13:59 02/01/2024

Tăng phí đường nối cao tốc TP.HCM - Long Thành

Thanh Thủy

Từ ngày 1/1/2024, giá vé qua trạm thu phí BOT 319 nối cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ được điều chỉnh tăng thêm 5.000-15.000 đồng tùy loại xe…

Trạm thu phí BOT 319 nối cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây tăng giá vé qua trạm từ ngày 1/1/2024 - Ảnh minh hoạ
Trạm thu phí BOT 319 nối cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây tăng giá vé qua trạm từ ngày 1/1/2024 - Ảnh minh hoạ

Ngày 31/12, Công ty cổ phần BOT 319 Cường Thuận - CTI cho biết sẽ điều chỉnh giá vé qua trạm thu phí dự án nút giao BOT 319 kết nối đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây theo lộ trình. Theo đó, ngày 1/1/2024, trạm thu phí BOT 319 sẽ áp dụng biểu mức thu phí mới. 

Cụ thể, ôtô dưới 12 ghế, xe tải dưới 2 tấn, xe buýt giá vé từ 34.000 đồng lên 39.000 đồng một lượt. Xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi; xe tải từ 2 tấn đến dưới 4 tấn từ 46.000 đồng lên 54.000 đồng một lượt.

Đối với ôtô từ 31 ghế trở lên, xe tải 4-10 tấn giá vé từ 59.000 đồng lên 69.000 đồng một lượt; xe tải 10-18 tấn và ôtô container 20 feet tăng từ 93.000 đồng lên 108.000 đồng một lượt; ô tô tải từ 18 tấn trở lên và xe container 40 feet tăng từ 187.000 đồng lên 196.000 đồng một lượt.

Việc điều chỉnh giá vé thực hiện theo lộ trình đã được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt. Theo quyết định này, mức phí qua trạm BOT 319 sẽ chia làm 3 giai đoạn (2021-2022, 2023-2025 và 2026 trở về sau) với hai lần điều chỉnh.

Mặt khác, giá vé sau điều chỉnh nêu trên đã giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) theo nghị quyết của Quốc hội.

Trước đó từ 29/12, 48 trạm thu phí BOT trên cả nước cũng tăng phí 15-18%. Trong đó, có 3 dự án nhà đầu tư có ý kiến không tăng phí, nên không thực hiện tăng lần này, gồm các dự án: BOT Quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh) qua tỉnh Đắk Lắk; BOT cải tạo nâng cấp Quốc lộ 38 đoạn nối Quốc lộ 1 với Quốc lộ 5 (nối tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương); Dự án BOT mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Phan Rang - Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận).

Cục Đường bộ yêu cầu các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án thông báo công khai và niêm yết mức giá, thời điểm áp dụng mức giá mới theo quy định; niêm yết mức giá, phí sản phẩm, dịch vụ công được điều chỉnh tại địa điểm cung cấp sản phẩm, dịch vụ công theo quy định của pháp luật về giá, phí.

Đồng thời, sau khi hoàn thiện thủ tục điều chỉnh giá vé, phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng thực hiện điều chỉnh tăng giá dịch vụ sử dụng đường bộ đúng mức giá, đúng thời điểm, thực hiện công tác thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ đúng quy định.

Năm 2016, Chính phủ yêu cầu chưa tăng phí các dự án BOT. Do đó, từ năm 2016 tới nay, chưa có dự án BOT nào được tăng phí, trong khi theo hợp đồng BOT, định kỳ 3 năm 1 lần nhà đầu tư được tăng phí, với mức tăng bình quân 6%/năm (tức mỗi lần tăng thêm 18%). Trong đó, một số dự án đã tới kỳ điều chỉnh tăng lần 2, nhưng chưa được tăng, nên ảnh hưởng đến phương án tài chính và khả năng hoàn vốn của dự án.

 

Đường 319 kết nối đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây với cao tốc Bến Lức - Long Thành. Trong đó dự án BOT có chiều dài gần 10 km từ nút giao cao tốc đến ngã tư Bến Cam, huyện Nhơn Trạch, đưa vào khai thác tháng 10/2021.

Điểm đầu dự án tại ngã ba Bến Cam (huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai), điểm cuối giao với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Đây là trục giao thông chạy xuyên qua các khu công nghiệp của huyện Nhơn Trạch, góp phần rút ngắn thời gian di chuyển từ Nhơn Trạch đi TP.HCM, Dầu Giây và ngược lại.

Xa hơn, khi tuyến đường nối cảng Phước An hoàn thành xây dựng, đường 319 sẽ đóng vai trò là tuyến đường nối hai tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và Bến Lức - Long Thành.