02:09 28/02/2007

“Việt Nam đã có bước tiến lớn trong thực thi quyền sở hữu trí tuệ”

Tùy Phong

VnEconomy trao đổi với ông Markus Cornaro, Trưởng phái đoàn Ủy ban Châu Âu (EC) tại Việt Nam quanh vấn đề quyền sở hữu trí tuệ

"Một thực tế là thực thi quyền sở hữu trí tuệ là việc khó không chỉ với riêng Việt Nam".
"Một thực tế là thực thi quyền sở hữu trí tuệ là việc khó không chỉ với riêng Việt Nam".
VnEconomy trao đổi với ông Markus Cornaro, Trưởng phái đoàn Ủy ban Châu Âu (EC) tại Việt Nam quanh vấn đquyền sở hữu trí tuệ.

Ông đánh giá như thế nào về tình hình thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam hiện nay?

Trong thời gian qua, theo tôi, Việt Nam đã có bước tiến lớn trong thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Đơn cử, trong năm 2006 Việt Nam thực hiện Luật Sở hữu trí tuệ mới và ban hành các văn bản dưới luật cũng như việc gia nhập công ước quốc tế quan trọng như Nghị định thư Madrid và Công ước UPOV. Quá trình này diễn ra một cách nhanh chóng và mạnh mẽ tại quốc gia của các bạn.

Trước đây, khi có ý định hợp tác với Việt Nam trong việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ, chúng tôi đã có những nghiên cứu cơ bản về tình hình sở hữu trí tuệ ở Việt Nam. Kết quả, bức tranh về vấn đề này khi đó không lấy gì làm sáng sủa.

Có thể kể tới như 92% phần mềm ở Việt Nam bị sao chép, 8% lượng thuốc ở Việt Nam là thuốc giả, các loại dầu gội đầu, mỹ phẩm, các loại phụ tùng xe máy giả được bày bán công khai,.. Hệ quả các sản phẩm không an toàn cho người tiêu dùng và phải trả giá rất lớn về mặt kinh tế.

Tuy nhiên, Việt Nam đã nhận thức được vấn đề này và hành động bằng những cam kết mạnh mẽ về sở hữu trí tuệ cũng như tiến hành phạt rất cao đối với các loại hàng kém chất lượng. Đó cũng là lý do để chúng tôi quyết định có những hợp tác với Việt Nam trong việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

Theo ông, đâu là khó khăn mà Việt Nam phải đương đầu trong việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ, và vấn đề sở hữu trí tuệ đặt ra cho doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là như thế nào?

Một thực tế là thực thi quyền sở hữu trí tuệ là việc khó không chỉ với riêng Việt Nam, khi ở các nền kinh tế đang phát triển nạn copy bản quyền, copy các mẫu thiết kế,…đang ngày càng phổ biến, do quá trình toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ và nhanh chóng.

Các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư hoặc đưa ra các thiết kế vào Việt Nam, họ muốn chắc rằng sẽ không có bất cứ nạn vi phạm bản quyền nào tới tài sản về mặt trí tuệ của họ. Khi điều này được đảm bảo họ mới có thể chia sẻ các công nghệ với Việt Nam và nghĩa là Việt Nam thu hút được đầu tư.

Khi Việt Nam bắt đầu chuyển đổi từ việc sản xuất các loại hàng hóa giá trị gia tăng thấp sang hàng hóa có giá trị gia tăng cao, thậm chí là hàng hóa có hàm lượng công nghệ, các nhà đầu tư quốc tế sẽ chú ý nhiều hơn đến vấn đề bản quyền ở Viêt Nam.

Chính quá trình chuyển đổi như vậy, đòi hỏi doanh nghiệp phải sử dụng các công nghệ hiện đại, và hệ quả là vấn đề bản quyền phải được đặt ra. Các doanh nghiệp của Việt Nam phải chứng minh được bản thân họ không vi phạm bản quyền.

Thời gian qua, Chương trình EC-ASEAN về quyền sở hữu trí tuệ (ECAP II) đã có một số hoạt động tại Việt Nam về sở hữu trí tuệ, ông có thể cho biết kết quả về những hoạt động ECAP II tại Việt Nam?

Khởi động cách đây ba năm, ECAP II đã tiến hành nhiều hoạt động tại Việt Nam, song tôi đánh giá cao hiệu quả hoạt động hợp tác trong năm 2006.

Năm qua, ECAP II thực hiện 30 hoạt động liên quan tới các lĩnh vực hợp tác và thực thi quyền sở hữu trí tuệ với sự tham gia của các cơ quan hữu quan của Việt Nam. Tôi cũng rất ấn tượng với sự tham gia của Tổng cục Hải quan và Cục Cảnh sát Điều tra Tội phạm về Trật tự quản lý kinh tế và một số cơ quan nghiên cứu của Việt Nam.

Và ngay đầu năm 2007, chúng tôi cùng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) khai trương Trung tâm Huấn luyện về sở hữu trí tuệ, đồng thời ECAP II trao tặng một số thiết bị máy tính nhằm phục vụ cho công tác quản lý và thực thi quyền sở hữu trí tuệ cho một số cơ quan sở hữu trí tuệ khác ở Việt Nam. Tôi cho rằng đây là hoạt động đáng chú ý và có ý nghĩa nhất.

ECAP II dự định sẽ kết thúc vào 12/2006, tuy nhiên nay gia hạn đến 12/2007, vậy sau chương trình này EC có bước tiếp theo nào hỗ trợ Việt Nam về sở hữu trí tuệ?

Tôi chắc chắn là khi ECAP II kết thúc sẽ vẫn có nhiều chương trình hợp tác khác vì chúng tôi đang tìm nguồn lực, có thể sẽ là ECAP III. Sở hữu trí tuệ sẽ tiếp tục là chương trình hợp tác khu vực giữa EC với các nước ASEAN và Việt Nam sẽ nằm trong khuôn khổ hợp tác này.