Sửa Nghị định về kinh doanh xăng dầu: Mấu chốt là xử lý cơ chế giá bán lẻ xăng dầu
Với cách thiết kế quy định như hiện nay, khi giá bán lẻ điều hành thấp hơn chi phí thì khoản âm này chủ yếu sẽ đổ vào doanh nghiệp bán lẻ, bởi doanh nghiệp bán buôn có quyền chủ động giá bán buôn và không bị xử phạt khi ngừng bán hàng. Do đó, mấu chốt vấn đề vẫn là xử lý cơ chế giá bán lẻ xăng dầu…
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu.
CAN THIỆP VÀO THỊ TRƯỜNG MỘT CÁCH NỬA VỜI
Trong văn bản, VCCI nêu rõ, thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp bán lẻ phản ánh tình trạng chiết khấu bán lẻ bằng 0 hoặc thậm chí âm. Điều này khiến các cửa hàng bán lẻ không muốn bán hàng, nhưng buộc phải bán vì nếu không sẽ bị cơ quan chức năng xử phạt.
Cần lưu ý rằng trong trường hợp giá bán lẻ điều hành thấp hơn toàn bộ chi phí của chuỗi cung ứng thì các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng sẽ không có động lực để kinh doanh. Nhà nước yêu cầu các doanh nghiệp buộc phải kinh doanh để cung cấp xăng dầu cho nền kinh tế thì khoản âm chi phí lớn hơn giá bán này chắc chắn sẽ do một chủ thể nào đó trong chuỗi cung ứng gánh chịu.
Theo VCCI, với cách thiết kế quy định như hiện nay, khi giá bán lẻ điều hành thấp hơn chi phí thì khoản âm này chủ yếu sẽ đổ vào doanh nghiệp bán lẻ bởi doanh nghiệp bán buôn có quyền chủ động giá bán buôn và không bị xử phạt khi ngừng bán hàng. Do đó, mấu chốt vấn đề vẫn là xử lý cơ chế giá bán lẻ xăng dầu.
Nhiều doanh nghiệp kiến nghị với VCCI để kiến nghị Chính phủ và Bộ Công Thương là phải quy định mức chiết khấu tối thiểu cho các cửa hàng bán lẻ. Về vấn đề này, Bộ Công Thương đưa ra hai phương án.
Phương án 1 là không quy định cụ thể mức chiết khấu.
Phương án 2 là quy định mức chiết khấu tối thiểu trong kinh doanh xăng dầu.
Bộ Công Thương lựa chọn phương án 1 với lý do đây là quan hệ dân sự, giành quyền chủ động cho các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, cần thấy rõ rằng với cách thức này thì Nhà nước đang can thiệp vào thị trường một cách nửa vời. Một mặt Nhà nước tôn trọng quan hệ dân sự bằng cách không quy định chiết khấu tối thiểu hay giá bán buôn tối đa và không xử phạt bên bán buôn khi dừng bán hàng. Mặt khác, Nhà nước lại can thiệp vào quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp bán lẻ bằng cách quy định giá bán lẻ tối đa và xử phạt khi cửa hàng bán lẻ ngừng bán. Chính sự thiếu nhất quán trong chính sách này đã gây ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng xăng dầu lan rộng trên cả nước trong thời gian qua.
Với lý do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh quy định theo hướng.
Thứ nhất, trong trường hợp Nhà nước không can thiệp vào giá, để cung cầu thị trường quyết định giá, thì không quy định mức chiết khấu bán lẻ tối thiểu.
Thứ hai, trong trường hợp Nhà nước tiếp tục can thiệp vào giá bán lẻ thì cần đồng thời điều hành chiết khấu tối thiểu (hoặc giá bán buôn tối đa) để bảo đảm đồng bộ cơ chế quản lý.
CHO PHÉP CÁC ĐẠI LÝ BÁN LẺ XĂNG DẦU ĐƯỢC LẤY TỪ NHIỀU NGUỒN
Theo dự thảo Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương đưa ra hai phương án, không cho phép (phương án 1) và cho phép (phương án 2) các cửa hàng bán lẻ xăng dầu được lấy hàng từ nhiều nguồn.
Về vấn đề này, VCCI đề nghị lựa chọn phương án 2, cho phép cửa hàng bán lẻ được lấy xăng từ nhiều nguồn. Mặc dù cũng thống nhất lựa chọn phương án 2, nhưng trong Tờ trình, Bộ Công Thương vẫn thể hiện sự lo ngại nếu quy định như vậy sẽ trái Luật Thương mại, khó kiểm soát chất lượng xăng dầu và không có đơn vị chịu trách nhiệm cung cấp xăng cho cửa hàng bán lẻ khi nguồn cung khan hiếm.
Tuy nhiên, theo VCCI các lo ngại này không thực sự thoả đáng.
Thứ nhất, quy định này trái Luật Thương mại là do Nghị định 95 và 83 đã ấn định rằng cửa hàng bán lẻ chỉ có thể bán theo hình thức giao nhận đại lý. Trong khi đó, việc bán lẻ các mặt hàng có thể được thực hiện theo nhiều hình thức khác nhau theo thoả thuận của các bên, trong đó có hình thức đại lý, hình thức nhượng quyền và hình thức mua đứt bán đoạn.
“Việc Nghị định 95 và 83 không cho phép các cửa hàng bán lẻ kinh doanh theo hình thức mua đứt bán đoạn là trái với quyền tự do kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp và Luật Thương mại”, VCCI nêu rõ.
Thứ hai, chất lượng xăng dầu vẫn có thể kiểm soát tốt mà không cần giới hạn quan hệ phân phối 1:1. Hiện nay, mỗi khi giao xăng dầu từ xe bồn cho các cửa hàng bán lẻ, các bên luôn tiến hành lấy và lưu mẫu hàng hoá. Nếu chất lượng xăng dầu bán cho người tiêu dùng có vấn đề thì luôn có thể kiểm tra lại các mẫu xăng trên, truy nguồn để xác định trách nhiệm của các bên. Hơn nữa nhiều nhà phân phối xăng dầu đang nhập hàng từ nhiều đầu mối nên việc yêu cầu cửa hàng bán lẻ chỉ được nhập từ một nguồn không có nhiều ý nghĩa.
Thứ ba, lo ngại cho phép cơ sở bán lẻ nhập hàng của nhiều nguồn sẽ dẫn đến không có đơn vị phân phối chịu trách nhiệm cung cấp xăng dầu là không có căn cứ. Hiện nay, các đơn vị bán buôn khi thiếu nguồn hoặc muốn găm hàng vẫn dừng cung cấp hàng cho đơn vị bán lẻ (bằng cách nâng giá bán buôn lên hay cắt chiết khấu xuống) mà pháp luật không có cách nào hạn chế tình trạng này. Thêm vào đó, khi cho phép nhập hàng của nhiều nhà cung cấp thì bên bán lẻ chủ động hơn và rủi ro đứt gãy nguồn cung giảm đi.
Về vấn đề này, VCCI cho rằng cần cân nhắc điều chỉnh theo hướng cho phép cửa hàng bán lẻ được lựa chọn hình thức kinh doanh, có thể làm đại lý hoặc nhận nhượng quyền cho một thương nhân phân phối, hoặc làm có thể lựa chọn hình thức mua đứt bán đoạn.
Trong trường hợp cửa hàng bán lẻ làm đại lý hoặc nhận nhượng quyền thì chỉ được nhập hàng của một thương nhân phân phối. Thương nhân phân phối sẽ chịu trách nhiệm về chất lượng và giá cả hàng hoá theo quy định pháp luật.
Trong trường hợp cửa hàng bán lẻ lựa chọn hình thức mua đứt bán đoạn thì cho phép nhập hàng của nhiều đơn vị bán buôn. Lúc này, cửa hàng bán lẻ sẽ chịu trách nhiệm về chất lượng và giá cả của hàng hoá theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, VCCI đề xuất sửa đổi quy định mẫu Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh bán lẻ xăng dầu theo hướng bỏ nội dung ghi tên đơn vị bán buôn cho cửa hàng bán lẻ.
Đối với quyền và nghĩa vụ của thương nhân phân phối và tổng đại lý, Bộ Công Thương dự định sẽ bổ sung quy định thương nhân phân phối chỉ được phép nhập hàng của 03 thương nhân đầu mối và không được lấy hàng từ thương nhân phân phối khác. Quy định này được thuyết minh là nhằm gắn trách nhiệm của thương nhân đầu mối cung cấp hàng cho các thương nhân phân phối khi nguồn cung xăng dầu khó khăn.
VCCI cho rằng lo ngại này là không thực sự cần thiết. Nếu bối cảnh nguồn cung xăng dầu gặp khó khăn thì việc các thương nhân đầu mối ưu tiên bán hàng trong hệ thống của mình hay bán cho các thương nhân phân phối khác cũng không làm thay đổi tổng thể nguồn cung trên thị trường.
Để xử lý vấn đề các bên găm hàng thì cần tăng tính linh hoạt của thị trường nhằm tạo thuận lợi cho các thương nhân chuyển hàng từ nơi thừa đến nơi thiếu, chứ không nên hạn chế, cản trở chuỗi phân phối. Quan trọng hơn là chính sách cần xử lý vấn đề giá cả để các bên có động lực kinh doanh. Còn nếu nguồn cung thế giới đã thiếu hoặc giá bị định quá thấp thì thương nhân đầu mối bán hàng cho ai cũng không có nhiều khác biệt.