Sửa Bộ luật Hình sự: Nhiều vấn đề vẫn chưa ngã ngũ
Đã qua nhiều vòng thảo luận, một số vấn đề lớn của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 vẫn chưa thể ngã ngũ
Đã qua nhiều vòng thảo luận, một số vấn đề lớn của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 vẫn chưa thể ngã ngũ.
Cả ngày 3/4, dự án luật này tiếp tục được đặt lên bàn nghị sự của hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách.
Vẫn hai phương án
Tại báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình một số vấn đề lớn của dự thảo luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, qua tổng hợp ý kiến đại biểu và của các bộ, ngành, vẫn còn ý kiến khác nhau về một số vấn đề.
Và, do còn có nhiều chiều quan điểm nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến các vị đại biểu về hai phương án.
Đầu tiên, với mở rộng trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đối với tội tài trợ khủng bố, bên cạnh phương án không quy định vấn đề này, phương án có quy định dự kiến mức phạt với tội tài trợ khủng bố cao nhất là 15 tỷ đồng.
Còn pháp nhân thương mại phạm tội rửa tiền có thể bị phạt đến 5 tỷ đồng.
Cũng còn để hai phương án là quy định về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đối với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác, tội hiếp dâm và tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.
Phương án 1: giữ như dự thảo luật do Chính phủ trình, theo đó người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng mà không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng đối với 3 tội danh trên.
Phương án 2: Giữ như quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, theo đó người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì còn phải chịu trách nhiệm hình sự về cả tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng đối với 3 tội trên.
Tăng mức hình phạt để răn đe
Về tội gây ô nhiễm môi trường, theo báo cáo, nhiều ý kiến đề nghị, cần thiết phải hạ các mức định lượng xả thải cũng như số lần vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường để bảo đảm tính răn đe và phòng ngừa vì tình hình vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường đang diễn ra hết sức phức tạp, ảnh hưởng đến nhiều vùng dân cư và dư luận xã hội thời gian qua rất bức xúc về tình trạng này.
Có ý kiến cho rằng chất thải khi được thải ra môi trường (cả ở trong nước, trong không khí hoặc chất thải rắn) có nhiều thông số nguy hại khác nhau, trong đó có những chất nguy hại chỉ cần vượt quá vài lần quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhưng cũng có chất nguy hại vượt quá 10 lần quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường nhưng gây ô nhiễm môi trường không đáng kể.
Do đó, đề nghị chỉ nên quy định chung về gây ô nhiễm môi trường, còn cụ thể chất nào vượt quá quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường bao nhiêu thì Bộ luật Hình sự nên giao cho Chính phủ quy định để bảo đảm tính linh hoạt và phù hợp với thực tiễn.
Khẳng định quan điểm nhất quán của Nhà nước ta là không chấp nhận đánh đổi môi trường vì lợi ích trước mắt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định về hành vi gây ô nhiễm môi trường phải dẫn đến gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng mới xử lý về hình sự đã gây khó khăn trong thực tiễn áp dụng.
Nhưng, việc định lượng về mức xả thải, tỷ lệ chất nguy hại vượt quá quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường được quy định trong Bộ luật Hình sự 2015 quá cao, chưa phù hợp với thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường đang diễn ra nghiêm trọng, phức tạp như hiện nay và có khả năng khó áp dụng trên thực tế.
Vì thế, dự thảo luật đã được điều chỉnh lại theo hướng giảm số lần vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với nước thải có thông số môi trường nguy hại và khí thải có hàm lượng bụi hoặc khí vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Đồng thời tăng mức hình phạt để bảo đảm tính răn đe và phòng ngừa tội phạm.
Nhưng, do còn ý kiến khác nhau, cả khoản 1, 2 và 3 của điều 235 tội gây ô nhiễm môi trường đều còn hai phương án.
Mức hình phạt tù ở điều này cao nhất đến 7 năm, phạt tiền cao nhất đến 3 tỷ đồng.