10:16 06/08/2007

Standard Chartered nói gì về kinh tế Việt Nam?

Thuỳ Linh

Ngân hàng Standard Chartered vừa công bố bản báo cáo mang tên “Việt Nam: Tăng trưởng cao, lạm phát cao”

FDI của Việt Nam có thể đạt 10 tỷ USD trong cả năm nay, bằng một nửa tổng số vốn đầu tư trong vòng 6 năm qua.
FDI của Việt Nam có thể đạt 10 tỷ USD trong cả năm nay, bằng một nửa tổng số vốn đầu tư trong vòng 6 năm qua.
Ngân hàng Standard Chartered vừa công bố bản báo cáo mang tên “Việt Nam: Tăng trưởng cao, lạm phát cao”.

Bản báo cáo đã đưa ra những dự báo về tốc độ phát triển kinh tế cũng như những thách thức mà nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt.

Theo nhận định của các chuyên gia Standard Chartered, Việt Nam đang phát triển bền vững nhờ sự tăng trưởng của các thành tố như đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư.

Bản báo cáo dự báo rằng với những thay đổi về cơ cấu, các nhân tố tuần hoàn cùng chính sách phát triển tập trung, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển trong quý 2/2007. Mức tăng trưởng GDP có thể tăng từ 7,9% trong quý 1 lên 8,2% cho cả năm 2007 và đạt mức 8,6% vào năm 2008.

Báo cáo cũng cho biết “Việc tái đắc cử của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa qua sẽ thúc đẩy cải cách và phát triển các chính sách tiền tệ và tỉ giá hối đoái của Việt Nam. Cùng với sự tăng trưởng mạnh của xuất khẩu và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, cải cách sẽ góp phần thúc đẩy Việt Nam phát triển trong thời kỳ hậu gia nhập WTO”.

Việc Việt Nam gia nhập WTO và thiết lập Quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) với Hoa Kỳ đã mang lại một mức tăng trưởng nhất định trong xuất khẩu và thu hút vốn.

Theo ước tính ban đầu của Chính phủ, xuất khẩu trong vòng 7 tháng đầu năm 2007 tăng 19,6% so với cùng kỳ năm trước, dẫn đầu là các ngành dệt, may mặc, cà phê và linh kiện điện tử.

Các cam kết vốn FDI tăng 74%, đạt 3,9 tỉ USD nửa đầu năm 2007, hơn một nửa trong số đó được đầu tư vào sản xuất và 20% được đầu tư cho du lịch. FDI có thể đạt 10 tỷ USD trong cả năm nay, bằng một nửa tổng số vốn đầu tư trong vòng 6 năm qua.

Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cũng được hỗ trợ bởi sự phát triển tuần hoàn của tiêu dùng và đầu tư. Trong những năm gần đây, đầu tư và mức tiêu dùng cá nhân đóng góp chủ yếu vào mức tăng trưởng của GDP, và có chiều hướng tiếp tục phát triển do vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn tăng mạnh và các chính sách tiền tệ hỗ trợ tương xứng.

Bên cạnh đó, các chuyên gia của Standard Chartered cũng nêu ra một số thách thức đối với nền kinh tế của Việt Nam. Bản báo cáo đã trích dẫn lời Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng trong một bài phát biểu ngày 19/7 đã chỉ ra rằng: một trong những thách thức lớn nhất của nền kinh tế hiện nay là tăng trưởng thấp hơn dự kiến.

Các chuyên gia của Standard Chartered đã nêu ra hai nguyên nhân để lý giải về tình trạng này. Đó là do mức nhập khẩu mạnh từ việc nhu cầu cao của thị trường trong nước đã phát triển nhanh hơn xuất khẩu của Việt Nam, dẫn tới thâm hụt thương mại 5,5 tỉ USD trong 7 tháng đầu năm 2007, lớn hơn mức thâm hụt thương mại 4,8 tỉ USD trong cả năm 2006.

Do vậy, điều này đã làm giảm tăng trưởng GDP cùng kì xuống 7,9% nửa đầu năm 2007, thấp hơn mục tiêu 8,5% của Chính phủ đề ra.

Lý do thứ hai là tỉ lệ lạm phát và các chỉ số tăng trưởng tiền tệ của Việt Nam hiện đã cao hơn so khu vực. Bình quân lạm phát trong nửa đầu 2007 là 7% và hiện đang có chiều hướng gia tăng với tỉ lệ lạm phát chỉ số tiêu dùng trong tháng 7/2007 là 8,4%.

Các chuyên gia của Standard Chartered đã đưa ra dự đoán đáng chú ý về tỉ lệ lạm phát của Việt Nam trong thời gian tới, theo đó sẽ đạt mức trung bình 7,5% trong năm 2007 và 8% trong năm 2008.

Quan điểm của Standard Chartered cho rằng xu hướng gia tăng giá cả thực phẩm trên toàn cầu cũng sẽ góp phần gây ra “lạm phát do chi phí đẩy” tại Việt Nam và tăng trưởng kinh tế nhanh cũng là nhân tố gia tăng lạm phát.

Điều này tạo ra thách thức cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong định hướng chính sách và kĩ năng quản lý khả năng thanh khoản.

Bản báo cáo thừa nhận thực tế thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã nỗ lực áp dụng các biện pháp để thúc đẩy tăng trưởng và kiềm chế lạm phát.

Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu tăng gấp đôi lượng tiền dự trữ bắt buộc đối với ngân hàng từ 4-5% lên 8-10% để hạn chế tăng trưởng tín dụng, tăng lãi suất cơ bản từ 7,8% lên 8,25% từ tháng 12/2005, áp dụng các nghiệp vụ thị trường mở để kiểm soát lượng thanh khoản hàng ngày.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia của Standard Chartered, để kiềm chế lạm phát có hiệu quả và quản lý việc đồng Việt Nam đang yếu đi, cần phải có những điều chỉnh cứng rắn hơn để giải quyết vấn đề.