16:34 10/02/2022

Tần suất bay tăng vọt, hành khách vẫn khổ sở vì trễ chuyến

Ánh Tuyết

Tháng cao điểm Tết, Cục Hàng không Việt Nam vừa quyết định tăng tần suất các chuyến bay nội địa tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, số chuyến bay trễ, huỷ chuyến cũng tăng tương ứng...

Vietjet Air có số chuyến bay bị chậm và hủy lớn nhất, cứ 5 chuyến bay, sẽ có 1 chuyến chậm giờ.
Vietjet Air có số chuyến bay bị chậm và hủy lớn nhất, cứ 5 chuyến bay, sẽ có 1 chuyến chậm giờ.

Trên cơ sở báo cáo của các hãng hàng không Việt Nam về nhu cầu vận chuyển hàng không giai đoạn từ nay đến ngày 20/2/2022, đặc biệt là nhu cầu từ các tỉnh phía Bắc vào phía Nam qua Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất trong dịp Tết Nguyên Đán Nhâm Dần vừa qua, Cục Hàng không Việt Nam điều chỉnh tham số điều phối slot (giờ cất, hạ cánh) tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Cụ thể, trong 10 ngày tới đây, giai đoạn từ 10/2/2022 đến 20/2/2022, tham số điều phối đường hạ, cất cánh là 48 chuyến/giờ cho các khung giờ từ 06h00-23h55 (giờ địa phương) và 36 chuyến/giờ cho các khung giờ từ 00h00-05h55 (giờ địa phương). Tham số điều phối nhà ga nội địa đi là 26 chuyến/giờ; tham số điều phối nhà ga nội địa đến là 24 chuyến/giờ.

Trước đó, trong cao điểm Tết Nguyên đán, tại Tân Sơn Nhất, Cục Hàng không Việt Nam tăng từ 40 lên 46 chuyến/giờ, chuyến bay nội địa cất cánh là 24 chuyến/giờ.

Giai đoạn sau đó, từ ngày 21/2/2022 đến 30/4/2022, tham số điều phối đường hạ cất cánh điều chỉnh giảm còn 30 chuyến/giờ. Tham số điều phối nhà ga nội địa đi là 24 chuyến/giờ; tham số điều phối nhà ga nội địa đến 20 chuyến/giờ.

 

"Các hãng hàng không thực hiện nghiêm việc trả slot không sử dụng theo quy định, sử dụng đúng slot theo phép bay đã cấp để tăng hiệu quả trong việc điều phối, sử dụng slot, đồng thời, tăng cường khai thác các khung giờ đêm", Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu.

Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu Cảng vụ hàng không miền Nam, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất phối hợp với Sở Giao thông vận tải TP.HCM tăng cường phương tiện vận tải công cộng, taxi để đáp ứng nhu cầu của hành khách đi các chuyến bay nội địa khi hạ cánh tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, góp phần giảm thiểu ùn tắc tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Các cảng hàng không địa phương có hệ thống đèn đêm phối hợp với các hãng hàng không, bố trí nguồn lực để đảm bảo phục vụ nhu cầu khai thác các khung giờ đêm của các hãng hàng không", Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu.

Cũng theo báo cáo mới nhất của Cục Hàng không Việt Nam về tổng hợp số liệu khai thác các chuyến bay đúng giờ, chậm, hủy chuyến của các hãng hàng không Việt Nam trong tháng 01/2022, các hãng khai thác 17.448 chuyến bay, giảm 9,6% so với cùng kỳ.

Trong đó, khai thác nhiều nhất là Vietnam Airlines với 6.881 chuyến bay, kế đến là Vietjet 5.263 chuyến và vị trí thứ ba là Bamboo Airways với 3.818 chuyến.

 

Trong giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán Nhâm Dần, tỷ lệ chuyến bay cất cánh chậm chuyến, huỷ chuyến tăng mạnh.

Cụ thể, có gần 2.390 chuyến bay bị chậm và hủy. Trong đó, Vietjet Air giữ vị trí "quán quân" về số chuyến bay bị chậm và hủy lớn nhất, chiếm đến 50% tổng số. Cá biệt, có 1.172 chuyến chậm giờ khởi hành, với tỷ lệ chậm chuyến là 22,3%, nghĩa là cứ khoảng 5 chuyến bay, sẽ có 1 chuyến chậm giờ. Tỷ lệ này tăng mạnh 16,7% so với cùng kỳ.

Kế đến, Vietnam Airlines có 905 chuyến bị chậm và hủy; đứng thứ ba là Bamboo Airways có 145 chuyến bị chậm.