14:00 05/02/2022

Sức mạnh văn hóa tạo cơ hội cho “Cá chép vượt vũ môn hóa Rồng”

Vũ Khuê -

Từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn phát triển bền vững bằng việc khởi tạo những giá trị mới, xây dựng văn hóa doanh nghiệp...

Người lao động giống như trái tim của doanh nghiệp.
Người lao động giống như trái tim của doanh nghiệp.

Dẫn đề phiên tọa đàm “Vaccine văn hóa doanh nghiệp trước đại dịch Covid- 19”, ông Lê Tấn Phước, Chủ tịch HĐQT Searefico cho rằng, đại dịch Covid-19 xảy đến, xu hướng số hóa và Công nghệ 4.0 đã làm đảo lộn mọi suy nghĩ và thói quen của chúng ta, đặt doanh nghiệp trước một ngã ba đường: thay đổi để tiến lên, bứt phá tạo khoảng cách với đối thủ cạnh tranh, hay trở về vị trí đằng sau vạch xuất phát.

Thực tế nhiều doanh nghiệp xem đây là cơ hội để tái tạo và phát triển. Họ thực hiện một loạt những can thiệp có chủ đích với lộ trình và mục tiêu cụ thể để tạo ra một phiên bản mới của chính mình. Nhưng cũng có doanh nghiệp chỉ tìm cách “đối phó”, chỉ làm sao giảm thiểu thiệt hại, tồn tại chờ hết dịch hơn là nhận ra một cơ hội trăm năm cho “cá chép vượt vũ môn hóa rồng”.

Song để “vượt vũ môn”, theo nhiều chuyên gia, doanh nghiệp cần phải cạnh tranh bằng sự khác biệt, bằng bản sắc riêng. Robot không thể làm được điều đó, chỉ có văn hóa doanh nghiệp với sự cộng hưởng, sự tương tác, sự chia sẻ giữa lãnh đạo với nhân viên, giữa nhân viên với nhau, giữa công ty với khách hàng…, mới tạo nên được bản sắc riêng để doanh nghiệp cạnh tranh thành công.

THƯỜNG XUYÊN VIẾT TÂM THƯ GỬI NHÂN VIÊN

Bản sắc văn hóa này đã được khẳng định tại PNJ trong thời gian qua. Hai năm đại dịch bùng phát mạnh lại chính là thời điểm PNJ tăng tốc nhiều hơn. Năm 2020, thị trường bán lẻ trang sức trên toàn châu Á giảm 30% thì PNJ vẫn tăng trưởng 11%, trở thành doanh nghiệp kim hoàn xuất sắc nhất châu Á - Thái Bình Dương.

“Chúng tôi rất bất ngờ không nghĩ mình đạt được như vậy, vì nghĩ năm 2024 may ra mới vươn được gần các đại gia Ấn Độ, Trung Quốc. Có được kết quả này một phần là nhờ sự hun đúc giá trị văn hóa doanh nghiệp bấy lâu nay”, ông Lê Trí Thông, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) chia sẻ.

Trong một sự kiện về văn hóa doanh nghiệp diễn ra ba năm về trước, ông đã nhắc đến chữ “nhân” là con người khi nói về cốt lõi của câu chuyện văn hóa doanh nghiệp ở PNJ. Trong đợt dịch này, chữ “nhân” được PNJ phiên bản thành từ khóa “thương yêu bằng trách nhiệm”. Đây chính là cốt lõi, tạo bản lĩnh để doanh nghiệp của ông vượt qua mọi thách thức, đồng thời lan tỏa những giá trị đó tới cộng đồng.

 
Ông Lê Trí Thông, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận.
Ông Lê Trí Thông, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận.

"PNJ yêu thương không chỉ bằng lời nói suông. “Thông thường mỗi quý, tôi viết tâm thư gửi cho toàn bộ hệ thống. Nhưng khi dịch ập đến, mỗi khi có Chỉ thị chống dịch mới của Chính phủ, tôi lại viết thư gửi cho toàn hệ thống để trấn an và động viên tinh thần nhân viên. Bởi lúc đó người lao động đang không biết hướng để đi. Thậm chí lãnh đạo PNJ phải thức trắng đêm đoán xem Chỉ thị là gì để chuẩn bị".

Ông Thông cho rằng, văn hóa doanh nghiệp thuộc cơ địa bên trong chứ không phải tiêm từ bên ngoài vào. Chúng ta chỉ tiêm vào những kháng nguyên, nhưng chính cơ thể dựa trên đặc điểm cơ địa sẽ tạo ra kháng thể. Trong cơ địa của PNJ có những giá trị liên quan tới sự yêu thương, tính trách nhiệm…, điều này làm PNJ mạnh hơn.

Khi cán bộ nhân viên lo lắng dịch bệnh sẽ ảnh hưởng tới thu nhập của họ, Ban lãnh đạo phải ngày đêm ngồi lại với nhau để tìm cách tốt nhất. Bởi nhiều nhân viên làm việc tại PNJ là thu nhập chính không chỉ của gia đình họ, mà của anh em họ vì người thân của họ làm việc nơi khác đã mất việc.

Thậm chí, khi dịch chưa bùng phát mạnh, công ty gửi vitamin, gửi thuốc tới từng nhà người lao động. Đến khi giãn cách, y tế quá tải, PNJ phải chia nhân viên ra từng khu vực lập đội phản ứng nhanh. Nếu gia đình nhân viên bị F0 họ nhắn lên đội thì nhân viên ở địa bàn đó gửi thuốc tới trước cửa. Không dừng lại ở đó, khi các bệnh viện quá tải, PNJ tự làm bệnh viện dã chiến cho chính mình.

Mặt khác, PNJ còn lan tỏa câu chuyện “yêu thương” đó rộng hơn, bằng việc cho nhân viên cùng với Thành đoàn Hà Nội và TP.HCM lan tỏa tình yêu thương ra cộng đồng trong mùa dịch với các chương trình Siêu thị Mini 0 đồng.

“Điều quan trọng của sự yêu thương chính là khi nhân viên PNJ khi đi ra ngoài làm những việc đó, họ sẽ thấy những gì có được trong PNJ họ hạnh phúc hơn nhiều so với thực tế ngoài kia. Chính kháng thể yêu thương giúp nhân viên đoàn kết với nhau hơn”, ông Thông cho hay.

NGƯỜI LAO ĐỘNG LÀ TRÁI TIM CỦA DOANH NGHIỆP

Còn với Coats Phong Phú, bà Trần Trâm Anh, TGĐ Vùng Công ty TNHH Coats Phong Phú, cho rằng trong bối cảnh đại dịch, văn hóa cũng như một vaccine “tiêm” vào cơ thể doanh nghiệp. Nét đặc sắc ở Phong Phú đó là con người, yếu tố con người giống như trái tim của doanh nghiệp.

Bà Trần Trâm Anh,Tổng giám đốc Vùng Công ty TNHH Coats Phong Phú
Bà Trần Trâm Anh,Tổng giám đốc Vùng Công ty TNHH Coats Phong Phú

Vào thời điểm bắt đầu Covid-19, nhịp đập trái tim là lo sợ vì thấy bệnh mới quá. Đưa ra cho nhân viên cách nào để phòng ngừa, cách nào để vượt qua, làm gì để bảo vệ mình và gia đình?

Đến thời điểm phong tỏa, nhịp đập hồi hộp vì không biết thu nhập ảnh hưởng thế nào, doanh nghiệp còn tồn tại hay không? Lúc đó người lãnh đạo phải để người lao động tin rằng: công ty sẽ quan tâm đảm bảo thu nhập cho họ.

Đến khi tái mở cửa, trái tim đập rộn ràng. Khi đó đưa ra mục tiêu năng suất để nhân viên phát triển và tăng sản lượng cho doanh nghiệp.

VĂN HÓA LÀ CHÂN PHANH, CHÂN GA

Khẳng định văn hóa chính là sức mạnh mềm của doanh nghiệp, TS. Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE, cho rằng văn hóa là chân phanh, chân ga của doanh nghiệp. Văn hóa là chiều sâu bên trong, phanh lại để không rơi xuống vực sâu, còn chân ga giúp doanh nghiệp vượt qua đèo cao.

Không phải tự nhiên mà các sản phẩm của Nhật Bản vươn ra thế giới. Cũng không phải ngẫu nhiên các sản phẩm như Samsung, LG của Hàn Quốc thống trị toàn cầu..., tất cả đều đi từ khát vọng của quốc gia, từ “chân ga” quốc gia truyền đến “chân ga” của doanh nghiệp.

Khát vọng của Việt Nam đến năm 2045 trở thành một nước phát triển thu nhập cao thì cần có văn hóa 2045 tương xứng với khát vọng đó. Nếu không có văn hóa 2045 thì không thể hiện thực hóa được khát vọng 2045.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Trung dẫn chứng, trong đại dịch vừa qua, có doanh nghiệp dịch vụ khách sạn đóng cửa 6 tháng trời, ông chủ phải thế chấp căn nhà để trả lương cho nhân viên trong lúc khó khăn. Đến nay, khi hoạt động trở lại nhiều nhà hàng không có nhân viên, nhưng với hệ thống nhà hàng khách sạn này tất cả nhân viên đều quay trở lại làm việc ngay và họ rất tích cực.

“Khi đi đường dài với nhau, dựa vào nhau để sống. Đây vừa là chân phanh, vừa là chân ga giúp doanh nghiệp trụ vững trong lúc khó khăn cũng như trong tầm nhìn dài hạn hơn”, ông Trung thừa nhận. Bên cạnh đó, văn hóa không chỉ là phương tiện để đạt mục đích, mà bản thân văn hóa chính là mục đích để doanh nghiệp vươn tới.

Đồng tình với ông Trung, ông Thông bổ sung, văn hóa còn là bộ giảm xóc khi đi qua khúc cua. PNJ đã tận dụng được điều này trong bối cảnh dịch Covid-19, kiên định trong ý chí nhưng rất linh hoạt trong giải pháp. Từ đó đưa ra phương án tái cấu trúc công ty – điều này được PNJ làm từ năm 2018 nên khi đại dịch đã giúp công ty tăng tốc lên rất nhiều.

KIẾN TẠO HỆ SINH THÁI XÂY DỰNG VĂN HÓA DOANH NGHIỆP

Dù văn hóa là bản sắc riêng của mỗi doanh nghiệp, nhưng theo ông Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Chính phủ đóng vai trò quyết định trong việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Nếu Chính phủ có cơ chế, chính sách phù hợp để doanh nghiệp phát triển thì văn hóa doanh nghiệp phát triển theo.

Việc các doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh là vô cùng quan trọng, Chính phủ cần khuyến khích điều này. Doanh nghiệp nào đạt chuẩn văn hóa kinh doanh thì ưu tiên họ triển khai các dịch vụ đòi hỏi văn hóa cao (như: y tế, ngân hàng, kiểm toán…).

Bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Deloitte Việt Nam nhấn mạnh, các cơ quan quản lý nhà nước cần rà soát thể chế, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp, xây dựng quan hệ làm việc tôn trọng và bình đẳng.

Chủ tịch Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Hồ Anh Tuấn đề nghị, Chính phủ nên có chỉ thị tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam sau 5 năm thực hiện. Cho phép thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam do doanh nghiệp đóng góp nhằm thúc đẩy văn hóa doanh nghiệp.

Ngoài ra, Chính phủ cần có cơ chế chính sách ưu tiên, quan tâm đến doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam, như đưa tiêu chí văn hóa vào trong các tiêu chí xét duyệt doanh nghiệp thương hiệu quốc gia…