S&P 500 và Nasdaq sụt mạnh, giá dầu bật tăng 2% sau chuỗi phiên giảm
Dòng tiền dịch chuyển khi nhà đầu tư lạc quan hơn về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sắp bắt đầu giảm lãi suất...
Thị trường chứng khoán Mỹ kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư (17/7) trong trạng thái không đồng nhất của các chỉ số, khi nhà đầu tư tiếp tục dịch chuyển vốn khỏi các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn để mua những cổ phiếu có mức độ nhạy cảm cao hơn với lãi suất. Giá dầu tăng mạnh nhờ đồng USD giảm giá và số liệu thống kê cho thấy lượng dầu tồn kho của Mỹ giảm.
Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 giảm 1,39%, còn 5.588,27 điểm.
Chỉ số Nasdaq trượt 2,77%, còn 17.996,92 điểm. Đây là phiên giảm mạnh nhất của Nasdaq kể từ tháng 12/2022 và là lần đầu tiên kể từ ngày 1/7 chỉ số đóng cửa dưới mức 18.000 USD.
Trái với sự sụt giảm của hai chỉ số trên, Dow Jones tăng 243,6 điểm, tương đương tăng 0,59%, đạt 41.198,08 điểm. Đây là một kỷ lục chốt phiên mới của thước đo cổ phiếu blue-chip và là lần đầu tiên chỉ số này đóng cửa trên 41.000 điểm.
Đóng góp nhiều nhất vào phiên tăng này của Dow Jones là cổ phiếu công ty dịch vụ y tế và bảo hiểm UnitedHealth với mức tăng 4,5%. Cổ phiếu UnitedHealth tăng mạnh nhờ được giới phân tích nâng mức giá triển vọng sau khi công ty công bố báo cáo tài chính quý 2/2024 khả quan hơn dự báo.
Trước phiên tăng này, Dow Jones đã nhảy hơn 300 điểm trong phiên ngày thứ Ba - phiên tăng mạnh nhất của chỉ số trong hơn 1 năm trở lại đây.
Về phần mình, S&P 500 và Nasdaq đang đương đầu với áp lực giảm từ sự thoái lui của các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn. Việc nhà đầu tư bán Big Tech để mua những cổ phiếu có tính chu kỳ cao hơn là một sự đảo ngược xu hướng đã duy trì trong phần lớn thời gian của năm ngoái và năm nay. Xu hướng đó là sự tăng điểm bền bỉ của thị trường được dẫn dắt bởi cổ phiếu công nghệ, đặc biệt là những cổ phiếu có liên quan đến lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI).
Thậm chí, phiên ngày thứ Tư là phiên đầu tiên kể từ năm 2001 mà Nasdaq giảm quá 2,5% trong khi Dow Jones vẫn tăng. Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500, công nghệ thông tin và dịch vụ truyền thông là hai nhóm giảm điểm mạnh nhất phiên này.
Cổ phiếu Meta Platforms - công ty mẹ của mạng xã hội Facebook - đóng cửa với mức giảm 5,7%. Cổ phiếu công ty dịch vụ phát trực tuyến Netflix và “đế chế” phần mềm Microsoft giảm hơn 1% mỗi cổ phiếu. Hãng công nghệ Apple chứng kiến giá cổ phiếu giảm 2,5%.
Cổ phiếu các công ty sản xuất chip cũng trầy trật sau khi hãng tin Bloomberg đưa tin chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang cân nhắc siết chặt hạn chế thương mại nếu các công ty tiếp tục để cho Trung Quốc tiếp cận với công nghệ Mỹ. Cổ phiếu hai hãng chip khổng lồ Nvidia và TSMC sụt giảm tương ứng 6% và 8%.
Chỉ số Russell 2000 của các cổ phiếu nhỏ giảm 1% phiên này, chấm dứt chuỗi 5 phiên tăng trước đó. Dù vậy, chỉ số vẫn tăng hơn 9% trong 5 phiên trở lại đây, khi xu hướng tăng điểm của thị trường được mở rộng thay vì tập trung vào cổ phiếu công nghệ như trước kia. Trong cùng khoảng thời gian, Nasdaq sụt hơn 3% do cổ phiếu công nghệ bị bán tháo.
Dòng tiền dịch chuyển khi nhà đầu tư lạc quan hơn về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sắp bắt đầu giảm lãi suất. Dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME đang phản ánh khả năng hơn 95% Fed sẽ có đợt giảm lãi suất đầu tiên trong cuộc họp tháng 9.
“Nhà đầu tư đang bán bớt cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn, lấy tiền lãi, và mua những cổ phiếu có tính chu kỳ cao hơn. Tôi cho rằng xu hướng này sẽ tiếp diễn trong mùa báo cáo tài chính quý 2”, trưởng nghiên cứu Mike Dickson của công ty Horizon Investments nhận định với hãng tin CNBC.
Giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 1,35 USD/thùng, tương đương tăng 1,6%, chốt ở mức 85,08 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 2,09 USD/thùng, tương đương tăng 2,6%, chốt ở mức 82,85 USD/thùng.
Trước đó, giá dầu đã có 3 phiên giảm liên tiếp và đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ trung tuần tháng 6 trong phiên ngày thứ Ba.
Dầu tăng giá trở lại khi báo cáo hàng tuần của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy lượng dầu tồn kho thương mại ở nước này giảm 4,9 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 12/7, một mức giảm mạnh hơn so với dự báo.
Đồng USD giảm giá cũng hỗ trợ giá dầu. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gổm 6 đồng tiền chủ chốt khác chốt phiên ở mức 103,75 điểm, thấp nhất 17 tuần.
Ngoài ra, triển vọng Fed sắp hạ lãi suất cũng đang là một nhân tố giúp nâng đỡ giá dầu ở thời điểm hiện tại.