21:25 04/12/2019

Sữa học đường tại tỉnh Kon Tum: Những tín hiệu tích cực

Mỹ Phương

Khi chương trình sữa học đường được triển khai tại Trường mầm non Đăk Hà (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum), không chỉ duy trì chế độ dinh dưỡng cho các con mà số trẻ đến lớp cao lên, học sinh đi học đều hơn - cô Y My, Phó Hiệu trưởng trường mầm non Đăk Hà vui mừng cho biết.

Theo cô Y My, các con trong độ tuổi từ 3-6 tuổi đang được thụ hưởng chương trình sữa học đường. 1 tuần các con được uống 3 hộp sữa vào các ngày thứ 2, thứ 4, thứ 6. Năm nay là năm thứ 2, trường thực hiện chương trình sữa học đường.Cô Y My nhớ lại, chương trình sữa học đường năm đầu tiên khi triển khai gặp nhiều khó khăn. Việc huy động số tiền đóng góp của gia đình được thực hiện 2 lần (kỳ 1 và kỳ 2). Có những gia đình đông con, hoàn cảnh khó khăn, không có tiền đóng, giáo viên đã tự bỏ tiền đóng cho các con để các con có sữa uống. Nhưng năm nay, chuyện đó không còn nữa – cô Y My chia sẻ.Có 2 người con (1 bạn 3 tuổi và 1 bạn 5 tuổi) đang theo học tại trường Mầm non Đăk Hà, chị Y Thanh, thôn Mô Pả, xã Đắk Hà cho biết, nhà chị cũng có mua sữa cho con uống nhưng với điều kiện kinh tế còn khó khăn, gia đình không thể cho con 2 con uống sữa đều hằng ngày được. Khi chương trình sữa học đường được triển khai với mức đóng góp của gia đình là 72.000 đồng/cháu/năm, chị Y Thanh cho rằng, mức đóng này rất phù hợp và gia đình có thể theo được. Chị kể, các con về nói sữa ngon lắm. Cũng nhờ uống sữa mà con ăn được, ngủ được nên gia đình rất vui.Tại tỉnh Kon Tum, hiện có 20 trường mầm non và tiểu học tại 10 xã thuộc 6 huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông, Kon Plông, Kon Rẫy, Sa Thầy và Ia H’Drai đang triển khai chương trình sữa học đường. Năm học 2017-2018 có 5.881 học sinh. Năm học 2018-2019 có 6.087 học sinh.Chia sẻ về công tác quản lý, chỉ đạo và phối hợp liên ngành khi triển khai chương trình sữa học đường, Đại diện Sở Y tế tỉnh Kon Tum cho biết, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch hành động triển khai chương trình sữa học đường tỉnh Kon tum và thành lập ban chỉ đạo chương trình sữa học đường để chỉ đạo tổ chức triển khai các hoạt động của chương trình sữa học đường trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo sở y tế phối hợp chặt chẽ với sở giáo dục và đào tạo xây dựng kế hoạch hoạt động giai đoạn 2017-2020, tổ chức hội nghị triển khai hoạt động và ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch hoạt động hàng năm và triển khai hoạt động theo kế hoạch đề ra.Trong quá trình triển khai, ngành y tế và giáo dục đã phối hợp kiểm tra, giám sát việc triển khai chương trình tại các trường học phát hiện khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động và đề ra giải pháp khắc phục, thực hiện thống kê báo cáo hoạt động theo quy định.Tại tuyến huyện và các trường học, các trung tâm y tế huyện tham gia chương trình và các trường học đã phân công lãnh đạo đơn vị phụ trách và 1 nhân lực phụ trách hoạt động chương trình sữa học đường tại đơn vị; cùng phối hợp giữa 2 ngành giáo dục và y tế trong quá trình triển khai các hoạt động của chương trình tại trường học: Lập kế hoạch, dự trù sữa; kiểm tra điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm trong khâu tiếp nhận, bảo quản và thực hành cho học sinh uống sữa; cân, đo theo dõi tình trạng dinh dưỡng của học sinh; giám sát thực hiện chương trình tại trường học… nhằm đảm bảo thực hiện tốt chương trình sữa học đường.
Các trung tâm y tế huyện đã phối hợp phòng giáo dục và đào tạo huyện hướng dẫn, hỗ trợ các trường học thực hiện tốt việc lập hồ sơ, sổ sách và theo dõi trẻ uống sữa tại trường học. Duy trì hoạt động kiểm tra thường xuyên trong thực hiện chương trình sữa học đường tại trường học và thực hiện thống kê báo cáo đầy đủ theo quy định.Về kết quả cung ứng, giao nhận và bảo quản sữa tại trường học, công ty cung ứng sữa thực hiện giao sữa tại trường học định kỳ 1 lần/tháng. Trong giai đoạn đầu khi triển khai chương trình (năm học 2017-2018), việc giao sữa có đôi lúc bị gián đoạn. Đến năm học 2018-2019, công tác cung ứng sữa đi vào ổn định, sữa được giao cho các trường học đúng thời gian, đầy đủ về số lượng sữa và đảm bảo các điều kiện về chất lượng (bao bì, nhãn mác, tình trạng vỏ hộp sữa).Tại trường học, sữa được bảo quản trên các tủ, kệ đặt trong phòng có mái che, tránh ánh sáng trực tiếp, tránh côn trùng, động vật… Tuy nhiên, vẫn có một số điểm trường lẻ tại thôn, điều kiện cơ sở vật chất, phòng ốc chưa đảm bảo cho việc bảo quản sữa qua đêm tại trường. Từ tháng 12/2017 đến hết tháng 5/2019, 20 trường học tham gia chương trình đã tổ chức cho học sinh uống sữa đầy đủ theo định kỳ 3 hộp/tuần 9 tháng của năm học, số lượng sữa đã sử dụng trong 2 năm 1039731 hộp. Các trường đã xây dựng kế hoạch cụ thể đến từng lớp, cấp phát sữa theo kế hoạch và tổ chức cho học sinh uống sữa tại lớp theo đúng quy định, đảm bảo về công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, lưu đầy đủ hồ sơ theo dõi trong quá trình thực hiện.Nguồn kinh phí mua sữa cho học sinh được huy động từ 3 nguồn: ngân sách địa phương đảm bảo 60%, đơn vị cung ứng sữa hỗ trợ 30% và huy động phụ huynh đóng góp 10%. Việc vận động phụ huynh tham gia đóng góp 10% kinh phí mua sữa nhìn chung đã được thực hiện theo kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, có một số ít phụ huynh học sinh còn gặp khó khăn trong thực hiện, đóng góp kinh phí chậm (huyện Tu Mơ Rông, Kon Plông) và có một số học sinh mồ côi, gia đình neo đơn gặp khó khăn, giáo viên chủ nhiệm phải thực hiện đóng góp (huyện Sa Thầy, 18 học sinh).Để đánh giá hiệu quả chương trình, các trường học đã phối hợp Trạm Y tế, Trung tâm y tế tổ chức cân, đo đánh giá tình trạng dinh dưỡng của học sinh được thụ hưởng chương trình khi bắt đầu triển khai (tháng 12/2017 và tháng 1/2018) sau đó, định kỳ thực hiện cân, đo 1 lần/học kỳ. Qua 2 năm thực hiện, tỷ lệ suy dinh dưỡng cân nặng/tuổi giảm 3,55%, tỷ lệ suy dinh dưỡng chiều cao/tuổi giảm 0,97%.