18:13 27/03/2010

Tafico đi tắt đón đầu

Tafico sẽ đạt tổng công suất 3 triệu tấn xi măng/năm, đáp ứng nhu cầu xi măng ngày một tăng cho khu vực phía Nam

Hệ thống chuyên chở xi măng rời của Xi măng Fico.
Hệ thống chuyên chở xi măng rời của Xi măng Fico.
Ngày 28/12/2009, Công ty cổ phần xi măng Fico Tây Ninh - Tafico vinh dự đón Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đến dự lễ khánh thành Nhà máy xi măng Tây Ninh công suất 1,5 triệu tấn/năm, sau hơn 3 năm xây dựng và lắp đặt.

“Tuy xây dựng tại thời điểm khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, nhưng tiến độ xây dựng Nhà máy xi măng Fico - Tây Ninh rất nhanh, sản xuất có hiệu quả, có khả năng hoàn vốn nhanh, góp phần đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn tỉnh”, Chủ tịch nước ghi nhận.

Nhà máy xi măng Tây Ninh là dự án nhóm A, được Chính phủ thông qua và cho phép đầu tư theo văn bản số 166/CP-CN ngày 6/2/2004 với tổng vốn đầu tư trên 3.800 tỷ đồng, được giao cho Công ty cổ phần xi măng Fico Tây Ninh làm chủ đầu tư. Đến tháng 11/2006, Nhà máy chính thức được khởi công tại xã Tân Hòa, Huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh, trên diện tích 415 ha.  

Việc sớm đưa nhà máy vào hoạt động dựa trên nền tảng một doanh nghiệp có tài chính mạnh và quyết tâm cao. Nhưng, ở thời khắc Nhà máy xi măng Tây Ninh cho ra lò tấn xi măng đầu tiên vào cuối năm 2009, Tafico đã có trong tay thương hiệu, có thị phần, và có doanh thu tương đối lớn. Đây là một khác biệt hoàn toàn đối với những doanh nghiệp mới tham gia thị trường khác.

Thương hiệu xi măng Fico được biết đến lần đầu tiên từ năm 2006. Cuối tháng 9 năm đó, Tafico đã nhận bàn giao Nhà máy Xi măng Phương Nam có công suất 700 nghìn tấn/năm từ Tổng công ty Xây dựng số 1, sau đó đổi tên thành Nhà máy Xi măng Fico - Hiệp Phước.

Đây là bước đi chiến lược của Tafico, bởi vì thị trường Tp.HCM luôn được xác định là địa bàn trọng yếu cho sự phát triển của doanh nghiệp. Với việc tạo dựng một cơ sở sản xuất ở Tp.HCM, Tafico dễ dàng vận chuyển clinker tới nghiền tại đây với ít hao hụt, mất mát nhất. Trong khi đó, Nhà máy đang xây dựng tại Tây Ninh sẽ “che phủ” toàn bộ thị trường này và một số tỉnh lân cận, đồng thời vươn mạnh xuất khẩu sang Campuchia.

Bước đi đúng đắn đó đã giúp Tafico gặt hái được không ít thành công ngay trong giai đoạn nhà máy chính còn đang ngổn ngang đầu tư. Chỉ trong 2 năm 2007 - 2008, đã có hơn 1 triệu tấn xi măng mang biểu tượng ba đỉnh núi của Tafico được tiêu thụ khắp khu vực miền Đông, miền Tây Nam Bộ và Tp.HCM...

Trong 2 năm này, lợi nhuận trước thuế của Tafico đạt tốc độ tăng trưởng trên 129,5%. Riêng năm 2008, lợi nhuận đạt ở mức 1.634 tỷ đồng, doanh thu xuất khẩu tăng 100% so với năm 2007. Cũng trong năm 2008, sau hơn 2 năm có mặt trên thị trường, thương hiệu xi măng FICO đã được bình chọn trở thành 1 trong 100 Thương hiệu mạnh.

Nhờ sản xuất kinh doanh hiệu quả, hoạt động đầu tư đã được hỗ trợ rất nhiều. Sau khoảng 2 năm khởi công, cuối tháng12/2008, Nhà máy đã chính thức đưa ra tấn clinker đầu tiên, đến 30/4/2009, tấn xi măng đầu tiên đã được ra lò, và tháng 10/2009, Nhà máy xi măng Tây Ninh chính thức hoàn thành. Trong quá trình xây dựng Nhà máy, toàn bộ nguyên liệu xi măng đều sử dụng thương hiệu Fico, được cung cấp từ Nhà máy xi măng Fico Hiệp Phước.

Với việc đưa Nhà máy xi măng Tây Ninh vào hoạt động, Tafico đã trở thành 1 trong 3 đơn vị sản xuất xi măng lớn nhất khu vực phía Nam, góp phần quan trọng ổn định nguồn cung cấp xi măng cho thị trường khu vực này, đồng thời khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên đá vôi quý hiếm ở đây.

Trên cơ sở hoạt động hiệu quả của Tafico, ngày 29/4/2008 Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 2699/VPCP-KTN chấp thuận bổ sung dự án đầu tư dây chuyền 2 xi măng Fico Tây Ninh công suất 4.000 tấn clinker/ngày vào quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam.  

Và ngày 5/3 vừa qua, Bộ Xây dựng đã phê duyệt chủ trương đầu tư theo văn bản số 327/BXD-KHTC. Với dự án này, Tafico sẽ đạt tổng công suất 3 triệu tấn xi măng/năm, đáp ứng nhu cầu xi măng ngày một tăng cho khu vực phía Nam.