Nga đã đạt được khả năng miễn dịch nhất định với các biện pháp trừng phạt của phương Tây.

Gói trừng phạt của EU được đưa ra sau lời đe dọa của ông Trump vào tuần trước nữa về việc sẽ áp đặt trừng phạt bằng thuế quan thứ cấp 100% với những nước mua dầu Nga, trừ phi Moscow và Kiev đạt được thỏa thuận hòa bình trước tháng 9.