13:38 30/05/2023

Tăng cường kết nối, tạo dựng cơ hội hợp tác Việt Nam - Ấn Độ 

Vy Vy

Việt Nam và Ấn Độ có nhiều lợi thế có thể bổ sung cho nhau nhưng hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa doanh nghiệp hai nước vẫn chưa tương xứng. Tăng cường kết nối, xác lập niềm tin, tạo dựng cơ hội hợp tác được xem là giải pháp nhằm thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước...

Toàn cảnh hội thảo Giao thương doanh nghiệp đa ngành Ấn Độ - Việt Nam diễn ra trong khuôn khổ chuyến thăm của doanh nghiệp Ấn Độ tới Việt Nam.
Toàn cảnh hội thảo Giao thương doanh nghiệp đa ngành Ấn Độ - Việt Nam diễn ra trong khuôn khổ chuyến thăm của doanh nghiệp Ấn Độ tới Việt Nam.

Từ ngày 22-27/5/2023, một phái đoàn gồm 25 doanh nghiệp Ấn Độ thuộc các lĩnh vực công nghệ thông tin, xây dựng, logistics, năng lượng tái tạo, chăm sóc sức khỏe, giáo dục… đã tới thăm Việt Nam và có buổi trao đổi trực tiếp với gần 100 doanh nghiệp Việt Nam nhằm tìm kiếm cơ hội đầu tư và hợp tác kinh doanh.

NHU CẦU HỢP TÁC GIA TĂNG

Theo ông Nguyễn Hồng Quang, Trưởng phòng kinh doanh Công ty TNHH Fujisash Việt Nam, đây là cơ hội tuyệt vời để doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm thông tin và tìm hiểu cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp Ấn Độ trong nhiều lĩnh vực. 

“Việt Nam đang trở thành trung tâm sản xuất của khu vực và thế giới. Rất nhiều doanh nghiệp Ấn Độ có nhu cầu đầu tư xây dựng nhà xưởng, thiết lập chuỗi sản xuất và kinh doanh tại Việt Nam. Vì vậy, Fujjsash mong muốn hợp tác và đồng hành với các doanh nghiệp Ấn Độ trong quá trình này”, ông Quang nói.

Ở chiều ngược lại, ông Ranjeet Mehta, Phó Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp PHD (Ấn Độ), cho biết rất nhiều doanh nghiệp Ấn Độ có mong muốn tìm kiếm đối tác hợp tác tại Việt Nam.

“25 doanh nghiệp tới Việt Nam lần này đã có các cuộc trao đổi trực tiếp với các doanh nghiệp Việt Nam tại TP.HCM cũng như Hà Nội cho thấy nhu cầu tìm hiểu môi trường đầu tư kinh doanh, tìm kiếm đối tác hợp tác tại Việt Nam là rất lớn”, ông Mehta bày tỏ. 

Cụ thể, theo ông Mehta, trong phái đoàn doanh nghiệp tới Việt Nam lần này, nhiều doanh nghiệp Ấn Độ có nhu cầu mở văn phòng hay xây dựng nhà xưởng tại Việt Nam. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng muốn tiếp cận thị trường rộng lớn với hơn 1,4 tỷ dân của Ấn Độ.

“Do vậy, đây là thời điểm thích hợp để doanh nghiệp hai nước kết nối, cùng hợp tác và phát triển trong tương lai”, ông Mehta nhấn mạnh.

Chia sẻ về quan hệ hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Ấn Độ, ông Subhash Gupta, Phó Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam, cho biết sau hơn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ thương mại, đầu tư Việt Nam- Ấn Độ đã có bước phát triển tích cực.

Trong năm 2022, thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ đạt mức 15 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đạt 7,9 tỷ USD, tăng 26,7% so với năm 2021; kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Ấn Độ đạt xấp xỉ 7,1 tỷ USD, tăng 1,7% so với năm 2021.

“Đặc biệt, việc 25 doanh nghiệp Ấn Độ hoạt động đa ngành có chuyến thăm Việt Nam lần này cho thấy nhu cầu hợp tác thương mại, đầu tư giữa doanh nghiệp Ấn Độ với doanh nghiệp Việt Nam rất lớn”, Phó Đại sứ Ấn Độ nhấn mạnh.

ĐỂ CƠ HỘI THÀNH HIỆN THỰC

Còn theo ông Trần Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công thương, Ấn Độ được Việt Nam xác định là thị trường hết sức quan trọng tại khu vực Nam Á và trên thế giới.

Bên cạnh những lợi thế cạnh tranh so với các quốc gia khác được các nhà đầu tư nước ngoài cân nhắc lựa chọn là điểm đến đầu tư, kinh doanh như: (nền kinh tế vĩ mô tăng trưởng tích cực, ổn định; nhu cầu trao đổi ngoại thương không ngừng tăng trong những năm qua với mức độ mở cửa sâu rộng thông qua những cơ chế liên kết kinh tế/thương mại…,) doanh nghiệp Việt Nam cũng không ngừng lớn mạnh và phát triển.

“Nhiều doanh nghiệp Việt đã và đang vươn ra thế giới, từng bước khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế, đưa những sản phẩm “Made in Vietnam” đến với người tiêu dùng toàn cầu”, ông Trần Quang Huy nói và cho rằng sự kiện lần này sẽ mở ra những cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp hai bên trong thời gian tới.

Đánh giá cao tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong những năm qua, ông Indronil Sengupta, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Ấn Độ tại Hà Nội, cho rằng Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới và đang hấp dẫn doanh nghiệp nước ngoài.  “Với dân số 100 triệu người, mức thu nhập và nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng tăng, Việt Nam mang đến nhiều cơ hội lớn cho các doanh nghiệp”, ông Indronil nhận định.

Đặc biệt, đại diện doanh nghiệp Ấn Độ đánh giá cao những cải cách táo bạo để cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng thuận lợi hơn khi các thủ tục hành chính được đơn giản hóa, các rào cản gia nhập thị trường được hạ thấp và các hạn chế đối với đầu tư nước ngoài được nới lỏng.

Việt Nam cho phép 100% sở hữu nước ngoài trong hầu hết các lĩnh vực. Các ưu đãi hấp dẫn như miễn thuế, giảm và miễn tiền thuê đất được đưa ra ở các khu vực ưu tiên.

“Việt Nam mang đến một môi trường kinh doanh hấp dẫn cho các công ty Ấn Độ, với sự ổn định chính trị, cải cách kinh tế, nền tảng người tiêu dùng lớn và khả năng tiếp cận chiến lược với các thị trường ASEAN và Thái Bình Dương”, ông Indronil nói.

 

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam – VIMC và Công ty Cảng và Đặc khu kinh tế Adani (Ấn Độ) vừa ký biên bản ghi nhớ về chiến lược hợp tác phát triển vận tải biển, logistics.

Theo đó, VIMC sẽ đóng vai trò là đối tác địa phương của Công ty Cảng và Đặc khu kinh tế, thuộc Tập đoàn Adani - một trong những tập đoàn kinh tế lớn nhất Ấn Độ. VIMC sẽ đồng hành, hỗ trợ Adani trong việc tìm kiếm, đầu tư các dự án phát triển hạ tầng cảng biển, logistics tại Việt Nam. VIMC và Adani sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thành viên hợp tác, ưu tiên sử dụng các dịch vụ của nhau, đặc biệt là hợp tác trong lĩnh vực logistics, kho bãi giữa VIMC Logistics và Adani Logistics.

Trước đó, trong buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Công ty Cảng và Đặc khu kinh tế, thuộc Tập đoàn Adani cho biết Adani mong muốn xây dựng hệ sinh thái cảng biển theo hướng xanh hóa và đầu tư các nhà máy điện gió, điện năng lượng mặt trời tại Việt Nam, tổng số vốn khoảng 3 tỷ USD, phù hợp với chiến lược phát triển của Việt Nam.

Công ty Cảng và Đặc khu kinh tế thuộc Tập đoàn Adani đang rất quan tâm tới Dự án phát triển cảng nước sâu Liên Chiểu tại Đà Nẵng, bao gồm việc đầu tư cơ sở hạ tầng khai thác cảng và khu công nghiệp hậu cần sau cảng.

Song, để thúc đẩy thương mại và đầu tư xuyên biên giới, ông Indronil khuyến nghị: hai bên cùng đẩy mạnh khuyến khích hợp tác thương mại và đầu tư giữa doanh nghiệp hai nước, hỗ trợ di chuyển chuyên gia và tăng cường kết nối doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 22-2023 phát hành ngày 29-05-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Tăng cường kết nối, tạo dựng cơ hội hợp tác Việt Nam - Ấn Độ  - Ảnh 1