07:36 11/06/2019

Tài sản ngân hàng tiếp tục “phình to”

Đào Hưng

Trong khi, tổng tài sản "phình to" và một yêu cầu bắt buộc đi kèm là phải tăng vốn, thì đây lại là vấn đề đau đầu của cả hệ thống, nhất là khu vực ngân hàng thương mại Nhà nước

Tổng tài sản hệ thống ngân hàng tăng thêm 150.000 tỷ trong 4 tháng đầu năm.
Tổng tài sản hệ thống ngân hàng tăng thêm 150.000 tỷ trong 4 tháng đầu năm.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 30/4/2019, tổng tài sản của hệ thống ngân hàng đạt hơn 11,2 triệu tỷ đồng, tăng 1,36% so với thời điểm hồi đầu năm.

Cụ thể, nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước chi phối gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank và 3 ngân hàng không đồng có tổng tài sản 4,93 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 1,37% và chiếm 44% tỷ trọng toàn hệ thống.

Nhóm ngân hàng thương mại cổ phần là gần 4,63 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 1,64% và chiếm trên 41% tổng tài sản hệ thống.

Khi tổng tài sản của cả hệ thống tiếp tục phình to thì một yêu cầu bắt buộc đi kèm là phải tăng vốn. Tuy nhiên, đây lại là vấn đề đau đầu của cả hệ thống, nhất là khu vực nhà nước.

Trong số liệu của Ngân hàng Nhà nước, khác với cơ cấu tổng tài sản, cơ cấu vốn tự có vẫn nghiêng về nhóm ngân hàng thương mại cổ phần (đã loại bỏ tổ chức tín dụng có vốn tự có âm) là 352.305 tỷ đồng. Con số này ở nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước chi phối là 282.199 tỷ đồng.

Ngoài ra, về vốn điều lệ, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần đạt 268.872 tỷ đồng. Còn nhóm ngân hàng thương mại nhà nước chỉ đạt 149.001 tỷ đồng.

Việc tổng tài sản cao hơn, nhưng vốn tự có lẫn vốn điều lệ đều thấp hơn nhóm ngân hàng thương mại cổ phần đã khiến tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của nhóm ngân hàng Nhà nước vẫn chỉ duy trì ở 9,61%, khá sát mức tổi thiểu 9% theo quy định. Ngược lại, CAR của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần lại lên tới 11,2%.

Trong vài năm trở lại đây, nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước này thường xuyên kêu ca ở tất cả các hội nghị toàn ngành. Lý do được đưa ra là để đạt được vốn pháp định theo yêu cầu và chuẩn hệ số CAR theo quy định thì không chỉ dựa vào cố gắng tự thân mà rất cần đến sự hỗ trợ từ phía cổ đông Nhà nước.

Thậm chí, Hiệp hội ngân hàng còn nhận định, nếu không nhanh chóng tăng được vốn điều lệ, khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế có thể bị ảnh hưởng, kéo theo ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, giảm thu ngân sách từ thuế...

Do đó, đơn vị này mới đây đã gửi đơn kiến nghị và cho rằng, trước mắt đề nghị cho phép các ngân hàng thương mại Nhà nước được giữ lại lợi nhuận hàng năm hoặc chia phần cổ tức của Nhà nước bằng cổ phiếu để tăng vốn, giải quyết phần nào những khó khăn, vướng mắc, cản trở hiện nay.