12:43 24/10/2013

Starbucks bắt tay vào kinh doanh chuỗi cửa hàng trà

An Huy

Đang kinh doanh cà phê phát đạt nhưng Starbucks vẫn quyết mở rộng hoạt động sang kinh doanh trà

Bên trong quán trà Teavana của Starbucks ở Manhattan, New York - Ảnh:Forbes.<br>
Bên trong quán trà Teavana của Starbucks ở Manhattan, New York - Ảnh:Forbes.<br>
Chuỗi cửa hiệu cà phê lớn nhất thế giới Starbucks vừa mới mở một quán uống trà ở thành phố New York và dự kiến sẽ tiếp tục mở thêm những cửa hiệu trà tiếp theo tại thị trường Mỹ trong thời gian tới.

Trang Forbes cho biết, vào tháng 11 năm ngoái, Starbucks đã chi 620 triệu USD để mua lại hãng bán lẻ trà Teavana. Đây là nhà bán lẻ trà chủ yếu hoạt động trong các trung tâm thương mại.

Đang kinh doanh cà phê phát đạt nhưng Starbucks vẫn quyết mở rộng hoạt động sang kinh doanh trà, một loại đồ uống được xem là “đối thủ” của cà phê. Hôm thứ Tư (23/10), CEO của Starbucks là Howard Schultz bị bắt gặp đang uống trà ở quán trà Teavana tại New York. Quán trà này sẽ chính thức khai trương vào ngày hôm nay (24/10).

Địa điểm mở quán uống trà đầu tiên này của Starbucks không thể hoàn hảo hơn. Quán trà tọa lạc ở Đại lộ Madison, thuộc khu Upper East Side tập trung toàn những người siêu giàu ở quận Manhattan của New York. Giá một cốc trà trong quán này có giá khoảng 5 USD.

Theo kế hoạch Starbucks sẽ lần lượt mở thêm các quán uống trà ngoài con số khoảng 300 cửa hiệu Teavana đã có. Các cửa hiệu cũ của Teavana chỉ bán trà khô, cùng các loại quà tặng và phụ kiện như bình pha trà, cốc chén… Ngoài đồ uống, các quán trà Teavana mới sẽ bán cả một số món ăn tốt cho sức khỏe.

Cửa hiệu trà tiếp theo sẽ được Starbucks ở thành phố Seattle ngay trước lễ Tạ ơn năm nay. CEO Schultz cho biết, ông dự kiến sẽ mở khoảng 1.000 quán trà trong vòng 5 năm tới. Các quán trà này sẽ được trang trí theo phong cách thiền, với tường màu xám và ánh sáng mờ. Mục tiêu của Starbucks là phát triển kinh doanh trà để đạt được thành công như thành công mà họ đã gặt hái được với cà phê.

Rõ ràng, CEO Schultz đang nuôi tham vọng chiếm lĩnh một vị thế trên thị trường trà nóng và lành trị giá 90 tỷ USD của toàn cầu. Đây là số liệu do hãng nghiên cứu Euromonitor đưa ra mới đây. Ở những thị trường đã bão hòa cà phê Starbucks như Nhật Bản, Trung Quốc, Canada và Anh, trà đang ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng nhiều hơn.

Trên phạm vi toàn cầu, trà là thức uống được tiêu thụ nhiều thứ nhì thế giới sau nước lọc. Ở Mỹ, tốc độ tiêu thụ cà phê vẫn lớn hơn nhiều so với trà, nhưng số người thích uống trà cũng đang tăng nhanh. Theo dữ liệu từ Hiệp hội Trà Mỹ, sự quan tâm của người Mỹ đối với trà đã tăng 16% trong 5 năm qua.

CEO Schultz không ngại kinh doanh trà sẽ ảnh hưởng xấu tới hoạt động kinh doanh hiện nay của Starbucks. Tuy nhiên, trong quán trà Teavana sẽ hoàn toàn không bán cà phê Starbucks.

Giới phân tích không tin là Starbucks có thể thành công với trà như với cà phê, nhưng họ vẫn theo dõi những động thái của hãng này. “Starbucks đang cố đưa một sản phẩm có phần buồn tẻ là trà trở nên thú vị hơn”, ông Brian Sozzi, CEO của hãng tư vấn đầu tư Belus Capital Advisors, nhận xét. “Tôi không tin là Teavana sẽ phát triển được như thương hiệu Starbucks, vì một lý do đơn giản: trà không có nhân tố caffein như cà phê”.