09:37 02/06/2009

Sửa Luật Sở hữu trí tuệ: Sợ luật sư “treo niêu”

Nguyên Hà

Nhiều đại biểu lo ngại quy định tại dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ quá mở

Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ - Ảnh: TTXVN
Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ - Ảnh: TTXVN
Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ quy định một trong những điều kiện để được  kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp là phải có tư cách pháp lý độc lập. Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng không cần quy định như vậy vì sẽ thu hẹp phạm vi các tổ chức được kinh doanh dịch vụ này.

Thảo luận tại hội trường sáng 1/6, một số vị đại biểu đã chỉ ra những bất cập của dự án luật,  một số quy định vượt quá cam kết quốc tế. Có ý kiến đề nghị chưa thông qua ở kỳ họp này.

Người điều hành phiên họp cũng bày tỏ rất tiếc trong cơ quan chủ trì soạn thảo không có đại diện tham dự để trao đổi, tranh luận thêm về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Song, đề nghị Quốc hội vẫn cho tiếp tục xem xét thông qua dự án luật tại kỳ họp này như chương trình Quốc hội đã thông qua .

Nhiều luật sư Việt Nam sẽ “treo niêu”

Luật gia Nguyễn Đăng Trừng (Tp.HCM) lo ngại nhiều luật sư sẽ “treo niêu” nếu quy định các chi nhánh và văn phòng đại diện của công ty luật nước ngoài mặc dầu không có tư cách pháp lý độc lập vẫn được quyền làm dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp để nộp đơn trực tiếp ở Cục Sở hữu trí tuệ.

Vì hiện nay, dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp chính là một “nồi cơm” của các luật sư.

Đại biểu Vũ Thị Phương Anh (Quảng Nam) cũng cho rằng, thị trường dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp ở nước ta hiện nay đa phần là khách nước ngoài, vì vậy đơn đăng ký của người nước ngoài chiếm tỷ lệ rất lớn và bắt buộc phải nộp qua đại diện.

“Nếu các công ty luật nước ngoài không thành lập pháp nhân tại Việt Nam chỉ mở chi nhánh hoặc văn phòng đại diện mà được phép cung cấp dịch vụ này thì nguy cơ việc làm của các tổ chức Việt Nam sẽ bị chuyển dịch phần lớn sang các tổ chức ở nước ngoài”, vị đại biểu này nói.

Nhấn mạnh là “được sự ủy nhiệm của lãnh đạo Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam và Hội Luật gia Việt Nam”, đại biểu Phạm Quốc Anh (Đồng Nai) góp ý rất cần thiết phải bổ sung quy định làm rõ chỉ có những tổ chức có tư cách pháp lý độc lập mới được hoạt động đại diện sở hữu công nghiệp. Và quy định này không trái với những điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Thời hạn bảo hộ quyền tác giả: 75 năm là quá dài

Theo quy định của luật hiện hành, thời hạn bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan đối với tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, sân khấu, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh và quyền của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng là 50 năm. Dự thảo Luật sửa đổi theo hướng dự kiến xác định các thời hạn này là 75 năm.

Cơ quan soạn thảo cho rằng, giữ nguyên thời hạn bảo hộ thì công dân và pháp nhân Việt Nam là bên bị thiệt hại trong hội nhập vì Việt Nam vẫn phải bảo hộ 75 năm cho công dân, pháp nhân Hoa Kỳ và các nước thành viên khác của WTO.

Uỷ ban Pháp luật tán thành vì cho rằng việc nâng thời hạn bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan là cần thiết, một mặt bảo đảm lợi ích của các chủ thể, khuyến khích lao động sáng tạo. Mặt khác tạo sự bình đẳng giữa công dân, tổ chức Việt Nam với công dân, tổ chức các nước có quan hệ điều ước với Việt Nam.

Tuy nhiên, đại biểu Vũ Hồng Anh (Hà Nội) và nhiều đại biểu khác đề nghị  giữ nguyên thời hạn 50 năm. Vì, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, đảm bảo cho tác giả hưởng thù lao xứng đáng nhưng cũng phải đảm bảo được quyền hưởng thụ văn hóa của công chúng

“Thời hạn bảo hộ 50 năm còn đảm bảo cho một bộ phận đông đảo nhân dân sớm được tiếp cận với những tác phẩm văn hóa, nghệ thuật có giá trị. Hơn nữa, chính quần chúng là nguồn cảm hứng sáng tạo cho những tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị cao”, vị đại biểu này nhấn mạnh.

Đồng tình với đại biểu Hồng Anh,  đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) nhận thấy còn hàng loạt quy định quan trọng khác cần phải sửa đổi bổ sung nhưng chưa được phát hiện trong quá trình chuẩn bị dự án luật sửa đổi lần này. Ngược lại có những quy định không cần phải sửa nhưng lại được sửa, đề nghị sửa, hoặc sửa chưa phù hợp, có những điều sửa quy định vượt quá cam kết quốc tế. Làm như vậy có thể gây cho Việt Nam những khó khăn, bất lợi về nhiều mặt ngay cả khi Việt Nam có khả năng thực hiện đầy đủ các quy định đó.

“Việt Nam chúng ta là nước nhập khẩu trí tuệ, không phải nước xuất khẩu trí tuệ. Cho nên những việc sửa lần này làm sao có lợi nhất cho lợi ích của quốc gia, dân tộc và của nhân dân”, ông Minh nói.