06:00 25/01/2023

Thị trường xăng dầu: Một năm “dị biệt”

Mạnh Đức

“Cú sốc” xăng dầu trong năm 2022 đã tạo ra một khái niệm mới: “dị biệt”. Chính sự dị biệt chưa từng có tiền lệ này đã khiến các cơ quan quản lý lúng túng, chậm trễ trong việc đưa ra đối sách ứng phó hiệu quả với diễn biến nhanh, phức tạp của thị trường quốc tế và trong nước. Hậu quả là các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đua nhau báo lỗ, còn người dân thì “rồng rắn” xếp hàng chờ mua từng lít xăng...         

Bộ Công Thương đã đưa ra hai kịch bản dự kiến về phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2023.
Bộ Công Thương đã đưa ra hai kịch bản dự kiến về phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2023.

Trong hơn 40 năm qua, thế giới đã chứng kiến những cuộc khủng hoảng năng lượng như: khủng hoảng dầu lửa 1973 – 1975; cách mạng Iran và biến động thị trường dầu lửa năm 1979; giá dầu tụt thê thảm vào những năm 1980; cơn sốt giá dầu năm 1990; giá dầu xuống dốc năm 2001; đợt khủng hoảng giá dầu nghiêm trọng năm 2007 - 2008 và cú sốc dầu lửa năm 2011.

THẾ GIỚI CHAO ĐẢO VÌ NHIÊN LIỆU

Tuy nhiên, khi so sánh với những cuộc khủng hoảng đã xảy ra trong lịch sử, các chuyên gia năng lượng đều cho rằng khủng hoảng năng lượng nói chung của năm 2022 và khủng hoảng về xăng dầu nói riêng rất khác biệt do bị tác động bởi nhiều nhiều yếu tố, nhất là yếu tố chính trị cộng với thực tế diễn ra sau hai năm dịch Covid-19, cộng hưởng với nền kinh tế thế giới suy giảm sau thời gian dịch bệnh có cơ cấu phục hồi.

Đặc biệt, trong cuộc khủng hoảng này có sự chuyển dịch về cơ cấu năng lượng. Đó là khí gas vốn chủ yếu cung cấp cho các nhà máy điện ở nước châu Âu, nhưng do ảnh hưởng của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine từ đầu năm 2022 đã tác động trực diện đến cơ cấu năng lượng này và ảnh hưởng đến khủng hoảng lớn về dầu.

Khi so sánh với những cuộc khủng hoảng đã xảy ra trong lịch sử, các chuyên gia năng lượng đều cho rằng khủng hoảng năng lượng nói chung của năm 2022 và khủng hoảng về xăng dầu nói riêng rất khác biệt do bị tác động bởi nhiều nhiều yếu tố.
Khi so sánh với những cuộc khủng hoảng đã xảy ra trong lịch sử, các chuyên gia năng lượng đều cho rằng khủng hoảng năng lượng nói chung của năm 2022 và khủng hoảng về xăng dầu nói riêng rất khác biệt do bị tác động bởi nhiều nhiều yếu tố.

Dù cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu không hẳn bắt nguồn từ cuộc xung đột Nga – Ukraine, nhưng đây lại là nguyên nhân khiến tình hình trở nên trầm trọng hơn. Chiến sự cùng các biện pháp trừng phạt của phương Tây và sự trả đũa của Nga đã dẫn đến sự đổ vỡ trong các mối quan hệ cung cấp dầu khí vốn đã tồn tại trong nhiều thập niên, tạo áp lực đè nặng với nguồn cung dầu khí toàn cầu.

Theo ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, đây là cuộc khủng hoảng có những “dị biệt”. Thứ nhất, giá dầu thô có lúc lên rất cao và xuống cũng rất thấp. Nhưng vấn đề quan trọng hơn là cơ cấu sản phẩm xăng dầu bị ảnh hưởng bởi tác động này.

Do đó, chỉ một mặt hàng dầu diezel là phải thay thế giá gas. Chính vì thế, có những thời điểm giá dầu diezel vọt lên cao nhất mọi thời đại. Giá dầu diezel cộng thêm các loại chi phí, phụ phí có thời điểm lên cao nhất tới gần 200 USD/thùng. Thứ hai, mức độ tăng, tần suất tăng, giảm là cực kỳ lớn. Cụ thể, trong 1 ngày, giá dầu có thể biển động 10-12 USD trên một phiên giao dịch. Trong khi trước đây, chu kỳ này phải mất 15-20 ngày thậm chí 1 tháng.

VIỆT NAM KHÔNG PHẢI NGOẠI LỆ

Không nằm ngoài vòng xoáy, Việt Nam cũng chịu tác động mạnh từ cuộc khủng hoảng. Dù nguồn cung xăng dầu trong nước được đảm bảo gần 80% nhu cầu tiêu thụ, chỉ nhập khẩu hơn 20%, nhưng thực tế, mức chi ngoại tệ nhập khẩu xăng dầu thành phẩm và dầu thô phục vụ các nhà máy lọc dầu sản xuất xăng dầu hàng năm vẫn rất lớn.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 10 tháng năm 2022, Việt Nam nhập khẩu gần 10 triệu tấn dầu thô, trị giá gần 6,5 tỷ USD, tăng 20,3% về lượng và tăng 60,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Ngoài ra, cả nước còn nhập trên 7,1 triệu tấn xăng dầu, trị giá 7,34 tỷ USD, tăng lần lượt 22,8% và 123,8% so với cùng kỳ.

Thị trường xăng dầu: Một năm “dị biệt” - Ảnh 1

Nói về con số này, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết Việt Nam đang nhập khẩu hơn 20% nguồn cung xăng dầu thành phẩm, nhưng còn nhập một lượng lớn dầu thô (khoảng 50%) làm nguyên liệu để phục vụ sản xuất xăng dầu tại 2 nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn. Do Việt Nam nhập dầu thô, nên vẫn đang phải lệ thuộc vào thị trường thế giới. Như vậy tính ra, Việt Nam vẫn đang phải nhập trên dưới 70% xăng dầu nguyên liệu và xăng dầu thành phẩm.

Trong điều kiện thị trường thuận lợi, việc phải nhập một lượng lớn dầu thô phục vụ các nhà máy lọc dầu trong nước là việc bình thường, thậm chí khi nhập về còn có lợi về kinh tế. Nhưng trong bối cảnh khủng hoảng nguồn cung hiện nay, giá dầu thế giới leo thang, bất ổn, các nhà máy lọc dầu không phải cứ muốn nhập khẩu là nhập được, rủi ro vì thế cũng nhiều hơn.

Thực tế, ngay từ những tháng đầu năm 2022, ngành xăng dầu trong nước đã gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, ngay sau khi bùng phát xung đột Nga - Ukraine,  giá xăng dầu tăng chóng mặt. Chỉ từ tháng 2 đến tháng 6, giá xăng dầu tăng khoảng 60% - 70% so với trước đó. Từ tháng 7 trở đi, giá xăng lại giảm xuống 20% rồi sau tăng 7% - 8%, thể hiện sự biến động quá nhanh của thị trường, thậm chí thay đổi hàng ngày lên xuống rất nhanh.

Thị trường diễn biến rất phức tạp, biến động bất thường với biên độ lớn và kéo dài chưa từng có tiền lệ. Trong khi đó, theo ông Phạm Văn Thanh, Chủ tịch Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), nhiều quyết định chính sách Nhà nước không theo kịp diễn biến “dị biệt” của thị trường xăng dầu dẫn đến tình trạng không phản ánh đủ giá vốn khiến doanh nghiệp nhập hàng về đến cảng càng lỗ.

Cũng chính vì nhiều doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ nên nhiều nơi xuất hiện tình trạng thiếu hụt xăng dầu. Ban đầu chỉ xuất hiện tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, nhưng sau đó lan dần ra các tỉnh phía Bắc, rồi lan rộng ra cả nước.

Tình hình nguy cấp tới mức, Bộ Công Thương đã phải tổ chức nhiều cuộc họp khẩn cấp với các bộ ngành, hiệp hội liên quan và các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu nhằm tìm cách tháo gỡ, đồng thời quyết liệt chỉ đạo hai nhà máy lọc hóa dầu trong nước tăng tối đa công suất nhằm đảm bảo cung ứng xăng dầu cho thị trường.

Bộ Tài Chính cũng đã kiến nghị và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý giảm thuế môi trường đối với xăng dầu tới hai lần (tháng 4/2022 và đầu tháng 7/2022). Bên cạnh đó, Bộ Tài chính điều chỉnh chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam tăng thêm 60 - 660 đồng/lít/kg (tùy theo từng mặt hàng) nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Cho đến ngày 11/11/2022, sau cuộc họp khẩn của lãnh đạo Chính phủ với các bộ, ngành, doanh nghiệp về công tác điều hành xăng dầu, tình hình cung ứng xăng dầu đã ổn định trở lại.

NĂM 2023: VẪN LO THIẾU XĂNG DẦU 

“Sức nóng” xăng dầu đã tạm lắng, nhưng nỗi lo vẫn còn đó. Tại hội nghị công tác chuẩn bị Tết và bình ổn thị trường dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, ông Đỗ Thắng Hải thông tin từ ngày 5/12/2022, các nước EU đã áp giá trần với xăng dầu của Nga. Điều này có thể dẫn đến Nga tìm nguồn khách hàng khác và phía EU đi tìm nguồn cung khác, khiến thị trường xăng dầu sẽ có những biến động khó lường. Trong khi với lượng tiêu thụ hiện nay, Việt Nam không phải là đối tượng ưu tiên cho nhập khẩu xăng dầu.

“Việt Nam đang phụ thuộc 20-25% xăng dầu thành phẩm nhập khẩu, không phải đối tượng ưu tiên để các nhà cung cấp lớn trên thế giới lựa chọn để bán. Trong khi đó, với nguyên liệu dầu thô, 100% đầu vào lọc dầu Nghi Sơn là nhập khẩu, 50 - 60% đầu vào của Dung Quất cũng nhập khẩu. Việc phụ thuộc nhập nguyên liệu ảnh hưởng tới nguồn cung xăng dầu của Việt Nam trong thời gian tới”, ông Đỗ Thắng Hải lưu ý.

Hơn nữa, theo ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn sẽ thực hiện bảo dưỡng lớn vào tháng 5, tháng 6/2023 nên dự kiến sẽ giảm sản lượng từ 1-1,2 triệu m3. Dù nhà máy hiện chạy công suất trên 110%, có thể cung ứng đến hết quý 1/2023, nhưng lo ngại nhất là nguồn đầu vào, nhập khẩu nguồn dầu thô phục vụ sản xuất trong nước đang rất khó khăn.

Không chỉ có vậy, một số chuyên gia cho rằng cơ chế điều hành, bình ổn giá được thực hiện theo Nghị định số 95/2021/CP vẫn còn bất cập, trong khi việc bám sát thực tiễn để điều hành đảm bảo nguyên tắc tính đủ, tính đúng chưa chủ động, còn thời điểm thiếu linh hoạt, nhất là sự phối hợp giữa các bộ ngành.

Tại cuộc họp về kế hoạch phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2023, Bộ Công Thương đã đưa ra hai kịch bản dự kiến về phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2023; kịch bản 1; tỷ lệ tăng trưởng 10% so với năm 2022, tương đương 25 triệu 900.000m3; kịch bản 2; tăng trưởng 15%, tương đương 26 triệu 760.000m3. Sản lượng này sẽ được phân bổ từng tháng, quý. Mỗi tháng, quý căn cứ vào số liệu thực hiện trên phần mềm quản lý sẽ áp dụng từ 1/1/2023 để có điều chỉnh phù hợp.

“Trong kế hoạch phân giao này, Bộ yêu cầu các doanh nghiệp tách bạch tương đối giữa sản lượng nhập khẩu và mua hàng sản xuất trong nước. Nếu doanh nghiệp nào không có đủ năng lực thì liên kết với nhau để nhập. Từng doanh nghiệp phải có sản lượng nhập để khẳng định trong mọi tình huống có nguồn cung ra thị trường”, Bộ trưởng nhấn mạnh, đồng thời cho biết Bộ Công Thương đã gửi Thủ tướng Chính phủ tờ trình đề nghị xây dựng nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2021/CP và Nghị định 83/2014/CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số đặc biệt Xuân Quý Mão phát hành ngày 23-01-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Thị trường xăng dầu: Một năm “dị biệt” - Ảnh 2