Tai nạn giao thông: “Kẻ sát nhân tàn bạo nhất”
Các vụ tai nạn giao thông đường bộ mỗi năm cướp đi sinh mạng của gần 1,2 triệu người và gây thiệt hại 518 tỷ USD
Các vụ tai nạn giao thông đường bộ mỗi năm cướp đi sinh mạng của gần 1,2 triệu người trên thế giới và làm bị thương hàng chục triệu người.
Đây là thông tin đưa ra trong báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhân Tuần An toàn giao thông đường bộ toàn cầu, lần đầu được Liên hiệp quốc phát động từ ngày 23 đến 29/4.
Báo cáo nhấn mạnh rằng tai nạn giao thông là "kẻ sát nhân tàn bạo nhất", hơn cả căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS, nhất là đối với thanh thiếu niên trong độ tuổi 15-19.
Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon cũng đã gửi thông điệp kêu gọi tăng cường nhận thức về an toàn giao thông vì an toàn tính mạng của mọi người, nhất là giới trẻ. Nhiều tổ chức và các nước trên thế giới cũng đã rầm rộ hưởng ứng Tuần an toàn giao thông năm nay.
Thiệt hại 518 tỷ USD mỗi năm
Theo WHO, trong tổng số 1,2 triệu người chết vì tai nạn giao thông trên thế giới hàng năm, có 40% là thanh niên dưới 25 tuổi và hàng triệu người khác bị chấn thương và thương tật suốt đời. Khoảng 85% các tai nạn đó xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Ước tính mỗi năm thiệt hại từ tai nạn giao thông trên toàn cầu do tổn thất vật chất, chi phí y tế và các chi phí khác lên đến 518 tỷ USD.
Tình trạng tai nạn trong nhóm thanh niên trẻ sử dụng xe máy ở châu Á đang ngày càng tăng và trở thành một thảm họa đối với sức khỏe cộng đồng. Theo Bộ Công an Trung Quốc trong năm 2006, đã có 89.455 người nước này chết vì tai nạn giao thông đường bộ. Con số này tại Việt Nam là hơn 12.600 người. Hiện châu Phi là khu vực có số vụ tai nạn giao thông xảy ra thường xuyên nhất trên thế giới.
Ngoài những thiệt hại khổng lồ về kinh tế, bao gồm: chi phí mai táng người chết, chi phí y tế cho người bị thương, thiệt hại về phương tiện giao thông, về hạ tầng, chi phí khắc phục, tai nạn giao thông còn gây nên những tác động tâm lý lâu dài đối với nhiều người. Nếu như trong một địa phương, một quốc gia xảy ra tai nạn giao thông quá nhiều sẽ gây nên hiện tượng bất an cho cư dân ở đó.
Trong khi đó, thông điệp của Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon nêu rõ: Chính phủ các nước và các đối tác đã tăng cường quan tâm đến an toàn giao thông đường bộ. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Tính tổng cộng, thương tích do tai nạn giao thông đường bộ gây ra làm thiệt hại cho các nước có thu nhập thấp và trung bình đến hơn 1% tổng sản phẩm quốc nội mỗi năm.
Cần có một hội nghị toàn cầu về an toàn giao thông
Các chuyên gia cho rằng, tai nạn giao thông phát sinh chủ yếu từ một số nguyên nhân như: cơ sở hạ tầng (đường, cầu); phương tiện giao thông không đảm bảo điều kiện an toàn; ý thức chấp hành luật của người tham gia giao thông kém...
Veeraragavan, một giáo sư thuộc Viện công nghệ hàng đầu của Ấn Độ và là một chuyên gia về cầu đường cho rằng, đến năm 2020 khoảng hai phần ba số người chết do tai nạn giao thông trên thế giới có thể sẽ rơi vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tai nạn giao thông sẽ gây thiệt hại kinh tế từ 1-3% GDP của các nước trong khu vực. Vì vậy, nâng cấp hạ tầng giao thông đang là một nhiệm vụ cấp bách. Mạng lưới đường xuyên Á sẽ góp phần đáng kể giảm tai nạn giao thông và tăng cho các nước trong khu vực.
Theo đại diện của WHO tại Manila (Philippines), việc phóng xe nhanh, ẩu, không đội mũ bảo hiểm, say rượu khi lái xe là nguyên nhân chính dẫn đến gia tăng các tai nạn giao thông. WHO gợi ý các giải pháp đơn giản như đội mũ bảo hiểm, kiểm soát tốc độ và nồng độ cồn để giảm thiểu tai nạn này. Do hầu hết các tử vong từ tai nạn xe máy đều do chấn thương ở đầu, nên việc đội mũ bảo hiểm có thể giảm nguy cơ tử vong tới 40% và giảm nguy cơ chấn thương nặng tới 72%.
Ngoài ra, việc sử dụng các mũ bảo hiểm sáng màu cũng được coi là có thể giảm được tới 18% số vụ tai nạn. Chính quyền các nước có thể xây các tuyến đường an toàn hơn cho người đi bộ, lươn giảm xóc, tách các loại hình giao thông ra trên các tuyến đường khác nhau, cải thiện các dịch vụ cấp cứu, đặc biệt từ nơi có tai nạn cho đến nơi cấp cứu.
Hưởng ứng Tuần An toàn giao thông đường bộ năm nay, ngày 23/4, tại thủ đô London, các tổ chức về an toàn giao thông đường bộ của Anh đã phát động một chiến dịch tìm kiếm sự hưởng ứng trên phạm vi toàn cầu về việc kêu gọi Liên hiệp quốc tổ chức một hội nghị về an toàn giao thông.
Thủ tướng Anh T. Blair và tay đua “Công thức 1” người Đức từng 7 lần vô địch thế giới – M. Schumacher, cùng các nhà tổ chức chiến dịch khẳng định: Liên hiệp quốc cần tổ chức một hội nghị bàn về những biện pháp hữu hiệu bảo đảm an toàn giao thông đường bộ.
Ngày 23/4 tại thủ đô của Angieri, cũng đã diễn ra hội thảo mang chủ đề "An toàn đường bộ là trách nhiệm của mỗi chúng ta"...