11:00 12/10/2016

Tái cơ cấu kinh tế Việt Nam và cú “hạ cánh” của Trung Quốc

Nguyên Vũ

Tại sao thiên thời - địa lợi - nhân hoà mà tái cơ cấu nền kinh tế mấy năm qua lại khó như thế?

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên phát biểu khai mạc Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2016.<br>
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên phát biểu khai mạc Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2016.<br>
Làm thực hay chỉ “hô to”? Đây là câu hỏi được TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đặt ra về chủ đề tái cơ cấu kinh tế, tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2016, sáng 12/10.

Vì sao khó thế?

Phát biểu đề dẫn, ông Thiên nhắc lại sự kiện 5 năm trước, khi Nghị quyết Trung ương 3 khoá 11 quyết định tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

Vị Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam bình luận, tuyên ngôn này gây xúc động có thể không bằng tuyên ngôn về đổi mới cách đây 3 thập kỷ, nhưng không khí hào hứng rất rõ ràng, và tưởng là như thế tái cơ cấu sẽ rất thuận về xu thế, nhu cầu và tâm lý xã hội. Nhưng kết quả lại không như ban đầu đặt ra.

Điểm qua về kết quả, ông Thiên cho rằng, dấu hiệu mất cân đối trong nền kinh tế vẫn đang tồn tại. Tụt hậu và tụt hậu xa hơn đã chuyển từ nguy cơ lớn nhất thành hiện thực ngày càng rõ.

Hội nhập quốc tế - với sự kiện đánh dấu là Việt Nam gia nhập WTO năm 2007 - trở thành phép thử, đủ hiệu nghiệm để đẩy nền kinh tế đó lâm vào tình trạng khủng hoảng chỉ sau vài năm. Những nỗ lực vật lộn để đạt được các thành tích ngắn hạn - luôn ở mức “quyết liệt” - che lấp tầm nhìn dài hạn, hướng tới thời đại công nghệ cao và hội nhập quốc tế.

Và trong bối cảnh đó, chủ trương tái cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng giành được sự đồng thuận tuyệt đối trong xã hội.

Kết quả tái cơ cấu không được như kỳ vọng ban đầu, câu hỏi là tại sao thiên thời - địa lợi - nhân hoà như giai đoạn diễn ra đổi mới, nhưng đổi mới diễn ra rất triệt để, còn tái cơ cấu lại khó như thế?

Nếu không trả lời rành rọt câu hỏi này thì chưa tháo được “nút” của vấn đề, theo Viện trưởng Thiên.

Nhìn lại quá trình vật vã tái cơ cấu 5 năm qua, ông Thiên nhấn mạnh rằng có “vấn đề” về phân bổ nguồn lực.

Có cảm tưởng tái cơ cấu để duy trì lâu hơn cơ chế hiện tại là xin - cho, phân bố vốn bình quân, dàn trải, tư nhân không được coi trọng, ông Thiên nhận xét.

Trở lại băn khoăn tại sao đổi mới thành công còn tái cơ cấu thì ì ạch, ông Thiện tự lý giải: “Lúc đổi mới cơ bản là nghèo, lãnh đạo cũng nghèo, dân cũng nghèo, chỉ nghĩ phải quyết tâm đổi mới. Còn với tái cơ cấu, động lực và động cơ đã thay đổi, phải có cách tiếp cận mới hoàn toàn, vì thế chúng tôi mới đặt vấn đề chỉnh sửa hay thay đổi, tại sao nói nhiều, quyết liệt ghê gớm, nhưng kết qủa lại như vậy, hay chưa muốn làm, chỉ hô to thế thôi?”.

Lo Trung Quốc “hạ cánh”

Trong bối cảnh hội nhập đã chuyển sang giai đoạn mới về chất, ông Thiên cho rằng Việt Nam vẫn phải ráo riết tái cơ cấu, nhưng là tái cơ cấu theo hướng hội nhập hiện đại, bảo đảm tuân thủ các cam kết hội nhập. Chỉ có như vậy, nền kinh tế mới tránh khỏi lặp lại tình thế “hậu WTO”, để có năng lực thực thi hội nhập và thật sự dựa vào hội nhập để tiến lên.

Ông Thiên cũng nhấn mạnh một yếu tố đặc biệt quan trọng, có tác động rất mạnh đến tư duy và định hướng tái cơ cấu kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn tới, đó là triển vọng nền kinh tế Trung Quốc. Một triển vọng chỉ mới rõ khi “nhìn chung”: sẽ tiếp tục giảm tốc trong bất ổn, rằng để đạt được trạng thái “tăng trưởng bình thường mới” thì “hạ cánh” là điều không tránh khỏi.

Nhưng hạ cánh “cứng” hay “mềm”? Vấn đề này lại đang là một ẩn số lớn.

Ông Thiên phân tích: “Việt Nam ở ngay gần kề Trung Quốc, đang bị lệ thuộc khá nặng nề vào kinh tế Trung Quốc, lại đang trong giai đoạn khó khăn. Tái cơ cấu không có gì khác hơn là nền kinh tế “lột xác”, tạo “đột biến cấu trúc” để trưởng thành, nhưng cũng là thời đoạn mong manh, nhạy cảm, dễ gặp rủi ro bậc nhất. Nó sẽ chịu tác động rất mạnh từ cú “hạ cánh” của Trung Quốc”.

Ông cho rằng, vấn đề đặt ra cho Việt Nam là làm sao để giảm thiểu tác động gây sốc từ cú “hạ cánh” còn chưa rõ là “cứng” hay “mềm” của nền kinh tế Trung Quốc, và phải nhanh chóng thoát khỏi sự lệ thuộc cơ cấu vào nền kinh tế Trung Quốc.

Nhưng, đây cũng là hai vấn đề lớn và khó giải quyết bậc nhất được đặt ra cho công cuộc tái cơ cấu kinh tế của Việt Nam, ông Thiên bình luận.