Sức mạnh thương hiệu mang lại lợi gì cho VPBank?
Trở thành một trong 500 ngân hàng có sức mạnh và giá trị thương hiệu lớn nhất thế giới đã mang lại lợi thế không nhỏ cho VPBank trên thị trường tài chính
Trở thành một trong 500 ngân hàng có sức mạnh và giá trị thương hiệu lớn nhất thế giới đã mang lại lợi thế không nhỏ cho VPBank trên thị trường tài chính, nhất là khi ngân hàng này đang tập trung ngày càng nhiều vào phân khúc bán lẻ.
Cú bật thương hiệu VPBank
Báo cáo xếp hạng 500 thương hiệu ngân hàng giá trị nhất thế giới, được Brand Finance công bố cách đây ít lâu, cho thấy, nỗ lực nâng cao hình ảnh thương hiệu của các ngân hàng Việt Nam trong những năm qua đã mang lại những trái ngọt.
Có tới 4 ngân hàng Việt được xếp hạng vào trong danh sách này, và tất cả đều có sự thăng hạng khá ấn tượng trong năm qua. Trong đó, có 3 cái tên rất quen thuộc, là Vietinbank, BIDV và Vietcombank, lần lượt đứng ở các vị trí 242, 307 và 325.
Đây đều là những ngân hàng quốc doanh quy mô lớn ở Việt Nam, lại đã từng lọt vào Top 500 từ những năm trước, nên không gây bất ngờ. Gây bất ngờ chính là VPBank, ngân hàng tư nhân đầu tiên có giá trị thương hiệu được xếp vào nhóm 500 thương hiệu mạnh toàn cầu.
Giá trị thương hiệu VPBank được Brand Finance định giá là 354 triệu USD. Chỉ số xếp hạng thương hiệu (Brand rating) của ngân hàng được xếp loại A, trong thang xếp hạng từ D tới AAA+. Và chỉ số sức mạnh thương hiệu (Brand Strength Index) được Brand Finance chấm 58,76 điểm, trong thang điểm từ 0 - 100.
Được thành lập cách đây 25 năm, nhưng VPBank chỉ thực sự "thay da đổi thịt" kể từ năm 2010, sau khi bắt đầu tiến hành một cuộc chuyển đổi toàn diện, thay đổi nhận diện thương hiệu và chiến lược kinh doanh với mục tiêu trở thành một trong những ngân hàng tư nhân lớn nhất hệ thống.
Giá trị thương hiệu của VPBank do chính Brand Finance định giá trong giai đoạn này đã tăng lên nhanh chóng. Năm 2016, thương hiệu của VPBank được Brand Finance định giá 57 triệu USD. Đây cũng là lần đầu tiên, VPBank lọt Top 10 thương hiệu ngân hàng lớn nhất Việt Nam.
Một năm sau, giá trị thương hiệu của VPBank đã tăng gấp đôi, lên 107 triệu USD và chính thức trở thành ngân hàng tư nhân có giá trị thương hiệu cao nhất trên thị trường. Đến năm 2019, giá trị thương hiệu VPBank đã tăng 6,3 lần so với năm 3 năm trước đó, đưa VPBank vào Top 500 thương hiệu ngân hàng mạnh trên toàn cầu.
"Đây là kết quả trong nhiều năm VPBank liên tục nỗ lực cải tiến mô hình kinh doanh, đầu tư vào công nghệ, chất lượng dịch vụ nhằm đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu của khách hàng", ông Trần Tuấn Việt, Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Tiếp thị VPBank, nói.
Cũng theo ông Việt, thì điểm nhấn trong thương hiệu của VPBank là "tạo sự khác biệt". "Kể từ khi đổi tên thành 'Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng' vào năm 2010 tới nay, nghĩ khác - làm khác - liên tục cải tiến để vươn tới vị trí dẫn đầu luôn thể hiện trong mọi công việc tại VPBank. Nhờ vậy mà dù khởi động đổi mới muộn hơn nhiều ngân hàng bạn, nhưng đến nay chúng tôi đã có những thành tựu ấn tượng", ông Việt nhấn mạnh.
Lợi thế của thương hiệu mạnh
Là đơn vị đứng ra xếp hạng thương hiệu các ngân hàng, Brand Finance cho rằng, thương hiệu càng mạnh sẽ giúp ngân hàng thu hút càng nhiều khách hàng và giữ chân những khách hàng đó. Đồng thời, thương hiệu mạnh cũng mang lại niềm tự hào và khích lệ tinh thần làm việc của nhân viên tốt hơn.
Đồng tình với quan điểm này, các chuyên gia trong lĩnh vực thương hiệu cũng cho rằng, một thương hiệu ngân hàng mạnh sẽ nhanh chóng tạo ấn tượng mạnh mẽ tới khách hàng, truyền tải những thông điệp về chất lượng dịch vụ, sản phẩm và mục tiêu của ngân hàng. Lý do là vì những thương hiệu yếu thường không xuất hiện đầu tiên trong tâm trí của khách hàng, khi họ nghĩ tới việc sử dụng dịch vụ ngân hàng.
Ông Phạm Quang Sỹ, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, trong một bài viết về thương hiệu ngân hàng đã bày tỏ quan điểm rằng, trong một thị trường ganh đua khốc liệt như hiện tại, những ngân hàng biết liên kết sức mạnh thương hiệu với hoạt động kinh doanh sẽ nâng cao được đáng kể sức cạnh tranh.
Trong khi đó, báo cáo của Brand Finance cũng chỉ ra rằng, sức mạnh của một thương hiệu cuối cùng phải thể hiện ở kết quả kinh doanh. Ở khía cạnh này, dường như VPBank đã làm khá tốt. Kết thúc năm 2018, tổng thu nhập hoạt động hợp nhất của VPBank đạt hơn 31.000 tỷ đồng, tăng 24,2% so với năm 2017.
Lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt xấp xỉ 9.200 tỷ đồng, tăng hơn 13% so với một năm 2018 và tăng 1,8 lần so với mức lợi nhuận năm 2016. Liên tiếp trong 3 năm kể từ 2016, VPBank là ngân hàng có mức lợi nhuận cao thứ 4 trong toàn hệ thống và là một trong những ngân hàng có tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) và vốn chủ sở hữu (ROE) cao nhất, lần lượt là 2,4% và 22,8%.
"Rõ ràng sự cải thiện nhanh chóng về sức mạnh thương hiệu có ảnh hưởng tương hỗ không nhỏ tới hoạt động kinh doanh của VPBank, khi giúp thu hút thêm và củng cố sự trung thành của khách hàng, tăng tự tin với con đường mình đã chọn", ông Việt nói.
Song song với việc mở rộng hình ảnh thương hiệu, VPBank cũng đã mở rộng nhanh chóng số lượng khách hàng của mình. Tính tới cuối năm 2018, toàn hệ thống VPBank có hơn 10 triệu khách. Ngân hàng này hiện dẫn đầu thị trường ở các phân khúc cho vay tín chấp với khách hàng cá nhân và tín dụng tiêu dùng. Sự nổi trội của hình ảnh thương hiệu VPBank cũng được thể hiện trên thị trường thẻ tín dụng, một trong những sản phẩm bán lẻ chủ đạo của rất nhiều ngân hàng.
Trong những năm gần đây, VPBank luôn là ngân hàng phát hành nhiều thẻ tín dụng nhất trên toàn hệ thống, đưa tổng số thẻ phát hành của ngân hàng lên hơn 3,8 triệu thẻ. Trong đó, gần 2/3 số thẻ được khách hàng thường xuyên sử dụng.
Còn ở trong phân khúc doanh nghiệp vừa và nhỏ, thương hiệu VPBank cũng thường xuyên được các doanh nghiệp biết đến như một ngân hàng có giải pháp tài chính, sản phẩm cho vay đang dạng và phù hợp với nhu cầu của các doanh nghiệp. Hiện tại, số lượng khách hàng là doanh nghiệp vừa và nhỏ của VPBank đã lên tới hơn 80.000 doanh nghiệp, chiếm hơn 10% tổng số doanh nghiệp của cả nước.
"Một thương hiệu tốt chắc chắn sẽ tác động tích cực tới hoạt động kinh doanh của ngân hàng", bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc Nghiên cứu hành vi người tiêu dùng, đại diện khu vực miền Bắc của Nielsen nói và cho biết, các nghiên cứu của Nielsen toàn cầu đều chỉ ra rằng, các doanh nghiệp có chỉ số sức mạnh thương hiệu tốt thường chiếm lĩnh thị phần lớn hơn trên thị trường.
Rõ ràng, với sự tăng trưởng nhanh về sức mạnh thương hiệu, VPBank sẽ có một lợi thế không nhỏ trong cuộc đua trên thị trường tài chính những năm tới.