09:02 30/03/2007

Tam giác kinh tế Indonesia-Malaysia-Singapore

Nguyễn Thế Nghiệp

Ba nước láng giềng này có diện tích tự nhiên hơn 2.243.394 km2, với dân số hơn 240 triệu người

Chính phủ Malaysia sẽ huy động 105 tỷ USD trong vòng 20 năm tới với mục tiêu đầu tư phát triển Johor Bahru thành Hồng Kông thứ hai.
Chính phủ Malaysia sẽ huy động 105 tỷ USD trong vòng 20 năm tới với mục tiêu đầu tư phát triển Johor Bahru thành Hồng Kông thứ hai.
Ba nước láng giềng Indonesia, Malaysia và Singapore đã nỗ lực hướng tới thành lập một Tam giác kinh tế phát triển trong các lĩnh vực công nghiệp, hoạt động thương mại, thu hút đầu tư và du lịch.

Ba nước láng giềng này có diện tích tự nhiên hơn 2.243.394 km2, với dân số hơn 240 triệu người, có nhiều khoáng sản, nhất là dầu mỏ, tài nguyên rừng phong phú, nhiều đồng bằng lớn thuận lợi cho phát triển trồng trọt, chăn nuôi. Nhiều bãi biển đẹp, khu du lịch lý tưởng, năm qua thu hút hơn 32 triệu lượt du khách nước ngoài...

Cùng tăng trưởng

Singapore, một quốc đảo xinh đẹp có 4,5 triệu dân đã thực hiện thành công giai đoạn phát triển kinh tế đầu tiên trong vòng chưa đầy 30 năm, đưa quốc đảo này từ một nước thuộc “thế giới thứ 3” lên nửa dưới danh sách các quốc gia giàu nhất thế giới và đang phấn đấu có tên trong nửa đầu danh sách các quốc gia giàu nhất thế giới trong vòng 10-20 năm tới.

Phát biểu nhân dịp đầu năm 2007, Thủ tướng Singapore cho biết kinh tế tăng trưởng 7,7% năm 2006, cao hơn mức dự kiến ban đầu.

Kinh tế Malaysia tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong năm 2007, sau khi tăng trưởng 5,7% trong năm 2006. Xuất khẩu và đầu tư tiếp tục tăng, niềm tin của người tiêu dùng vẫn ở mức cao.

Năm 2006, ngành du lịch phát triển đón tiếp 17,5 triệu lượt khách nước ngoài, trong đó khách đến từ 4 nước láng giềng Singapore, Indonesia, Thái Lan và Brunei chiếm 77,2%, đạt doanh thu 10,3 tỷ USD.

Năm 2007 nước này đạt mục tiêu thu hút 20 triệu lượt du khách, đạt doanh thu 12,7 tỷ USD. Chủ tịch Hiệp hội kinh tế Malaysia, ông Gan Khuan Poh nói kinh tế nước này đang trên đà tăng trưởng mạnh, dự báo tăng 5,9% năm 2007 và 2008.

Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono cho biết nước này sẽ đạt mức tăng trưởng kinh tế cao 6% trong năm nay và những năm tới, so với mức tăng 5,6% trong 2 năm qua.

Giám đốc Ngân hàng thế giới (WB) tại Indonesia, Andrew Steer cho rằng nền kinh tế nước này đã phục hồi kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.

Theo Cơ quan Thống kê Trung ương (CBA), năm 2006 Indonesia đạt kim ngạch xuất khẩu kỷ lục 100,69 tỷ USD, tăng 17,55% so với năm 2005. Kim ngạch nhập khẩu 61,08 tỷ USD, tăng 5,85%. Số du khách nước ngoài đến Indonesia đạt 4,87 triệu người, đạt doanh thu 4,4 tỷ USD...

Để thúc đẩy hội nhập khu vực Tam giác phát triển này, Indonesia đã thành lập một đặc khu kinh tế trên đảo Riau nằm giữa Singapore và Indonesia. Gần 1.000 công ty của 3 nước láng giềng và các nước khác đã đầu tư hoạt động trong các lĩnh vực chế tạo, thương mại, ngân hàng và kinh doanh khách sạn, du lịch.

Chính phủ Indonesia đã khai trương thử nghiệm trang web mang tên “Cửa sổ chung quốc gia” (NSW) tại Batam trên đảo Riau nhằm liên kết thông tin và hoạt động giữa các doanh nghiệp với khoảng 20 cơ quan chính phủ phụ trách việc cấp phép thương mại. Các doanh nghiệp có thể làm các thủ tục xuất, nhập khẩu và giấy phép hoạt động trực tuyến, rút ngắn thời gian cho các doanh nghiệp, giảm chi phí sản xuất, hạn chế tệ nạn quan liêu và hối lộ.

Nam Johor Bahru - Hồng Kông mới?

Lớn hơn cả là dự án phát triển “Khu kinh tế Nam Johor Bahru” thuộc Malaysia, khu vực rộng lớn ven biển giáp với Singapore, có diện tích 2.217 km2, quy mô lớn gấp khoảng 2,5 lần Singapore. Đây là dự án phát triển đô thị lớn nhất ở Đông Nam Á.

Johor sẽ có các cơ sở chế tạo, kinh doanh, nghỉ dưỡng và một trung tâm tài chính Hồi giáo, các cơ sở sản xuất nhiên liệu sinh học và các trung tâm giáo dục. Dự án này hướng tới thúc đẩy kinh tế bang Johor tăng trưởng trung bình 7%/năm trong vòng 20 năm tới và tạo ra 800.000 việc làm.

Thủ tướng Abdullah Ahmad Badawi nói bang Johor sẽ trở thành một Hồng Kông thứ hai, đủ sức cạnh tranh với các trung tâm kinh tế ở Dubai (Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất), Thâm Quyến (Trung Quốc) và Bangalore (Ấn Độ).

Malaysia đang tìm kiếm khoản đầu tư 105 tỷ USD trong vòng 20 năm tới để phát triển kinh tế bang Johor. Dự án phát triển bang Johor đi vào hoạt động sẽ tăng nguồn lao động hai chiều.

Trong khi còn có ý kiến chỉ trích cho rằng dự án Johor sẽ biến khu vực vùng đất phía nam Malaysia thành đất của người nước ngoài, ông Shahrir Samad, người đứng đầu Tổ chức quốc gia Mã Lai thống nhất và là đại biểu Quốc hội bang Johor lại cho rằng kế hoạch này tạo thêm không gian hoạt động cho các nhà đầu tư nước ngoài, vì lợi ích chung của 2 nước.

Dự án này đã đạt được sự thoả thuận của một nhóm tư vấn gồm 5 thành viên, trong đó có người giàu nhất khu vực Đông Nam A là tỷ phú Robert Kuok.

Đang thực hiện mục tiêu thu hút khoảng 50 tỷ Ringgit (14,29 tỷ USD) cho Khu vực kinh tế Nam Johor trong giai đoạn đầu 5 năm tới, Giám đốc quản lý dự án này, ông Azman Mokhar cho biết cơ quan đầu tư chính phủ đang hướng tới thu hút 105 tỷ USD trong 20 năm.

Ngày 25/2/2007, hai công ty lớn trong lĩnh vực du lịch là Amanresorts Limited và Tune Hotels đã ký thoả thuận xây dựng khu nghỉ mát cao cấp, các khu dân cư, trung tâm hậu cần, trung tâm y tế và công viên giải trí, dự kiến hoàn thành vào năm 2009.

Cơ quan đầu tư chính phủ Khazanah Nassional Bhd cho biết đã nhận được những bản ghi nhớ chi tiết bày tỏ sự quan tâm đối với vốn đầu tư khoảng 10 tỷ Ringgit (2,85 tỷ USD) từ các nhà đầu tư Trung Đông và châu Á-Thái Bình Dương.