Tại sao dân biết, đại biểu biết mà nhà quản lý lại không biết?
Kể từ khi Bộ có văn bản nhắc nhở đó đến nay đã 16 năm rồi mà tình trạng viết vào sách giáo khoa vẫn không giảm
Đó là câu hỏi được Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đặt ra khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội, ngày 15/10.
Ghi nhận nhiều nỗ lực của Chính phủ, nhất là sự sâu sát của Thủ tướng và các phó thủ tướng với cơ sở, song các ý kiến thảo luận cũng nêu nhiều vấn đề bức xúc cần có giải pháp hiệu quả hơn.
Lãng phí 16 năm liền
Trở lại sự lãng phí hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm liên quan đến sách giáo khoa sử dụng một lần, đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho biết, sau phát biểu của một số đại biểu Quốc hội thì ngày 21/9 Bộ Giáo dục và Đào tạo có phát văn bản cho báo chí.
Văn bản có nêu là thực hiện nghị quyết 40 của Quốc hội từ 2002 đã biên soạn bộ sách mới. Bộ cũng đã ban hành văn bản yêu cầu giáo viên hướng dẫn học sinh không được viết lên sách giáo khoa. Nhưng sách giáo khoa lại có nhiều chỗ có mệnh lệnh là viết vẽ vào bài tập thì rất là khó, bà Hải bình luận.
Điều được vị Trưởng ban Dân nguyện nhấn mạnh là kể từ khi Bộ có văn bản nhắc nhở đó đến nay đã 16 năm rồi mà tình trạng viết vào sách giáo khoa vẫn không giảm.
Trên diễn đàn Quốc hội cũng có đại biểu nói đến vấn đề này từ 5 năm trước rồi mà đến nay vẫn không thay đổi. Tại sao dân biết, đại biểu biết mà người quản lý lại không biết, 16 năm rồi mà không thay đổi", bà Hải đặt vấn đề.
Vị trưởng Ban Dân nguyện cũng cho biết là qua trao đổi với Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội bà được biết số tiền lãng phí mỗi năm 1.000 tỷ đồng từ sách giáo khoa đủ làm 20 căn nhà mới và sửa chữa được 40 ngàn căn nhà cho người có công.
Vì thế, đại biểu Hải chia sẻ sự áy náy, rằng nếu 5 năm trước đây bà quyết liệt hơn thì có thể có thêm hàng chục ngàn căn nhà cho người có công, từ sự lãng phí do sách giáo khoa dùng một lần đó..
Lộ diện lợi ích nhóm, "sân sau"
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga thì báo cáo của Chính phủ cần nhấn mạnh thêm về công tác phòng chống tham nhũng.
Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Tổng bí thư, các cơ quan tư pháp, Chính phủ đã đẩy mạnh được công tác Phòng chống tham nhũng. Đây là giai đoạn được đẩy mạnh với phương châm nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, ở cương vị công tác nào, kể cả cán bộ đã nghỉ hưu, bà Nga phát biểu.
Chủ nhiệm Nga nhận xét, với Chính phủ mảng công tác này đã được đẩy mạnh thể hiện ở 2 lĩnh vực. "Cụ thể, lĩnh vực thanh tra đã đẩy nhanh kết luận thanh tra các vụ được dư luận xã hội quan tâm như vụ AVG, cảng Quy Nhơn, hãng phim truyện Việt Nam, Thủ Thiêm... Đặc biệt là đôn đốc thực hiện các kết luận sau thanh tra. Điểm thứ hai, là đã điều tra các vụ án phức tạp như đánh bạc trên mạng, sai phạm của một số ngân hàng hay vụ Đinh Ngọc Hệ, Phan Văn Anh Vũ…", bà Nga điểm lại.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp cũng nêu hàng loạt những vấn đề khiến cử tri bức xúc.
Đó là, cử tri muốn làm rõ chất lượng công trình hạ tầng nói chung, công trình đầu tư công nói riêng, trong đó có đường giao thông… xuống cấp nhanh. Đây là vấn đề cử tri đã phản ánh, thắc mắc nhiều lần rồi. Mới đây nhất, cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi với mức đầu tư 34.500 tỷ mới thông xe ít tháng đã bộc lộ nhiều điểm xuống cấp trên toàn tuyến.
"Đề nghị làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan trong vụ việc này chứ tránh để như Giám đốc Ban quản lý dự án giải thích là đường xuất hiện ổ gà, ổ trâu là do… trời mưa, rồi do các phương tiện làm rơi vãi dầu diezel - thứ kỵ với nhựa đường trong quá trình lưu thông", bà Nga nói.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp cũng bày tỏ lo ngại về việc quản lý nhà đất, tài sản công với nhiều vụ sai phạm diễn ra trong thời gian dài, từ giai đoạn trước, có sự tiếp tay, biểu hiện lợi ích nhóm, "sân sau", công ty gia đình… đang dần lộ điện, cần có giải pháp xử lý.
Bà Nga cũng đề nghị các cơ quan Chính phủ tập trung chống nạn bạo hành trẻ em. Gần đây nhất, dư luận lại dậy sóng vì vụ xâm hại trẻ em tại Thái Bình, nạn nhân bị 4 đối tượng xâm hại tập thể, một đối tượng trong đó là Phó phòng cảnh sát kinh tế công an tỉnh.
Liên quan đến tình hình tội phạm, bà Nga nhấn mạnh tình trạng đánh bạc trên mạng, tín dụng đen kéo theo nạn cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật đang diễn ra rất phức tạp.
Cần phải tập trung chống loại tội phạm này, đại biểu Lê Thị Nga nhấn mạnh.