Chứng khoán Mỹ bứt phá lên kỷ lục mới, giá dầu tụt 1%
Cuộc dịch chuyển của dòng tiền đã bắt đầu từ 1 tuần trước, khi báo cáo thống kê cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 của Mỹ tăng yếu nhất trong 3 năm trở lại đây...
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (16/7), với chỉ số Dow Jones thiết lập kỷ lục mới, khi xu hướng giá lên tiếp tục mở rộng sang những nhóm cổ phiếu được kỳ vọng sẽ hưởng lợi khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất. Trong khi đó, giá dầu thô giảm thêm do lo ngại về triển vọng nhu cầu tiêu thụ năng lượng ở Trung Quốc.
Lúc đóng cửa, Dow Jones tăng 742,76 điểm, tương đương tăng 1,85%, chốt ở mức 40.954,48 điểm. Thước đo gồm 30 cổ phiếu blue-chip này lập cả kỷ lục nội phiên và kỷ lục đóng cửa trong phiên tăng mạnh nhất kể từ tháng 6/2023.
Chỉ số S&P 500 tăng 0,64%, đóng cửa ở mức kỷ lục 5,667,2 điểm. Chỉ số Russell 2000 của các cổ phiếu vốn hóa nhỏ tăng hơn 3%, đánh dấu phiên tăng thứ 5 liên tiếp.
Chỉ số Nasdaq tăng 0,2%, chốt ở mức 18.509,34 điểm. Mức tăng khiêm tốn của Nasdaq đến từ việc nhà đầu tư khá thờ ơ với cổ phiếu công nghệ trong phiên này.
Cổ phiếu hãng thiết bị công nghiệp Caterpiller tăng hơn 4% và cổ phiếu hãng bảo hiểm UnitedHealth tăng 6,5% là hai cổ phiếu thành viên Dow Jones tăng mạnh nhất và đóng tóp nhiều nhất vào thành quả tăng của chỉ số.
Cổ phiếu tài chính - một nhóm khác đã đuối sức trong thời gian qua - được mua mạnh sau khi hai ngân hàng Bank of America và Morgan Stanley công bố lợi nhuận quý 2 tốt hơn dự báo. Bank of America chốt phiên với mức tăng hơn 5% trong khi Morgan Stanley tăng gần 1%.
Cuộc dịch chuyển của dòng tiền từ các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn sang các cổ phiếu vốn hóa nhỏ và cổ phiếu chu kỳ đã bắt đầu từ 1 tuần trước, khi báo cáo thống kê cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 của Mỹ tăng yếu nhất trong 3 năm trở lại đây. Dữ liệu này được xem là một dấu hiệu cho thấy lạm phát đang giảm gần hơn với mục tiêu 2% của Fed và Fed đã gần tới lúc có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất.
Báo cáo từ Bộ Thương mại Mỹ ngày thứ Ba cho thấy người tiêu dùng duy trì chi tiêu ở mức cao - bằng chứng cho thấy nền kinh tế vẫn trụ vững và có khả năng đạt được một cuộc “hạ cánh mềm”. Môi trường lạm phát giảm nhưng tăng trưởng kinh tế không sụt tốc sẽ có lợi cho giá cổ phiếu.
Theo báo cáo trên, doanh thu bán lẻ tháng 6 của Mỹ đạt hơn 704 tỷ USD, đi ngang so với tháng 5 và tăng 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, giới phân tích dự báo doanh thu bán lẻ tháng 6, giảm 0,3% so với tháng 5. Số liệu của tháng 5 được điều chỉnh lại thành tăng 0,3%, thay vì tăng 0,1% của lần công bố đầu tiên.
Phát biểu cùng ngày, Thống đốc Fed Adriana Kugler nói các số liệu kinh tế gần đây cho thấy lạm phát đang quay trở về mức mục tiêu 2% của Fed. Thị trường đang đặt cược khả năng 100% Fed sẽ bắt đầu giảm lãi suất vào tháng 9 - theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME.
Ngoài ra, thị trường còn hào hứng trước việc khả năng tái đắc cử của cựu Tổng thống Donald Trump tăng lên sau vụ ám sát hụt. Ứng cử viên tổng thống Mỹ năm 2024 của Đảng Cộng hòa có chủ trương ủng hộ các chính sách vốn được xem là thân thiện với doanh nghiệp trong nước, như nới lỏng quy chế giám sát, tăng thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu và cắt giảm thuế.
“Rõ ràng, thị trường hứng thú khi tỷ lệ ông Trump tăng lên và khả năng ông ấy có thêm một nhiệm kỳ nữa. Chúng ta đều biết sẽ có được gì từ ông Trump”, Giám đốc đầu tư Dustin Thackery của công ty Crewe Advisors nhận định với hãng tin Reuters.
Giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 1,12 USD/thùng, tương đương giảm 1,3%, chốt ở mức 83,73 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 1,15 USD/thùng, tương đương giảm 1,4%, chốt ở mức 80,76 USD/thùng.
Đây là phiên giảm thứ ba liên tiếp của giá dầu, do lo ngại sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc sẽ kéo theo nhu cầu tiêu thụ năng lượng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Dù vậy, giá dầu vẫn đang được hỗ trợ bởi triển vọng Fed sớm cắt giảm lãi suất.
“Trung Quốc tiếp tục phát đi những số liệu kinh tế ảm đạm vì các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng của nước này đến nay vẫn gây thất vọng. Nhiều nhà máy lọc dầu ở Trung Quốc đang cắt giảm hoạt động vì nhu cầu tiêu thụ xăng dầu yếu đi”, Phó chủ tịch phụ trách giao dịch của công ty BOK Financial, ông Dennis Kissler, nhận định với Reuters.
Theo báo cáo thống kê hôm thứ Hai, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Trung Quốc tăng 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng thấp nhất kể từ quý 1/2024 và thấp hơn dự báo 5,1% mà giới phân tích đưa ra.
Tuy nhiên, trong một báo cáo công bố ngày thứ Ba, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng khiêm tốn trong 2 năm tới, với kinh tế Mỹ giảm tốc, kinh tế châu Âu thoát đáy, và tiêu dùng và xuất khẩu của Trung Quốc mạnh lên.