09:38 31/10/2012

Tăng mạnh giá dịch vụ y tế vì giá cũ “quá lỗi thời”

Ngô Trang

Bộ trưởng Bộ Y tế lý giải về việc giá dịch vụ y tế được điều chỉnh tăng mạnh

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến giải trình trước Quốc hội.<br>
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến giải trình trước Quốc hội.<br>
"Giá dịch vụ y tế được phê duyệt cách đây 17 năm, trong khi lương đã tăng lên 8 lần, giá cả tăng 3 lần, còn thu nhập người dân cũng tăng khoảng 6 - 7 lần thì đương nhiên chúng tôi cũng phải điều chỉnh".

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đưa ra lý giải trên, trước các câu hỏi của đại biểu Quốc hội chiều 30/10 về việc giá dịch vụ y tế được điều chỉnh tăng mạnh, trong khi đời sống của người lao động, bệnh nhân đang gặp rất nhiều khó khăn.

Theo giải trình của Bộ trưởng, giá dịch vụ y tế được phê duyệt từ năm 1995 và cũng chỉ tính một phần. Hiện nay mức giá đó đã quá lỗi thời, cho nên đã điều chỉnh 3/7 yếu tố bởi những chi phí trực tiếp là thuốc, dịch truyền, các hóa chất và những vấn đề điện, nước, vật liệu tiêu hao.

Bộ trưởng Tiến cho biết, vừa rồi giá tăng ở hai mục: thứ nhất là giá khám bệnh, ở tuyến xã từ 1.000 đồng một lần khám tăng lên 4.000 - 7.000 đồng và ở tuyến Trung ương từ 3.000 tăng lên khoảng 20.000 đồng. Thứ hai là giá giường bệnh từ 10.000 đồng tăng có thể đến 80.000 đồng đối với tuyến cao.

Người đứng đầu ngành y tế thừa nhận, việc tăng giá này ít nhiều có ảnh hưởng đến bệnh nhân, song với người nghèo, người chính sách và trẻ em dưới 6 tuổi, người dân tộc thiểu số thì những đối tượng này đã được Chính phủ mua hết thẻ bảo hiểm y tế và đã bao phủ được 68% người dân, còn người nghèo Chính phủ cũng mua hết và chỉ đồng chi trả 5%.

Cùng với đó, Chính phủ cũng đã ra Quyết định 14/CP để hỗ trợ cho những người nghèo, người hoàn cảnh khó khăn mà bị các bệnh mãn tính lên tới 20%. Số còn lại là những người có điều kiện hoặc khám khoa dịch vụ, hoặc đi nước ngoài, chữa ở bệnh viện tư… thì tốt nhất là tất cả hãy tham gia bảo hiểm y tế.

Bộ trưởng cho biết, trong tháng tới Bộ Y tế sẽ trình Chính phủ một đề án tiến tới lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân do Thủ tướng Chính phủ làm trưởng ban chỉ đạo.

“Chúng tôi hy vọng với sự nỗ lực các đại biểu Quốc hội giám sát thúc đẩy các địa phương, gần đây Chính phủ cũng ra quyết định hỗ trợ người cận nghèo 70%, nhiều địa phương đã bỏ ra 30% để mua bảo hiểm y tế cho toàn dân. Chúng tôi nghĩ, đấy là nguồn tài chính vững bền để đảm bảo một nền y tế công bằng hiệu quả và phát triển, người dân không phải bỏ tiền và tất cả chỉ chi trả giữa bảo hiểm xã hội và nơi cung cấp dịch vụ là bệnh viện”, Bộ trưởng Tiến nói.

Liên quan đến tình trạng quá tải tại các bệnh viện hiện nay, Bộ trưởng Tiến cho hay, đây là một thực trạng rất nhức nhối đối với người dân. Nguyên nhân  vẫn là số giường bệnh của chúng ta quá thấp, mới đạt 22,5 giường/10 vạn dân, trong khi đó yêu cầu tối thiểu là phải 33 và đối với các nước xung quanh thì 80 - 100 giường/10 vạn dân

Bên cạnh đó, cũng do một số bệnh viện chuyên khoa, đặc biệt là 5 chuyên khoa là ung bướu, tim mạch, ngoại chấn thương chỉnh hình, nhi, sản hiện vẫn tập trung tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TpHCM.

Ngoài ra, cũng phải kể đến tình trạng phân bố không đồng đều của các bác sỹ cũng như trang thiết bị xuống tuyến dưới.

Để giải quyết tình trạng này, Bộ trưởng Tiến cho biết, hiện Bộ Y tế đã xây dựng đề án trình Chính phủ nhằm tăng số giường bệnh và phê duyệt bệnh viện vệ tinh đối với 5 chuyên khoa ở các tỉnh có khả năng, để các địa phương có thể tự điều trị mà không cần phải chuyển lên bệnh viện tuyến trên.