10:22 18/11/2015

Tạm gác bất đồng, Nga-Pháp hợp lực đánh IS

An Huy

“Có lẽ còn quá sớm để nói về một liên minh, nhưng có thể nói đó là sự hợp tác”

Tổng thống Pháp Francois Hollande (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một lần gặp. Hai nước đang xích lại gần nhau sau vụ khủng bố ở Paris và vụ rơi máy bay chở khách Nga ở Ai Cập.<br>
Tổng thống Pháp Francois Hollande (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một lần gặp. Hai nước đang xích lại gần nhau sau vụ khủng bố ở Paris và vụ rơi máy bay chở khách Nga ở Ai Cập.<br>
Nga và Pháp, hai quốc gia từ lâu bất đồng trong vấn đề Syria, đã có những bước tiến nhằm đạt tới một mặt trận quân sự thống nhất chống lại nhóm khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) nhằm trả đũa cho vụ thảm sát ở Paris và vụ rơi máy bay chở khách ở Ai Cập.

Theo tin từ Bloomberg, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 17/11 đã chỉ đạo hải quân Nga hợp tác với các chiến hạm Pháp “như những đồng minh”.

Trước đó, ông Putin thề sẽ đáp trả vụ máy bay của hãng hàng không Nga Metrojet rơi ở bán đảo Sinai của Ai Cập khiến 224 người thiệt mạng. Đây là lần đầu tiên, nhà lãnh đạo Nga thừa nhận rằng thảm họa này là một vụ tấn công khủng bố.

Sau thảm sát Paris, vụ đổ máu tồi tệ nhất ở châu Âu trong vòng một thập niên, xích lại gần Nga đã trở thành một trọng tâm trong phản ứng của phương Tây trước tình trạng bạo lực leo thang và tầm với ngày càng xa của IS.

Theo dự kiến, tuần tới, Tổng thống Pháp Francois Hollande sẽ gặp Tổng thống Mỹ Barack tại Washington và gặp ông Putin tại Moscow. Hôm 16/11, ông Hollande đã kêu gọi hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ tạm gác bất đồng về Syria và Ukraine để cùng nhau chống khủng bố.

“Có lẽ còn quá sớm để nói về một liên minh, nhưng có thể nói đó là sự hợp tác”, ông Thomas Gomart, Giám đốc Viện nghiên cứu Quan hệ đối ngoại Pháp, nhận định. “Rõ ràng vụ tấn công Paris đã dẫn tới sự dịch chuyển chính sách ngoại giao của Tổng thống Hollande đối với Nga”.

Từ nay đến cuối tuần, Pháp muốn có một kế hoạch hợp tác để đánh IS ở Syria mạnh hơn và hiệu quả hơn. Nguồn tin là các quan chức Pháp nói ông Hollande không có ý định nêu vấn đề Ukraine với Tổng thống Putin hay đi đến một thỏa thuận dạng đánh đổi ở Syria khi hai nhà lãnh đạo gặp với tuần tới. Và Nga thừa hiểu điều này - theo các quan chức.

Nga và phương Tây hiện đang tiến hành hai chiến dịch không kích riêng rẽ nhằm vào các nhóm phiến quân ở Syria. Mỹ và đồng minh cho rằng Nga chủ yếu không kích các nhóm nổi dậy chống chính quyền Tổng thống Bashar Al-Assad thay vì nhằm vào IS.

Theo các quan chức Pháp, Nga đã bớt khăng khăng bảo vệ chính quyền Assad sau khi nhận ra rằng quân đội chính phủ Syria không giữ được những khu vực mà lực lượng không kích Nga đã quét sạch phiến quân.

Tại Paris, ngoại trưởng Mỹ John Kerry đưa ra triển vọng có thể đạt một thỏa thuận ngừng bắn ở Syria trong vài tuần tới, cho phép dồn tổng lực vào cuộc chiến chống IS. Tuy nhiên, để Mỹ và Nga tạm gác sang bên sự thiếu tin tưởng lẫn nhau sẽ là một thách thức.

Phát biểu tại Lầu Năm Góc ngày 17/11, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Peter Cook nói Mỹ sẽ không tích cực hợp tác với Nga vì những nỗ lực quân sự của Moscow ở Syria chủ yếu nhằm hỗ trợ Assad - nhà lãnh đạo mà Mỹ muốn từ chức.

Tuy nhiên, “các cuộc không kích [của Nga] gần đây có vẻ đã nhằm vào các khu vực do IS kiểm soát. Đó là một việc tốt”, ông Cook phát biểu.

Cũng trong ngày 17/11, Nga tăng gấp đôi các cuộc không kích ở Syria bằng cách điều máy bay ném bom tầm xa tới oanh tạc các vị trí của IS - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết.

Bên cạnh đó, Pháp cũng có ngày thứ hai liên tiếp ném bom dữ dội xuống thành trì của IS ở Raqqa. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian nói IS phải bị “hủy diệt”.

Những dấu hiệu ấm lên trong quan hệ giữa Putin với phương Tây xuất hiện khi nền kinh tế Nga chìm trong suy thoái do tác động của lệnh trừng phạt mà Mỹ và châu Âu áp lên Nga sau khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea ly khai từ Ukraine. Thị trường chứng khoán Nga tăng 2,7% trong phiên giao dịch ngày 17/11, đạt mức cao nhất kể từ tháng 2, khi các nhà đầu tư tin rằng sự cô lập kinh tế nhằm vào Nga có thể sớm giảm xuống.

Hợp tác hải quân Nga-Pháp cho thấy mối quan hệ giữa hai nước đã cải thiện kể từ khi rơi xuống đáy do vụ Nga sáp nhập Crimea vào năm ngoái. Mới chỉ cách đây 3 tháng, Chính phủ Pháp hủy hợp đồng bán tàu chiến lớp Mistral cho Nga nhằm phản đối vai trò của Moscow trong cuộc khủng hoảng Ukraine.