09:55 20/03/2009

Suy thoái kinh tế sẽ kích thích thanh toán trực tuyến

Đức Thọ

Nhiều chuyên gia và doanh nhân dự báo hoạt động thanh toán trực tuyến tại Việt Nam sẽ bùng nổ trong khoảng 3 năm tới

Chúng ta may mắn là có tỷ lệ dân số trẻ cao và đối tượng mua sắm chủ yếu là giới trẻ có trình độ tiếp cận công nghệ tốt nên rào cản về trình độ và nhận thức sẽ nhanh chóng được loại bỏ - Ảnh: Đức Thọ.
Chúng ta may mắn là có tỷ lệ dân số trẻ cao và đối tượng mua sắm chủ yếu là giới trẻ có trình độ tiếp cận công nghệ tốt nên rào cản về trình độ và nhận thức sẽ nhanh chóng được loại bỏ - Ảnh: Đức Thọ.
Tại diễn đàn về thanh toán trực tuyến vừa diễn ra tại Hà Nội, nhiều chuyên gia và doanh nhân trong lĩnh vực thương mại điện tử dự báo hoạt động thanh toán trực tuyến tại Việt Nam sẽ bùng nổ trong khoảng 3 năm tới.

Ông Trần Hữu Linh, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương), nói lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam đã và đang có tốc độ phát triển rất mạnh mẽ.

Nếu như cách đây khoảng 3 năm, các hoạt động giao thương thông qua các website của doanh nghiệp, các “chợ” điện tử, các loại thẻ quốc tế và nội địa vẫn còn khá mới mẻ với người dân và kể cả với doanh nghiệp, thì nay đã trở nên rất thông dụng.

Ông Linh cho biết, hiện tại ở Việt Nam lượng người dân sử dụng Internet đã đạt tỷ lệ 24,9/100 dân, trong lượng thuê bao điện thoại đạt 72/100 dân. Đây là một nền tảng vững chắc để phát triển thanh toán trực tuyến.

Còn theo ông Tống Viết Trung, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Viễn thông Quân đội (Viettel), mặc dù hoạt động giao dịch và thanh toán qua điện thoại di động mới thai nghén cách đây không lâu, song đã nhanh chóng trở thành quen thuộc với hàng chục triệu người dân.

Một trong những giải pháp hữu hiệu nhất thúc đẩy lĩnh vực thanh toán trực tuyến là các cổng thanh toán đã được khá nhiều doanh nghiệp tham gia cung cấp và đạt được những thành công không nhỏ.

Cách đây hai năm, Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ trực tuyến OnePAY đã cho ra mắt cổng thanh toán trực tuyến quốc tế OnePay. Đây là cổng thanh toán trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam. Sau một năm vừa hoạt động vừa hòan thiện các giải pháp, cổng thanh toán này đã đạt được tổng doanh thu khoảng 3 triệu USD.

“Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, nhận thức về thương mại điện tử của đa số người dân còn hạn chế thì một cổng thanh toán trực tuyến đạt được doanh thu 3 triệu USD thật sự là kết quả đáng khích lệ”, Giám đốc OnePay, ông Lê Huy Tường tỏ ra tin tưởng.

Hiện cổng thanh toán OnePay đang có được hơn 70 nhà cung cấp hàng hóa và dịch vụ. Giải pháp thanh toán của OnePAY cho phép các khách hàng cá nhân thực hiện việc thanh toán mua hàng hoá, dịch vụ trên internet thông qua các loại thẻ mang quốc tế như MasterCard, Visa, American Express, Diners Club, JCB và thẻ ghi nợ nội địa Connect24 của Vietcombank…

Cũng theo ông Tường, một trong những trở ngại lớn nhất đối với hoạt động thanh toán trực tuyến hiện nay là nhận thức của đa số người dân. Điều đó đòi hỏi các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trung gian cung cấp các giải pháp thanh toán trực tuyến như OnePay, PayNet hay Smartlink… đưa đến người tiêu dùng những giải pháp, hình thức thanh toán đơn giản và thuận tiện.

“Tuy nhiên, cái may mắn của chúng ta là có tỷ lệ dân số trẻ cao và đối tượng mua sắm chủ yếu là giới trẻ có trình độ tiếp cận công nghệ tốt nên rào cản về trình độ và nhận thức sẽ nhanh chóng được loại bỏ.

Bên cạnh đó, mặc dù năm 2009 có thể khiến doanh thu của các cổng thanh toán giảm sút do khó khăn kinh tế nói chung, song chính nhu cầu cắt giảm chi phí sẽ trở thành một động lực thúc đẩy người dân tiếp cận phương thức thanh toán trực tuyến vừa đơn giản, vừa tiết kiệm thời gian, công sức và tiền bạc”, ông Tường nhận định.

Đồng quan điểm với ông Tường, Tổng giám đốc Mạng thanh toán PayNet, ông Nguyễn Chiến Thắng còn cho rằng tỷ lệ dân số trẻ đang là một thuận lợi không nhỏ thúc đẩy thanh toán trực tuyến phát triển.

Theo ông Thắng thì những trở ngại lớn đối với thanh toán trực tuyến hiện nay là khung pháp lý chưa được hoàn thiện và hạ tầng công nghệ chưa được đồng bộ. Vì vậy, chỉ cần giải quyết được hai khó khăn đó thì những trở ngại khác sẽ dễ dàng được vượt qua và theo đó, thanh toán trực tuyến sẽ bủng nổ.

“Tôi cho rằng 5 năm là khoảng thời gian cần thiết để thanh toán trực tuyến bùng nổ. Giống như Trung Quốc, họ bắt đầu triển khai từ năm 2004 và đến nay đã bùng nổ mạnh mẽ.

Còn ở Việt Nam, 2-3 năm vừa qua chính là khoảng thời gian để các nhà làm chính sách hoàn thiện dần khung pháp lý và các doanh nghiệp chúng tôi nỗ lực tuyên truyền, đồng bộ về công nghệ và thực hiện các giải pháp phù hợp, hiệu quả. Đến nay, có thể nói giai đoạn “chuẩn bị” đã gần như xong và giai đoạn bùng nổ thanh toán trực tuyến sẽ không còn xa nữa”, ông Thắng nhận định.